Nội dung chính
- Indonesia theo đuổi tư cách thành viên BRICS;
- Nhưng không hướng đến Trung Quốc;
- Có thể đang chờ đợi "một đề xuất tốt hơn" từ Washington.
Tờ South China Morning Post ngày 3/11 đưa tin, chỉ trong một tuần, hai diễn biến ở các khu vực khác nhau trên thế giới đã cho thấy sự cân bằng mà Indonesia đang cố gắng tạo ra giữa các lợi ích chiến lược và kinh tế của mình.
Tại thành phố Kazan của Nga, Ngoại trưởng Indonesia Sugiono đã thực hiện các vòng đàm phán ngoại giao để thúc đẩy nỗ lực của Jakarta trở thành thành viên chính thức của BRICS - nhóm bao gồm các nền kinh tế mới nổi mà Trung Quốc là một thành viên.
Cách đó hàng nghìn kilomet trên Biển Đông, các tàu tuần tra của Indonesia đã xua đuổi các tàu tuần duyên Trung Quốc ở vùng biển mà hai nước có các yêu sách hàng hải chồng lấn.
Và Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto sẽ thực hiện động thái cân bằng đó một lần nữa vào cuối tháng này khi đến thăm Bắc Kinh trong chuyến công du nhiều điểm dừng để nâng cao vị thế quốc tế của Jakarta.
Quan hệ an ninh chính trị và quan hệ kinh tế không thể tác động lẫn nhau
Các nhà quan sát cho biết có lý do chính đáng để cả Trung Quốc và Indonesia phân chia các vấn đề khác nhau trong mối quan hệ giữa hai nước.
Nguồn gốc căng thẳng chính là quần đảo Natuna của Indonesia vốn giàu tài nguyên dầu khí.
Hai nước không có tranh chấp lãnh thổ chính thức nhưng yêu sách “đường lưỡi bò” phi lí của Trung Quốc ở Biển Đông đã cắt vào vùng đặc quyền kinh tế gần các đảo của Indonesia, và các tàu Trung Quốc bị cáo buộc thường xuyên xâm phạm vào nơi mà Indonesia chỉ đích danh là Biển Bắc Natuna.
Cuối tháng trước, lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia cho biết, lần thứ ba trong vòng một tuần họ đã hộ tống một tàu Trung Quốc "phá hoại" hoạt động thăm dò dầu khí ra khỏi vùng biển này. Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển của họ đang tuần tra ở vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
Đồng thời, Jakarta cũng đang để mắt đến những cơ hội mà tư cách thành viên BRICS có thể mang lại. Khối BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, và các thành viên mới Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE, chiếm 1/4 nền kinh tế toàn cầu.
Indonesia là quốc gia đông dân thứ tư thế giới và là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Dylan Loh - trợ lý giáo sư tại Chương trình chính sách công và các vấn đề toàn cầu của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) - cho biết, việc gia nhập BRICS mang lại cho Indonesia cả cơ hội kinh tế và chiến lược.
"Điều này phù hợp với [mục tiêu] tăng trưởng kinh tế và phát triển của Indonesia, tập trung vào xóa đói giảm nghèo và thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ," ông Loh nói.
"Hơn nữa, Indonesia cũng đã có bước tiến lớn hơn trong việc tự quảng bá mình là một nhà lãnh đạo, nếu không muốn nói là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Nam Bán cầu. Và BRICS chính xác là một nền tảng như vậy để theo đuổi chính sách đối ngoại 'tự do và chủ động' của Indonesia."
Shafiah Muhibat - Phó giám đốc điều hành nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia - cho biết, vấn đề này trong mối quan hệ của Indonesia với Trung Quốc khó có thể ảnh hưởng đến vấn đề kia.
"Indonesia đã cố gắng đưa mối quan hệ của mình với Trung Quốc vào các ngăn khác nhau: quan hệ an ninh chính trị và quan hệ kinh tế; duy trì hai điểm tương đồng này và không để chúng tác động lẫn nhau".
"Vì vậy, bất cứ điều gì xảy ra trong quan hệ an ninh chính trị giữa chúng tôi [Indonesia và Trung Quốc] đều không được tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế của chúng tôi", Muhibat nói.
Yohanes Sulaiman - phó giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Jenderal Achmad Yani ở phía tây Java (Indonesia) - đồng ý với quan điểm đó, đồng thời cho biết chính phủ Indonesia đang thăm dò vùng biển ở Natuna cùng với các tàu Trung Quốc.
"Cân nhắc đến việc Tổng thống Prabowo đang xây dựng danh tiếng của mình dựa trên sự mạnh mẽ và sẵn sàng bảo vệ Indonesia, tôi muốn xem hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển [Indonesia] có thể tiến xa đến đâu và biến điều này thành tiền lệ", ông nói.
Theo Radityo Dharmaputra - giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Airlangga ở Surabaya (Indonesia), việc kiềm chế các cuộc đối đầu đó và đưa Indonesia đến gần BRICS hơn cũng sẽ có lợi cho Trung Quốc và các thành viên khác của khối này mà phương Tây coi là mối đe dọa.
"Đối với BRICS, một lần nữa, sẽ là một ý tưởng hay nếu có nhiều thành viên hơn, bao gồm cả Đông Nam Á, nơi độc lập và trung lập đã là chuẩn mực trong nhiều năm", Radityo nói.
"Một nghìn người bạn là quá ít, một kẻ thù là quá nhiều"
Nhưng theo các chuyên gia, việc Jakarta theo đuổi tư cách thành viên BRICS không nên được coi là sự liên kết với một nhóm cụ thể, đặc biệt là khi Tổng thống Prabowo không tham dự cuộc họp ở Kazan.
Phó giáo sư Sulaiman cho biết Indonesia không hướng đến Trung Quốc mặc dù có vẻ như vậy, và sự vắng mặt của Tổng thống Prabowo là một dấu hiệu cho thấy Jakarta không muốn cam kết sẽ phải trả giá bằng mối quan hệ với các đối tác phương Tây.
"Indonesia sẽ không sớm chọn phe nào, không chỉ vì nguyên tắc không liên kết của mình, mà còn vì khi chọn phe, chúng ta [Indonesia] sợ rằng mình có thể bị lôi kéo vào những bất đồng mà mình không mong muốn", Sulaiman nói.
Nỗ lực gia nhập BRICS là một trong những sáng kiến lớn đầu tiên của Tổng thống Prabowo theo chính sách đối ngoại "láng giềng tốt" của ông. Theo Tổng thống Indonesia, "một nghìn người bạn là quá ít, một kẻ thù là quá nhiều".
Chuyên gia Radityo cho biết, Tổng thống Prabowo đang tận dụng BRICS làm nền tảng để theo đuổi vị thế quyền lực toàn cầu cho Jakarta.
"Đây là cách ông Prabowo khẳng định thẩm quyền và quan điểm của mình về ngoại giao cấp cao và muốn được nhìn nhận cùng với các nhà lãnh đạo lớn. Trong trường hợp đó, BRICS là một diễn đàn hoàn hảo", Radityo nói.
"Nhưng Jakarta vẫn muốn trấn an các quốc gia khác, chủ yếu là phương Tây, rằng [Indonesia] không chống lại [phương Tây]", Radityo nói thêm.
Để đạt được mục đích đó, chuyến công du của Tổng thống Indonesia trong tháng này cũng sẽ bao gồm các điểm dừng chân tại Mỹ, Peru, Brazil và Anh, tờ Kompas của Indonesia đưa tin.
Yeremia Lalisang - giảng viên về quan hệ quốc tế tại Đại học Indonesia - lưu ý rằng Indonesia có thể đang chờ đợi "một đề xuất tốt hơn" từ Washington, cho thấy rằng nỗ lực gia nhập BRICS có thể là một gợi ý cho phương Tây.
"Tôi không tin rằng Indonesia sẽ gia nhập BRICS nhanh như vậy. Tôi nghĩ [Tổng thống] Prabowo vẫn muốn chờ chuyến thăm Mỹ của mình để xem liệu Mỹ có thể đưa ra cho ông một đề xuất tốt hơn hay không”, Lalisang nói.
"Indonesia luôn muốn làm bạn với tất cả. Nếu quá trình đàm phán [với BRICS] diễn ra suôn sẻ, thì chúng ta [có thể thấy] động thái tiếp theo của Indonesia là tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ", Lalisang nói thêm.