Như đã đưa tin thì từ những ngày đầu tháng 5/2018, núi lửa Kilauea tại Hawaii đã phun trào cực kỳ dữ dội . Với tổng cộng 17 kẽ nứt, dung nham bắn ra và chảy thẳng xuống biển, tạo nên một cảnh tượng cực kỳ hung hiểm.
Đổi lại thì khi núi lửa hoạt động, đó cũng là lúc những vùng đất mới được hình thành. Với việc dung nham đổ thẳng xuống biển, núi lửa Kilauea đang giúp Đảo Lớn (Big Island) của Hawaii ngày một trương nở ra.
Đây là một tín hiệu đáng mừng, vì ở phía Tây Bắc của hòn đảo - nơi không có núi lửa - thì đất đai đang bị xói mòn nghiêm trọng. Không sớm thì muộn, vùng đất ấy sẽ biến mất dưới lòng đại dương, nếu không có hoạt động tích cực của núi lủa Kilauea phía Đông Nam.
Quá trình ấy diễn ra như thế nào, hãy thử tìm hiểu xem sao.
Dung nham chảy xuống đại dương sẽ có chuyện gì xảy ra?
Dung nham chảy ra từ Kilauea có thể đạt tới hơn 1.100°C. Nó phải chảy qua quãng đường dài 4,5 - 5,5km để chạm đến đại dương. Dù mất đi một lượng nhiệt đáng kể, ở thời điểm chạm mặt nước số dung nham ấy vẫn dễ dàng vượt quá 1.000°C.
Và khi chạm xuống nước, xuống một bề mặt nhiệt độ thấp hơn rất nhiều, bạn sẽ được chứng kiến một cảnh tượng cực kỳ ngoạn mục: nước bùng nổ, khói trắng dày đặc phun thẳng lên trời.
Tuy nhiên, đó lại là những cột khói cực kỳ nguy hiểm. Bên trong khói có các hạt thủy tinh và sương acid, với tính chất ăn mòn cực mạnh. Bất kỳ ai lại gần sẽ cảm thấy cực kỳ khó thở, mắt và da bị kích ứng trầm trọng.
Dù vậy thì sau thời gian đầu bùng nổ, quá trình dung nham chảy xuống biển dần trở nên êm ái hơn. Tuy nhiên lúc này, nguy hiểm bắt đầu xuất hiện ở trong lòng đại dương.
Dung nham ở dưới biển sẽ vỡ ra thành từng khối nhỏ, tạo nên một sườn dốc ngay dưới chân hòn đảo - được gọi là "châu thổ dung nham".
Vấn đề là ở chỗ, vùng châu thổ mới tạo này rất không ổn định, có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào. Nó khiến nước bị kẹt trong các khối đá cực nóng, để rồi tạo ra những vụ nổ hơi nước cao tới 250m. Bất kỳ ai đứng gần cũng có thể vong mạng vì hiện tượng này.
Qua thời gian, khi vùng châu thổ mới nguội lạnh và ổn định, đó là lúc vùng đất mới được hình thành. Quá trình này phải mất hàng thập kỷ.
Núi Kilauea cao 1.247m, thuộc phía Tây Nam của Đảo Lớn thuộc Hawaii (một trong năm hòn đảo lớn nhất). Cùng với núi lửa Maunaloa và Loihi, Kilauea được hình thành do khối kiến tạo Thái Bình Dương, là một dải núi lửa trải dài gần 5.800 m.
Tính đến thời điểm hiện tại, Kilauea là núi lửa hoạt động mạnh nhất trên thế giới. Cường độ hoạt động của núi lửa được dự đoán ngày càng mạnh hơn. Khi Kilauea tiếp tục phun cột tro cao tới 9.000 m, chính quyền đã đặt mức báo động đỏ.
Tham khảo: Science Alert