Với cột khói cùng tro bụi cao tới 7km, đứng từ rất xa người dân có thể cảm nhận được sự phun trào lần này của núi lửa Sinabung tại Bắc Sumatra - một trong những ngọn núi lửa hung tợn nhất tại quốc gia "vạn đảo".
Núi lửa Sinabung bắt đầu phun trào từ hôm 9/6 và hoạt động mạnh trong ngày 10 và 11/6.
Ban đầu, cột khói của nó chỉ cao chừng 3km nhưng sau đó bất ngờ phun cao hơn che phủ cả một góc hòn đảo.
Cột khói của Núi lửa Sinabung cao tới 7km và được dự báo sẽ còn cao hơn, sau đó hạ thấp dần khi những dòng dung nham tuôn trào khi đạt đỉnh.
Khói đen từ núi lửa Sinabung khủng khiếp tới mức được phóng viên Tân Hoa xã ví như ngày tận thế sắp tới.
Thực tế, Indonesia nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương là vòng cung kéo dài 40.000 km - nơi phần lớn vụ động đất xảy ra trên thế giới. Cũng trên vành đai này, mật độ các ngọn núi lửa đã và đang hoạt động cũng chiếm tỉ lệ tới 80% số núi lửa trên hành tinh.
Chính các vụ động đất, núi lửa phun trào hay sóng thần tại khu vực này là do lực va chạm giữa 2 mảng kiến tạo địa chất gây ra. Theo các nhà khoa học, đất luôn dịch chuyển bên dưới bề mặt, khiến các tầng địa chất không ổn định gây ra động đất cũng như núi lửa phun như "cơm bữa" ở Indonesia.
Vành đai núi lửa và động đất (màu đỏ) tại Thái Bình Dương. Ảnh: CNN
Được biết, hai mảng kiến tạo địa chất nằm dưới lãnh thổ Indonesia là mảng Thái Bình Dương và mảng Ấn – Úc.