Trong diễn văn, ông Tập Cận Bình đánh giá Macau đã thực hiện thành công và không ngừng củng cố, phát triển nền tảng chính trị-xã hội phù hợp thực tiễn với nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ".
"Dưới sự đích thân lãnh đạo của Trưởng đặc khu, sự thực thi chức trách thiết thực của các cơ quan chính quyền, sự tham gia của các tầng lớp xã hội, hoạt động giáo dục chủ nghĩa ái quốc ở các trường học của Macau tiến hành rất xuất sắc. Ý thức quốc gia và tinh thần ái quốc đã cắm rễ sâu trong trái tim của thế hệ thanh thiếu niên," ông Tập nói.
Phát biểu sau lễ nhậm chức của tân Trưởng đặc khu Ho Iat-seng, kể từ khi Macau được Bồ Đào Nha trao trả về Trung Quốc Đại lục 20 năm trước, những người tiền nhiệm của ông Ho là Edmund Ho Hau-wah và Fernando Chui Sai-on đã thúc đẩy kinh tế thành phố và đời sống người dân.
Ông Tập Cận Bình tái khẳng định công việc của Hồng Kông, Macau là chuyện của Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg)
Ông Tập khẳng định những thành tựu của Macau cho thấy tầm quan trọng của niềm tin vào nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ".
"Thành công của Macau nói với chúng ta rằng, chỉ cần chúng ta có lòng tin vào nguyên tắc 'Một quốc gia, hai chế độ' thì tính linh hoạt và ưu việt của nó sẽ được thể hiện ra."
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) bình luận, thông điệp của chủ tịch Trung Quốc tại Macau dường như là một lời khiển trách đối với Hồng Kông, khi tại đây đã diễn ra các cuộc biểu tình chống chính quyền kéo dài từ tháng 6. Bắc Kinh chỉ trích làn sóng biểu tình bạo lực này là sự thách thức nguyên tắc "Một quốc gia, hai chế độ".
Ông Tập cũng dành lời khen người dân Macau vì cam kết với nguyên tắc nói trên, cũng như nhận thức và lòng tự tôn quốc gia.
"Họ (người Macau) đã cân nhắc các vấn đề trên cơ sở lợi ích của đất nước và của Macau," ông nói, đồng thời bày tỏ kỳ vọng giới chức đặc khu tiếp tục phát huy hiệu quả công việc trong những năm tiếp theo.
Ở phần cuối diễn văn, ông Tập Cận Bình cảnh báo gay gắt "thế lực bên ngoài" can thiệp vào tình hình Hồng Kông.
"Tôi nhấn mạnh, sau khi Hồng Kông, Macau trở về với tổ quốc, việc xử lý các sự vụ của hai đặc khu hành chính này hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc, không cần đến thế lực bên ngoài nào hoa chân múa tay. Ý chí của chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh, phát triển lợi ích quốc gia vững như bàn thạch. Chúng ta không cho phép bất kỳ thế lực bên ngoài nào can thiệp vào công việc của Hồng Kông, Macau!"
Trước đó, ông Tập từng đưa ra những phát biểu quyết liệt về vấn đề Hồng Kông, như cảnh báo "kẻ nào có ý định chia rẽ bất kì phần lãnh thổ nào của Trung Quốc sẽ bị thịt nát xương tan" khi gặp thủ tướng Nepal hôm 13/10. Ông cũng nhấn mạnh ngăn chặn bạo loạn, khôi phục trật tự là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay đối với Hồng Kông.
Hôm 27/11, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký duyệt Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
Một ngày trước khi Trung Quốc tổ chức lễ mừng Macau trở lại, ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh bảo đảm tự do ngôn luận và tư pháp độc lập của Hồng Kông.