Tôi họ Lương, 63 tuổi, sống ở một vùng nông thôn yên tĩnh thuộc Vân Nam (Trung Quốc). Vợ chồng tôi đều là nông dân, cả đời làm việc chân tay. Con trai Hạo Nam của chúng tôi lập nghiệp ở thành phố. Vài năm trước, vợ chồng tôi vay mượn, cộng với tiền dành dụm đã lâu, mua cho con trai một căn hộ chung cư nhỏ ở thành phố. Sau khi mua nhà, Hạo Nam lấy vợ, con dâu tôi tên là Tiểu Phương.
Theo thời gian, vợ chồng tôi dần già đi, cơ thể không còn khỏe mạnh như trước. Sau nhiều lần đắn đo, cuối cùng chúng tôi quyết định lên thành phố để kiểm tra toàn thân, đồng thời thăm cháu nội.
Ngày hôm đó, tôi và chồng lên thành phố với một ít hành lý, lòng đầy mong đợi và có chút hồi hộp. Khi chúng tôi đến nơi, Hạo Nam vui vẻ tiếp đón. Tuy nhiên, tôi nhận thấy thái độ của con dâu Tiểu Phương có chút lạnh lùng, chỉ gật đầu nhẹ như chào hỏi rồi không nói gì thêm.
Tiểu Phương không chủ động mời chúng tôi vào nhà, thậm chí sau khi chúng tôi ngồi xuống, con bé cũng không rót lấy một cốc nước. Trong lúc trò chuyện, tôi cố gắng tìm chủ đề để làm dịu bầu không khí. Tuy nhiên, mỗi khi nhắc đến chủ đề nhà cửa, tôi có thể nhận thấy sự lưỡng lự của con trai. Lòng tôi thắt lại, trong gia đình này, có bí mật gì mà tôi không biết sao?
Trước đó, chúng tôi có hai căn nhà nhỏ ở quê. Vì nó nằm trong dự án quy hoạch nên đang đàm phán để lấy tiền đền bù. Hai căn nhà tuy không lớn nhưng là toàn bộ tài sản của vợ chồng chúng tôi. Trước đây Hạo Nam từng ngỏ ý muốn chúng tôi chuyển nhượng căn nhà cho nó, để sau này nó sẽ nhận tiền đền bù, nhưng chồng tôi chưa đồng ý.
Đêm đến, tôi nghe thấy tiếng cãi vã từ phòng con trai. Tôi nghe được hai đứa đang tranh cãi về chuyện sổ đỏ. Con dâu tôi phàn nàn tại sao tôi chưa sang tên sổ đỏ cho Hạo Nam. Tiểu Phương gắt gỏng: "Em không quan tâm! Anh trai em đang thiếu tiền mua nhà, chẳng lẽ chúng ta không thể giúp một chút. Nếu anh không đồng ý, tức là anh không yêu tôi, không quan tâm gia đình tôi!". Tôi đứng ngoài cửa với cảm xúc lẫn lộn.
Tôi biết rằng gia đình đã có sự rạn nứt vì tài sản. Vấn đề này đã trở thành nút thắt không thể tháo gỡ.
Sau một đêm cân nhắc kỹ lưỡng, chúng tôi đã đưa ra quyết định: Không sang tên sổ đỏ ở quê cho con trai mình. Hạo Nam không giữ được bình tĩnh, thậm chí còn bắt đầu đổ lỗi cho chúng tôi.
Tôi nói với con: "Không phải bố mẹ không tin tưởng con, mà là chúng ta hy vọng tài sản của gia đình có thể được bảo toàn. Bố mẹ đã lớn tuổi và cần có một khoản để ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Bố mẹ hứa rằng sau khi về già, tài sản đương nhiên sẽ được chuyển sang tên con. Nhưng hiện tại thì chưa được".
Con dâu tôi, Tiểu Phương, chỉ ngồi một chỗ, im lặng lắng nghe cuộc trò chuyện, trên mặt không có biểu cảm gì. Nhưng tôi thấy trong mắt con dâu hiện lên vẻ bất mãn và thất vọng. Tiểu Phương cho rằng chúng tôi quá thận trọng và ích kỷ, và mối quan hệ giữa con dâu với chúng tôi đã rạn nứt.
Cả tôi và chồng đều cảm thấy bất lực nhưng không thể làm gì được. Suy cho cùng, mỗi người đều có những quan điểm và lập trường khác nhau. Kể từ ngày đó, vợ chồng tôi ngày càng khó hòa hợp với con trai và con dâu. Thái độ của con dâu vẫn lạnh lùng như trước, con trai cũng không thường xuyên gọi điện về như trước.
Cuối cùng, tôi và chồng bàn với nhau tự lo cho cuộc sống sau này. Sinh con ra, chẳng ai mong muốn phải tự gánh vác khi về già, nhưng có những sự thật buộc chúng ta phải chấp nhận.
Trong cuộc sống này, không phải con cái mà bản thân mình mới là chỗ dựa vững chắc nhất. Dựa núi núi sẽ đổ, dựa người người sẽ chạy. Do đó, trước khi đến tuổi xế chiều, mỗi người hãy chuẩn bị cho mình một khoản tài chính thật vững chắc. Có vậy, họ mới có thể giống như cây cổ thụ luôn trụ vững giữa đời dù cuộc sống có giông tố ra sao. Từ đó, bản thân mới có thể có một tuổi già an nhàn, hạnh phúc.
Theo Sohu