10h đêm, một bà mẹ ở Hà Nội lên mạng, khẩn thiết xin địa chỉ một nơi khám tâm lý uy tín, cho mình và cả cho con trai đang học lớp 5. Tự nhận bản thân là một người mẹ thất bại, chị kể ra những điều khiến tâm trạng mình rơi "xuống đáy" thời gian gần đây.
"Con em nhanh nhẹn, thông minh theo đánh giá của tất cả các cô giáo đã dạy con. Nhưng con bướng, nghịch, hay trêu bạn, phá nhất lớp. Bao lời nói, nhẹ có, ngọt có, quát mắng cũng có nhưng con dường như không hiểu, cũng không thương bố mẹ vất vả mà cố gắng.
Đặc biệt dạo gần đây em được cô giáo nói con không sợ cô, không sợ bất cứ thầy cô đang dạy con, hay cãi lại cô, nói chuyện nhiều, con nói dối không làm bài tập nhưng bảo đã làm, làm qua loa cho có. Rồi hôm nay, đỉnh điểm của sự thất vọng... giờ học vào 10 phút nhưng con và 7, 8 bạn không vào lại ở ngoài chơi. Em thất bại. Em nên làm gì để thay đổi con bây giờ?", chị chia sẻ.
Kiên nhẫn, yêu thương nhưng cần kỷ luật
Câu chuyện của người mẹ này phản ánh một tình huống không hiếm trong quá trình nuôi dạy con cái. Nhiều người đồng cảm cho rằng, cảm giác tuyệt vọng và bất lực mà bà mẹ này đang trải qua là điều dễ hiểu, họ cũng từng gặp phải.
Nếu bố mẹ quá dễ dãi, không đặt ra kỷ luật ngay từ khi con còn nhỏ, không dạy con phân biệt đâu là điều nên làm và đâu là điều không nên làm, không giúp con hiểu rằng khi làm sai phải chịu trách nhiệm về hành động của mình (như bị phạt, bị ngừng học...), thì khi con lớn lên, sẽ rất khó để con hiểu chuyện và tự giác. Một số phụ huynh nhận định, có thể gia đình bà mẹ này quá chú trọng vào việc khen ngợi con vì sự thông minh, nhanh nhẹn mà quên rằng tất cả những phẩm chất ấy, dù có tự nhiên hay bộc lộ, đều phải được xây dựng trên một nền tảng vững chắc của kỷ luật.
"Con mình mà có hành động không đúng, chỉ cần bố liếc mắt một cái là con đã sợ ngay. Nếu đi học mà không nghiêm túc, không làm bài tập về nhà, dù mình nhắc đi nhắc lại mà không nghe thì sẽ cho nghỉ học để hiểu rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng có sự dễ dãi.
Ra ngoài quên tắt đèn, mình sẽ nhắc nhiều lần nhưng nếu không rút kinh nghiệm thì đêm hè sẽ không có quạt, không điều hoà. Nếu con bắt nạt bạn bè, mình sẽ trực tiếp giải quyết ngay, không chần chừ. Lên lớp 9, ôn thi vào 10 mà suốt ngày mải chơi game, nếu con không nhận thức được thì mình sẽ báo thầy và yêu cầu thầy loại con khỏi đội tuyển, thầy cũng sẽ có cuộc nói chuyện nghiêm túc với con. Tóm lại, con phải biết sợ bố mẹ, chứ không phải bố mẹ sợ con", một bà mẹ nêu ý kiến.
Một phụ huynh khác chia sẻ tình huống gia đình mình: Ngày trước, có một lần cô giáo gọi điện cho chị phản ánh về việc con nói chuyện quá nhiều trong lớp. Cô bảo con nói hết chuyện với bạn bàn bên cạnh, rồi lại chuyển sang bạn bàn dưới, làm ảnh hưởng đến việc học của các bạn xung quanh. Lúc ấy, chị ngồi xuống nói chuyện với con rất nhẹ nhàng, không cáu gắt, không to tiếng, chỉ đơn giản là chia sẻ với con về những điều quan trọng.
"Mình nói: "Bố mẹ đã rất vất vả, tằn tiện để kiếm tiền cho con đi học. Nhưng con đến lớp mà không chịu học, suốt ngày chỉ nói chuyện, như vậy không những là lãng phí tiền bạc của bố mẹ mà còn ảnh hưởng đến các bạn khác và cả nhà trường nữa. Mẹ nghĩ là từ mai mẹ sẽ cho con nghỉ học. Như vậy, bố mẹ sẽ không phải tốn tiền, còn con cũng được thoải mái trò chuyện mà không làm phiền ai. Nhưng nếu con nghỉ học thì con phải làm việc nhà: Dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, rửa bát, làm tất cả những công việc mà con có thể làm được ở độ tuổi này, chứ không phải ở nhà rồi chỉ ngồi chơi.
Mình nhấn mạnh rằng, nếu con cảm thấy nghỉ học xong mà vẫn muốn quay lại học thì mẹ sẽ xin cho con đi học tiếp, nhưng nếu con chọn nghỉ học luôn, mẹ cũng tôn trọng ý kiến của con. Tuy nhiên, khi nghỉ học thì phải có trách nhiệm với công việc nhà, không được để mọi thứ trôi qua một cách dễ dàng.
Sau khi nghe mình nói xong, con đã khóc và xin lỗi. Nó nói rằng đã hiểu lỗi của mình và mong được tiếp tục đi học. Mình yêu cầu con viết bản kiểm điểm 100 lần và hứa sẽ học tập chăm chỉ, không bao giờ nói chuyện với bạn bè trong giờ học nữa. Từ đó, mình không bao giờ nhận được phàn nàn gì thêm từ cô giáo về việc học tập của con.
Qua sự việc này, mình cũng nhận thấy rằng đôi khi, một chút nghiêm khắc và sự nhất quán trong cách dạy dỗ có thể giúp con nhận ra trách nhiệm của mình. Không phải lúc nào sự nhẹ nhàng và chiều chuộng cũng mang lại kết quả tốt, mà đôi khi cần phải có những quyết định mạnh mẽ để con hiểu ra vấn đề và tự giác sửa đổi".
Có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, ở giai đoạn con đang chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì thích nổi loạn, thích thể hiện, cha mẹ phải cực tâm lí và kiên nhẫn. Quát mắng và đòn roi nhiều chỉ khiến các bạn ấy càng thích thể hiện và chứng tỏ hơn.
Đầu tiên, cần hiểu rằng việc con trẻ có những hành vi không phù hợp, như nghịch ngợm, hay trêu bạn, không phải là điều hiếm gặp, đặc biệt là ở độ tuổi tiểu học. Tuy nhiên, khi những hành vi này trở thành thói quen, kéo dài mà không có sự can thiệp kịp thời, nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển của trẻ, như trong trường hợp của người mẹ này.
Một trong những vấn đề mà người mẹ đối diện là sự không tuân thủ các quy tắc và thiếu sự tôn trọng đối với thầy cô, thể hiện qua việc không sợ cô giáo, cãi lại cô, và không hoàn thành bài tập đúng hạn. Đây là một dấu hiệu cho thấy trẻ không cảm thấy có trách nhiệm đối với hành động của mình. Điều này có thể đến từ một số nguyên nhân như thiếu sự giám sát, thiếu kỷ luật, hoặc sự thiếu kết nối tình cảm giữa cha mẹ và con cái, khiến trẻ không cảm nhận được sự quan tâm và kỳ vọng của gia đình.
Bên cạnh đó, mẹ của đứa trẻ này cũng đang phải đối mặt với cảm giác thất bại cá nhân. Cảm giác này có thể khiến người mẹ cảm thấy căng thẳng, áp lực và mất tự tin vào khả năng nuôi dạy con của mình. Tuy nhiên, việc này không phải là dấu hiệu của sự thất bại của người mẹ, mà là một sự thách thức mà bất kỳ người mẹ nào cũng có thể gặp phải trong quá trình nuôi dạy con cái.
Vấn đề của người mẹ này cần được giải quyết bằng một cách tiếp cận toàn diện, bao gồm việc cải thiện mối quan hệ giữa mẹ và con, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa khiến trẻ có hành vi không phù hợp, đồng thời tạo ra một môi trường học tập và sinh hoạt tích cực, có kỷ luật.
Chị có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý để hiểu rõ hơn về tình trạng của con mình và những phương pháp can thiệp hiệu quả. Ngoài ra, sự kiên nhẫn, thái độ yêu thương và nhất quán trong việc áp dụng các nguyên tắc dạy dỗ là vô cùng quan trọng.
Trong trường hợp này, việc khám tâm lý cho cả mẹ và con là một bước đi rất hợp lý. Các chuyên gia tâm lý sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn về cảm xúc của bản thân và cách hỗ trợ con trong việc cải thiện hành vi. Đồng thời, việc cải thiện mối quan hệ giữa mẹ và con sẽ giúp cả hai vượt qua những khó khăn này và xây dựng lại một môi trường học tập và phát triển lành mạnh cho con.