Nữ y tá 29 tuổi được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày giai đoạn 3 (Ảnh minh họa)
Chloe Stirling là một y tá 29 tuổi đang sinh sống tại Merseyside, Anh. Chia sẻ với tờ Dailymail, nữ y tá trẻ cho biết cô vừa điều trị thành công bệnh ung thư dạ dày giai đoạn 3 và đã phải cắt toàn bộ dạ dày.
Phát hiện ung thư dạ dày từ 1 triệu chứng xuất hiện sau khi ăn
Nói về triệu chứng của bệnh, Chloe cho biết cô bắt đầu bị ợ nóng sau khi ăn từ tháng 7/2022. Lúc đầu, dấu hiệu này chỉ xuất hiện sau khi cô ăn đồ ăn cay hoặc các món nhiều dầu mỡ nên cô chỉ tự dùng thuốc kháng axit để giảm khó chịu. Nhưng sau đó, dấu hiệu này xảy ra thường xuyên hơn sau mỗi bữa ăn và việc uống thuốc chỉ có thể giảm tạm thời triệu chứng. Chloe có đi nội soi dạ dày và được phát hiện có một vết loét nhỏ trong dạ dày. Các bác sĩ cũng phát hiện cô nhiễm vi khuẩn H. pylori. Cô được kê thuốc về uống nhưng dấu hiệu ợ nóng vẫn không mất đi.
Tới tháng 11/2023, cô có thêm triệu chứng đau dữ dội ở dạ dày. Cô nói: "Bất cứ khi nào ăn hoặc uống, thậm chí chỉ là uống nước lọc, tôi đều cảm thấy đau ở xương ức và lưng. Tôi cũng bị đau ở phần bụng trên bên phải". Chloe đi khám lại và được sinh thiết vết loét ở dạ dày. Kết quả cho thấy cô bị ung thư dạ dày dạng biểu mô tuyến, bệnh đang bước sang giai đoạn 3.
Chloe sau đó trải qua 4 đợt hóa trị và ngày 5/8 vừa qua, cô được phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày kèm nạo vét một số hạch bạch huyết.
Sau những gì đã trải qua, cô nhắn nhủ các bạn trẻ: "Hãy chú ý tới các triệu chứng bất thường của cơ thể và đi khám. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình còn quá trẻ để có thể mắc ung thư. Ung thư không từ một ai cả!".
Ung thư dạ dày có nguyên nhân từ đâu?
Ung thư dạ dày có nhiều dạng khác nhau, nhưng ung thư biểu mô tuyến là dạng thường gặp nhất. Ung thư dạ dày hình thành khi có đột biến gen trong DNA của tế bào dạ dày. DNA mã hóa cho các tế bào biết khi nào phát triển và khi nào chết. Do đột biến, các tế bào phát triển nhanh chóng và cuối cùng hình thành khối u thay vì chết đi. Các tế bào ung thư lấn át các tế bào khỏe mạnh và có thể lan sang các bộ phận khác trên cơ thể (di căn).
Theo Cleveland Clinic, nguyên nhân chính xác gây đột biến gen trong DNA của tế bào dạ dày và dẫn tới ung thư dạ dày hiện vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ, đó là:
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori
- Mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản mạn tính
- Bị viêm dạ dày
- Nhiễm virus Epstein-Barr
- Có tiền sử loét dạ dày hoặc polyp dạ dày
- Có chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều muối, thực phẩm hun khói hoặc muối chua
- Có chế độ ăn ít rau củ và trái cây
- Thường xuyên tiếp xúc với các chất như than đá, kim loại và cao su
- Hút thuốc lá
- Uống quá nhiều rượu bia
- Béo phì
- Bị viêm teo dạ dày tự miễn
- Mắc một số tình trạng di truyền như hội chứng Lynch, hội chứng Peutz-Jeghers, polyp tuyến gia đình,...
- Tiền sử gia đình có người mắc ung thư dạ dày
(Nguồn: Daily Mail, Cleveland Clinic)