Nữ vũ công múa lửa: Khi cơ thể chai sần vết sẹo và những cám dỗ phía sau sân khấu
Cầm que sắt được quấn khăn ở đầu, Thanh Xuân bắt đầu nhúng qua chai xăng mà mình mang theo. Ngọn lửa bùng cháy, Xuân bước ra sân khấu và bắt đầu bài biểu diễn của mình. Nhiều vị khách ngồi dưới nghi ngờ ngọn lửa mà Xuân đang biểu diễn, họ đòi xem thử và rồi giật mình buông ra vì sợ sẽ bị bỏng.
Bỏng khoang miệng vì tập nuốt lửa
Tạ Thị Thanh Xuân (sinh năm 1992, Hà Nội), đã bén duyên với Fire dance (múa lửa) được 6 năm. Không phải ai cũng đủ can đảm bước ra khỏi "ray tàu" định sẵn để khám phá điều mới mẻ như cô gái 9x này.
Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh lớp chất lượng cao của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhưng sự nghiệp cô theo đuổi sau này lại là...múa, một nghề đòi hỏi cả năng khiếu lẫn sự kiên trì luyện tập.
Thanh Xuân theo nghề Fire dance đã hơn 6 năm.
Sau khi ra trường, Thanh Xuân được nhận vào làm cho một công ty chuyển giao công nghệ với mức lương khá cao. Với những người trẻ khác, đây được coi là khởi đầu may mắn, thế nhưng, với Thanh Xuân thì không.
Khi nhận được tháng lương đầu tiên, cô lập tức đăng ký vào một lớp học múa ở nội thành để thực hiện niềm đam mê từ nhỏ. Cô chọn Belly dance (múa bụng) – một thể loại đòi hỏi sự dẻo dai của cơ thể cùng khả năng cảm thụ âm nhạc tốt.
Cơ duyên từ Belly dance đến với nghề Fire dance của Xuân rất tình cờ, đó là từ lần gặp gỡ làm quen với nghệ sĩ xiếc lửa Bảo Long. Niềm đam mê đã theo Xuân từ thời điểm ấy cho đến tận bây giờ.
Với Xuân, cô luôn tâm niệm câu người xưa hay nói "đừng đùa với lửa". Xuân luôn cẩn thận vì lửa rất dễ gây thương tổn cho người xung quanh đặc biệt là với vũ công múa lửa.
Xuân bảo từ thời gian đầu tập luyện cho đến tận bây giờ, cô cũng không hiểu là tại sao, động lực nào giúp mình vượt qua và theo đuổi múa lửa, đôi khi có thể là vì cái sự ngông cuồng, sự ngạo nghễ của tuổi trẻ.
"Cái thời điểm đó, khi tiến hành học nuốt lửa và nếm lửa là lưỡi của em... khoang miệng trên cũng trắng...mỗi khi bị bỏng rộp là ăn cháo, không có ăn cơm. Trên tay và dưới cơ thể đến tận bây giờ vẫn lưu lại vết bỏng".
Năm 2019 Thanh Xuân dự định giã từ sự nghiệp múa lửa, chỉ hoạt động nghệ thuật với tư cách là giáo viên, diễn viên múa. Bởi thời điểm ấy, cô thấy tần suất mình làm việc với lửa quá dày đặc, mức độ nguy hiểm cũng bị đẩy lên cao hơn.
Những vết bỏng thành sẹo do tai nạn từ múa lửa để lại trên cơ thể của Xuân.
Tuy nhiên sau một thời gian, đam mê nghề nghiệp trỗi dậy và Xuân lại khao khát, mong muốn được quay trở lại sân khấu.
"Mình bị bố mẹ phản đối nhiều lắm, ai cũng lo lắng con gái theo nghiệp sẽ vất vả và không được bền. Mãi đến sau này, khi trực tiếp xem mình biểu diễn bên Đài Loan, được khán giả cổ vũ nhiệt tình, hô vang đòi diễn lại, bố mẹ mới hiểu đó là niềm đam mê của con gái và toàn tâm toàn ý ủng hộ", Thanh Xuân chia sẻ.
Xuân cho biết, công việc của mình thường di chuyển ra khỏi nhà lúc 5h sáng và kết thúc về nhà thường tầm 9-10h đêm. Tuy nhiên có những khoảng thời gian, có những ngày cô nhận show diễn ở các tỉnh ở xa khu vực Hà Nội, khi biểu diễn xong, cô di chuyển về Hà Nội có thể đã là nửa đêm, hoặc ngày rạng sáng hôm sau.
Những cám dỗ và góc khuất trong nghề
Thanh Xuân tâm sự, cá nhân cô cũng đã nhận không ít lời cám dỗ, đường mật rất hấp dẫn như: "Thôi, em không phải đi làm từ sáng sớm, đêm hôm 1-2h sáng mới về đến nhà. Đâu cần vất vả như thế ở nhà anh nuôi".
Hay nhiều đêm rất muộn, Xuân nhận những cuộc gọi đi show diễn từ những số máy lạ. Khi cô hỏi lại "chắc chắn không?", cô chỉ múa lửa theo nghĩa đen thôi còn nghĩa bóng thì cô không làm, họ liền tắt máy.
Xuân cho biết, trong quá trình biểu diễn ở các Club, cũng có không ít vị khách dùng hành động hoặc buông lời khiếm nhã.
"Họ uống say rồi, từ cái bắt tay, rồi chuyển khoác vai hoặc là ôm mình. Trong trường hợp như thế mình phải giữ một tinh thần tự chủ và giữ cho mình cái đầu lạnh, bởi vì là bản thân lúc mình biểu diễn trên sân khấu là có lửa, có xăng nên mình làm sao giữ hành động không đi quá xa, không quá khích và cái thứ hai giữ là khoảng cách để đảm bảo độ an toàn cho khách khi lên sân khấu."
Cá nhân Thanh Xuân cho rằng, nếu cô là con người thực dụng, là con người bị những cái cám dỗ đó cuốn theo thì chắc chắn giờ này cô đã không ngồi đây để theo cái nghề vất vả nguy hiểm, mà đã đi hưởng thụ sang chảnh.
Đặc thù công việc khá bận rộn, cũng như nhiều cám dỗ đến với cô nên để tìm một người có thể cảm thông cho công việc của mình rất khó. Về đời tư phía sau sân khấu, cá nhân Thanh Xuân và rất nhiều các nữ nghệ sĩ diễn viên múa khác, sau khi xây dựng gia đình không phải ai cũng cảm thông được, tạo điều kiện để theo đuổi đam mê. "Đã có rất nhiều các nghệ sĩ phải tạm dừng sự nghiệp biểu diễn của mình."
Thanh Xuân luôn luôn mong muốn tìm một người đàn ông hiểu mình, tạo điều kiện và tin tưởng. Với cô, múa lửa là làm từ cái tâm, mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu để được biểu diễn trên sân khấu. Đó là sự đánh đổi, sự yêu nghề và đam mê nghề đúng chất là hoạt động nghệ thuật chân chính.
"Mình hy vọng, mong chờ rằng tìm được một người thật sự trân trọng những giá trị nghệ thuật, những cái đam mê, chất xám, nhiệt huyết của mình và có thể cảm thông, chia sẻ, đồng hành cùng mình trong con đường hoạt động nghệ thuật sắp tới. Đến thời điểm hiện tại có lẽ duyên chưa bén, mình vẫn đang trông chờ người đàn ông của đời mình xuất hiện trong thời gian tới."