Đặt mục tiêu bổ sung nguồn kim loại quan trọng để sản xuất pin, Albemarle, một công ty Mỹ, đã dành nhiều tháng để theo đuổi việc mua lại Liontown Resources Ltd. Doanh nghiệp này sở hữu mỏ lithium tiềm năng nhất tại quốc gia châu Đại dương cho đến thời điểm hiện tại.
Liontown đã đồng ý với lời đệ nghị tốt nhât và là cuối cùng từ công ty sản xuất pin của Mỹ, trong đó mua lại với giá 3 đô la Australia/cổ phiếu, cao gấp đôi so với giá cổ phiếu của doanh nghiệp này khi Albemarle bày tỏ mong muốn mua lại nó vào hồi tháng 3.
Tuy nhiên, thương vụ này đã không thể trở thành hiện thực khi tỷ phú Gina Rinehart, bà trùm khai mỏ của Australia, ra tay can thiệp. Tuần trước, bà trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Liontown với 19,9% cổ phần công ty. Điều này cho phép người phụ nữ này ngăn chặn việc thông qua thương vụ được mô tả là một trong những vụ lớn nhất trong ngành khai thác quặng pin ở thời điểm hiện tại.
Sau sự việc, Albemarle đã chính thức thông báo cho Liontown về việc ngừng thúc đẩy mua lại mỏ do những “sự phức tạp ngày càng tăng liên quan tới thương vụ”.
Liontown hiện là khoản đầu tư quan trọng nhất với quặng lithium của bà Rinehart, người từng kiếm bộn tiền nhờ các mỏ quặng sắt ở miền tây nước Úc trong thời kỳ bùng nổ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc. Hiện tại, triển vọng ngành thép đang ngày càng xấu đi nhưng nhu cầu với các kim loại để sản xuất pin xe điện đang ngày càng tăng cao do các nước quyết tâm chuyển đổi năng lượng xanh.
Hancock Prospecting Pty., đế chế của nữ tỷ phú Rinehart, từ chối bình luận về vụ việc.
Về phần mình, thương vụ với Albemarle đổ bể khiến Liontown phải gấp rút tìm kiếm nguồn vốn, tài trợ cho các dự án khủng của họ ở Thung lũng Kathleen – dụ án mà Hancock chỉ trích là rủi ro. Jon Bishop, một nhà phân tích tại Jarden Securities, cho biết Liontown có thể nhận thấy các ngân hàng ít hào hứng với việc tài trợ cho dự án của họ, nhất là khi giá lithium không ổn định.
Trong khi đó, Albemarle sẽ phải tìm kiếm các khu mỏ khác tại Australia và xa hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của mình, nhất là khi lĩnh vực sản xuất pin toàn cầu đang do các doanh nghiệp Trung Quốc thống trị. Bên cạnh khai thác, công ty pin của Mỹ cũng đặt mục tiêu phát triển công nghệ xử lý và tái chế pin đã qua sử dụng.