Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: Hãy tới sân bay để cảm nhận phần nào sức sống của nền kinh tế Việt Nam

Lan Anh |

Tại phiên thảo luận với chủ đề “Tạo dựng chính sách tốt nhất để phát triển kinh doanh” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh doanh 2018 do tạp chí Forbes tổ chức chiều 26/7 tại TP.HCM, CEO Vietjet gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả bởi những chia sẻ thẳng thắn của mình.

Nữ tỷ phú USD đầu tiên và duy nhất của Việt Nam mở đầu phần chia sẻ của mình với câu chuyện về sức sống của nền kinh tế Việt Nam qua góc nhìn của một người làm việc trong lĩnh vực hàng không với hơn 400 khách mời là các lãnh đạo doanh nghiệp lớn, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia tư vấn hàng đầu…

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo , nếu muốn cảm nhận phần nào sức sống của nền kinh tế Việt Nam thì hãy tới sân bay. Sự tấp nập của 21 cảng hàng không trên cả nước phản ánh một phần sức sống của cả nền kinh tế Việt Nam.

Theo một thống kê quốc tế, cứ 1% tăng trưởng của ngành hàng không sẽ đồng hành tương ứng với 0,4-0,5% GDP và điều này cũng đúng ở Việt Nam khi ngành hàng không tăng trưởng bình quân tới 14-15% trong các năm qua, tương ứng GDP tới 7%.

 Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: Hãy tới sân bay để cảm nhận phần nào sức sống của nền kinh tế Việt Nam  - Ảnh 1.

Với các số liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018, Tổng giám đốc Vietjet cho rằng chúng ta vẫn đang thấy một bức tranh tươi sáng khi GDP tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong 8 năm và các tổ chức quốc tế cũng nhận định GDP Việt Nam có thể đạt mức 6,8% thậm chí 7%.

Bà Thảo cũng cho rằng tình hình kinh tế Việt Nam nói chung tới cuối năm nay, năm sau sẽ có nhiều thách thức đến từ chiến tranh thương mại của các nền kinh tế lớn, biến động tỷ giá, sự phụ thuộc vào FDI, nguy cơ tụt hậu về công nghệ,…

Tuy nhiên, một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới nhấn mạnh rằng thách thức cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân.

“Trong nguy có cơ, trong thách thức cũng có cơ hội”, bà Thảo nhấn mạnh đây chính là thời điểm để phát huy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo, cơ hội để đầu tư cho nguồn lực, con người, cải tiến công nghệ... để vượt qua những thách thức, duy trì tăng trưởng cao.

Dẫn lời một chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, bà Thảo cho rằng Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng nhờ vào khu vực kinh tế tư nhân và người dân.

Hiện nay, mỗi năm doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang tạo ra 1,2 - 1,3 triệu việc làm, đóng góp tới gần 50% GDP Việt Nam, trong khu vực dịch vụ thì đặc biệt đóng góp tới 85%. Bà Thảo kỳ vọng mức đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân có thể lên tới 60% trong tương lai gần.

 Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: Hãy tới sân bay để cảm nhận phần nào sức sống của nền kinh tế Việt Nam  - Ảnh 2.

Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo là diễn giả khách mời đặc biệt trong Diễn đàn kinh doanh 2018 do tạp chí Forbes tổ chức

Câu chuyện về thời gian di dời một tấm vách kính tại sân bay của bà Thảo cũng gây ấn tượng với khán giả tại buổi tọa đàm.

Tổng giám đốc Vietjet cho biết, để di dời một vách kính tạo không gian thông thoáng cho khách thì nhà nước đầu tư mất 2 năm, Vietjet nâng cấp phòng khách Skyboss tại sân bay bằng chính kinh phí của doanh nghiệp mình nhưng do các cơ chế chính sách mà mất tới 2 năm.

Trong khi đó, để xây dựng cả một sân bay Vân Đồn, doanh nghiệp tư nhân cũng chỉ mất hai năm, hay việc xây dựng nhà ga quốc tế mới tại Cam Ranh mà Vietjet có góp vốn đầu tư chỉ mất 18 tháng.

“Trong suốt khoảng thời gian vừa rồi thì công việc giao cho tư nhân chưa đến được với tư nhân, nó vẫn đang vướng ở chỗ nào đó, nó mới chỉ nằm được trong chủ trương, mong muốn, ý chí của chính phủ thôi chứ chưa đến được các cơ quan khác”.

Câu chuyện này chỉ ra rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để cụ thể hóa tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rằng “việc gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm”, làm sao để thông điệp này không chỉ nằm ở cấp chính phủ mà lan tỏa xuống tất cả các bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng… thì mới tạo được hành lang, cơ chế, đổi mới… hỗ trợ kinh tế tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nhắn gửi tới các doanh nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo nói: “Chúng ta cần khai thác nhu cầu còn vô cùng lớn của thị trường Việt Nam, phát động tinh thần người tiêu dùng Việt Nam ủng hộ, bảo vệ, sử dụng hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.

Khi được người tiêu dùng ủng hộ thì doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân phải nâng cao tính trách nhiệm của mình để đáp ứng tinh thần, sự ủng hộ của người tiêu dùng dành cho mình.”

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ câu chuyện của chính Vietjet để minh chứng cho việc có thể tận dụng cơ hội trong thách thức. Theo đó, hãng hàng không Vietjet nhận được giấy phép khi giá dầu ở mức 140 USD/thùng, bắt đầu đi vào hoạt động khi giá dầu ở mức 100 USD/thùng, và có lãi khi giá dầu ở mức 90 USD/thùng.

Vậy nên với mức giá dầu 70 USD/thùng như hiện nay thì Vietjet đã có sẵn kịch bản chủ động của mình để đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Với tinh thần năng động và hội nhập của kinh tế tư nhân Vietjet đã từng bước tháo gỡ, vượt qua những trở ngại và mang đến sự thay đổi mang tính cách mạng của ngành hàng không, mang đến cơ hội bay cho hàng triệu người trở thành động lực cho sự đổi mới tích cực của ngành hàng không Việt Nam, tăng trưởng của đầu tư cơ sở hạ tầng, các dịch vụ hàng không…

“Đây là thời điểm mà có thể sắp xếp lại thị trường, sắp xếp lại thứ hạng và xác định được chiến lược nào của doanh nghiệp là dài hơi, là đúng đắn, chiến lược nào quản trị được rủi ro, được bảo vệ bằng các biện pháp tính trước.

Trong bối cảnh những biến động và thách thức không nhỏ, chúng ta hãy cùng chia sẻ để tìm thấy cơ hội phát triển cao hơn, chất lượng hơn, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xứng tầm”, nữ tỷ phú chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại