Các quốc gia trên thế giới hiện đang bước vào giai đoạn khốc liệt trong cuộc đua phát triển vaccine ngừa Covid-19, bao gồm Trung Quốc. Nước này dự kiến sẽ cung cấp sản phẩm tới công chúng vào tháng 11 tới đây.
Mới đây, Thiếu tướng - Viện sĩ Trần Vi, người đứng đầu nhóm phát triển vaccine ngừa Covid-19 của Viện Khoa học quân sự Trung Quốc, đã có những chia sẻ mới nhất với hãng thông tấn Tân Hoa Xã về tình hình phát triển vaccine của nước này.
Dưới đây, chúng tôi xin gửi tới Quý độc giả phần lược dịch bài phỏng vấn của Tân Hoa Xã!
*****
Tân Hoa Xã: Hiện nay, mọi người đều rất quan tâm đến loại vaccine tái tổ hợp ngừa Covid-19 do [Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc] nghiên cứu và phát triển. Vậy bà có thể tiết lộ thêm về tình hình gần đây của vaccine này hay không?
Viện sĩ Trần Vi: Chúng ta [Trung Quốc] có quyền sở hữu trí tuệ độc lập đối với loại vaccine này, có nghĩa là chúng ta có thể phát triển vaccine của mình bất kỳ lúc nào và trong bất kỳ trường hợp nào. Khi đưa vaccine vào sản xuất và ứng dụng, chúng ta cũng có thể cung cấp cho người dân Trung Quốc tiêm phòng ngay khi họ cần với giá thấp hơn.
Đây là loại vaccine vecter virus công nghệ tiên tiến. Đặc điểm nổi bật của nó là có thể có cả miễn dịch dịch thể (kháng thể và kháng thể trung hòa) và miễn dịch tế bào. Vì virus là ký sinh trùng, không thể tự phát triển hoặc sinh sản mà cần phải sinh sản trong tế bào người, do đó, miễn dịch tế bào có vai trò quan trọng trong phòng chống và kiểm soát virus.
Chúng tôi đã khởi động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I đầu tiên trên thế giới vào ngày 16/3 và công bố dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I trên tạp y khoa The Lancet vào ngày 22/5. Tất cả 108 người được tiêm chủng đều xuất hiện kháng thể. Nhận xét về điều này, Tổng biên tập của The Lancet nói rằng: "Loại vaccine này an toàn, dung nạp tốt, là dữ liệu lâm sàng đầu tiên trên thế giới. Một mũi tiêm duy nhất có thể nhanh chóng kích hoạt khả năng miễn dịch, đây là một cột mốc quan trọng".
Trong quá trình này, chúng tôi đã công bố các phương pháp thử nghiệm và các chỉ số thử nghiệm với thế giới, để các đồng nghiệp nghiên cứu khoa học ở các quốc gia khác tránh được một số đường vòng và tăng tốc độ nghiên cứu vaccine.
Bà Trần Vi, được vinh danh là "Anh hùng nhân dân", nhận huân chương từ Chủ tịch Trung Quốc vì những đóng góp cho cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Xinhua
Vào ngày 20/7, chúng tôi đã công bố dữ liệu lâm sàng giai đoạn II lần đầu tiên trên thế giới. Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và giai đoạn II đã chứng minh tính hiệu quả và an toàn của vaccine. Vào tháng 6, vaccine của chúng tôi đã được tiêm chủng cho các nhóm người [tình nguyện viên] cụ thể.
Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III hiện đang được nâng cao hiệu quả. Do dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát hiệu quả, chúng tôi cần ra nước ngoài để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III và tiến hành đánh giá hiệu quả và an toàn của loại vaccine này trên quy mô lớn hơn.
Tân Hoa Xã: Sau khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III thành công, bao lâu nữa vaccine này sẽ được công bố rộng rãi?
Viện sĩ Trần Vi: Nói chung, việc phát triển một loại vaccine phải trải qua giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng và sau khi kết quả thử nghiệm đáp ứng được các yêu cầu liên quan thì mới bắt đầu chuẩn bị cho sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, vaccine ngừa Covid-19 tái tổ hợp của chúng tôi đã được chuẩn bị để sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn kể từ đợt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I. Hiện nay, mục tiêu sản xuất 300 triệu liều/năm là có thể thực hiện được và chúng tôi đang nỗ lực để mở rộng năng lực sản xuất. Sau khi kết quả thử nghiệm giai đoạn III được công bố, năng lực sản xuất của chúng ta cũng sẽ theo kịp và sẽ sẵn sàng kỹ thuật tiêm chủng cho người dân trên diện rộng bất cứ lúc nào, phấn đấu phát triển liền mạch, không đứt đoạn.
Tân Hoa Xã: Bà nghĩ những nhóm người nào thích hợp để được ưu tiên tiêm phòng?
Viện sĩ Trần Vi: Trước hết, những người tiếp xúc trực tiếp hoặc có khả năng tiếp xúc gần với SARS-CoV-2, chẳng hạn như những người liên quan chặt chẽ đến phòng chống dịch, đặc biệt là nhân viên y tế tuyến đầu, các nhà nghiên cứu liên quan đến virus và nhân viên hải quan tuyến đầu. Ngoài ra, những người mắc bệnh nền cũng là trọng tâm của chúng tôi. Hay những người sẵn sàng tình nguyện tiêm phòng.
Về nhóm tiêm chủng và thời gian tiêm chủng, chúng tôi chỉ đưa ra ý kiến và đề xuất, các đơn vị liên quan sẽ đưa ra quyết định chung. Chúng tôi chủ yếu chuẩn bị vaccine chất lượng cao để có thể sử dụng kịp thời khi đất nước cần. Đây là trách nhiệm của chúng tôi.
Tân Hoa Xã: Vaccine tái tổ hợp sẽ cung cấp hiệu quả bảo vệ trong bao lâu sau khi tiêm chủng?
Viện sĩ Trần Vi: Kể từ khi SARS-CoV-2 được phân lập đến nay mới hơn nửa năm, thời hạn hiệu lực của vaccine là bao lâu, trên thế giới cũng chưa có quá nhiều dữ liệu, chắc chắn đều chỉ có dữ liệu trong vòng 1 năm. Vaccine của chúng tôi đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I đầu tiên trên thế giới vào tháng 3 và cho đến nay, chúng tôi chỉ có dữ liệu trong vòng nửa năm. Hiện nay, mũi tiêm trong tháng 3 vẫn có hiệu quả. Khả năng bảo vệ của nó có thể kéo dài bao lâu? Chúng tôi vẫn đang tiến hành các nghiên cứu liên quan. Hiện tại, chúng tôi chỉ có thể suy đoán dựa trên các loại vaccine tương tự trong quá khứ. Ví dụ đối với vaccine Ebola, sau mũi tiêm đầu tiên trong 6 tháng, phản ứng miễn dịch sẽ giảm. Sau 6 tháng lại tiêm mũi thứ hai và sẽ có hiệu quả trong 2 năm. Đây là dữ liệu có thể được sử dụng để tham khảo.
Tân Hoa Xã: Nếu SARS-CoV-2 biến chủng, liệu vaccine có bị mất hiệu quả không?
Viện sĩ Trần Vi: Vaccine của chúng tôi là vaccine được tạo ra dựa trên công nghệ di truyền, tức là chúng tôi tìm ra một đoạn gen hữu ích nhất và chế tạo nó thành vaccine. Phân tích từ dữ liệu hiện tại cho thấy, xác suất biến chủng trong đoạn gen mà chúng tôi đã chọn là rất thấp. Cho đến nay, vaccine tái tổ hợp của chúng tôi có thể bao phủ hoàn toàn loại SARS-CoV-2 bị đột biến.
Ngoài ra, bởi vì đây là vaccine được tạo ra dựa trên công nghệ di truyền nên khi đột biến xảy ra và hiệu quả bảo vệ bị ảnh hưởng, chúng ta có thể sử dụng mẫu vaccine hiện tại làm miễn dịch cơ bản và nhanh chóng tạo ra một loại vaccine mạnh hơn để tăng cường miễn dịch, giống như nâng cấp phần mềm. Đây cũng là lý do tại sao rất nhiều quốc gia trên thế giới đang sản xuất vaccine công nghệ di truyền - đó là công nghệ thế hệ mới và là công nghệ mũi nhọn mà chúng ta cần phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Tân Hoa Xã: Bà cho rằng, nước ta đang đứng ở vị trí nào trên thế giới về tiến trình nghiên cứu phát triển vaccine ngừa Covid-19?
Viện sĩ Trần Vi: Nước ta [Trung Quốc] là nước tiên phong về nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới. Hơn một nửa số mẫu vaccine được WHO công bố đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III do Trung Quốc phát triển. (Trung Quốc có 4 loại vaccine ngừa Covid-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng). Dữ liệu này đã nói rất rõ vấn đề.