Trong sự kiện Wommen’s Summit 2018 ngày 18.10, bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc FPT Retail - là một trong những nữ lãnh đạo xuất hiện trên sân khấu của Forbes Việt Nam.
Giống như những phụ nữ thành đạt khác, bà Điệp điềm tĩnh và tràn đầy năng lượng. Bà Điệp là người có công lớn trong 6 năm lớn mạnh của FPT Retail, từ 17 cửa hàng lúc ban đầu lên thành hệ thống bán lẻ điện thoại lớn thứ 2 Việt Nam. Điều tuyệt vời ở những phụ nữ thành công là họ luôn nhắc đến những "hậu phương" đã hy sinh cho sự thành công đó.
Bà Điệp nói: “Nếu sau lưng một người đàn ông thành công là một người phụ nữ âm thầm hy sinh, thì nói thật là sau lưng một người phụ nữ thành đạt chắc là một nhóm người âm thầm hy sinh, chứ không phải chỉ có một người đâu: con cái, gia đình, kể cả đồng nghiệp”...
"Lẽ ra mình phải chăm sóc con tốt hơn"
Năm 2012, FPT Retail , với thương hiệu FPT Shop chính thức có giấy phép thành lập công ty cổ phần, số lượng cửa hàng ban đầu là 17. Là người đến sau trên thị trường bán lẻ khốc liệt, FPT Shop, đặc biệt là ban lãnh đạo của thương hiệu này và bà Điệp, phải đứng trước "áp lực kinh khủng":
"Mình nhận FPT Retail mới có 6 năm thôi. Trong 6 năm ấy, suốt từ đầu, trước mắt mình là bao nhiêu ngọn núi lớn – Thế Giới Di Động , Viễn Thông A đã đi trước rất rất nhiều năm, trong khi mình mới bắt đầu".
"Nó giống như giai đoạn startup vậy", bà Điệp nhớ lại.
"Như kiểu không thể thất bại được. Phải tồn tại được để giữ công ăn việc làm cho bao nhiêu ngàn con người như thế", nữ tướng FPT Retail nói.
Trước những thử thách đó, là người dẫn dắt công ty, bà Điệp thừa nhận suốt 6 năm qua bà đặt nặng công việc hơn gia đình. Rằng mình "không hoàn hảo" trong thiên chức của một người phụ nữ.
"Từ xưa đến nay, về mặt nguyên tắc, người phụ nữ kiểu gì cũng phải chu toàn gia đình trước: Giáo dục con cái, chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ, chu toàn việc nhà", bà nói, "Làm lãnh đạo và rất tốn thời gian bên ngoài, cho công việc thì dĩ nhiên là không thể chu toàn hết mọi thứ hoàn hảo được".
Bà Nguyễn Bạch Điệp kể lại, có khi ở trường của con có sự kiện, con nhận được giải thưởng mà bà không thể tới để động viên con vì lúc đó đang trong một chuyến công tác.
"Mặc dù con không cảm nhận được chuyện đấy nhưng tự mình cảm thấy có lỗi"
"Lẽ ra mình sẽ phải làm tốt hơn, chăm sóc con tốt hơn", bà tâm sự. Nữ tướng FPT Retail gọi đó là một sự hy sinh của con mình dành cho mình.
"Mặc dù con không cảm nhận được chuyện đấy nhưng tự mình cảm thấy có lỗi", bà nói.
Có vẻ như vì sự hy sinh đó, bà Điệp cố gắng tận dụng bất cứ thời gian rảnh trong ngày để dành cho gia đình và con cái.
Hằng ngày, mỗi sáng vị lãnh đạo của 6.000 nhân viên tại FPT Retail vẫn dậy chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình. "Rồi khi đi làm, mình luôn luôn tận dụng thời gian trên xe để nói chuyện với con", bà kể.
Làm việc đến 7 giờ tối. Bà Điệp cho hay thường xuyên "về nhà, ăn cơm xong, bắt đầu xem bài tập của con".
"Nhiều khi tụi nó đi ngủ thì mình lại check mail kiểm tra công việc, sau đó mới đi ngủ", bà Điệp chia sẻ.
- Nếu có thêm 1 giờ trong ngày thì bà sẽ dành 1 giờ đó để làm gì?
- Chắc chắn là dành cho con rồi! - bà Nguyễn Bạch Điệp trả lời ngay lập tức.
"Cứ đụng vô việc là cứ như… lên đồng"
Với con thì ân cần quan tâm, nhưng với cộng sự và cấp dưới tại công ty, bà Điệp tự nhận mình có "tính nết khó chịu". "Cứ đụng vô việc là cứ như… lên đồng", bà nói. Trên Forbes Việt Nam, bà cũng từng tiết lộ trên Forbes Việt Nam mình là người nóng tính và quyết liệt trong công việc.
"Những người đã đi theo mình, họ phải chấp nhận tính nết khó chịu của mình. Và họ phải thực hiện được những yêu cầu rất khắt khe của mình", bà cho hay.
Nhưng đó không phải là điều duy nhất các đồng nghiệp của bà phải "chấp nhận" khi dưới trướng của nữ tướng này.
Bà nhắc đến một sự hy sinh khác: "Đồng nghiệp chia sẻ những hướng đi và mục tiêu với mình. Và khi đó, người ta lại bỏ thời gian ra, hy sinh gia đình của họ cho hướng đi đó".
Ảnh: Forbes Việt Nam
Chính vì vậy, bà Điệp cho hay dưới vai trò của một người lãnh đạo, cần "đảm bảo quyền lợi của những người đấy. Tức là mình phải phải dẫn dắt công ty làm sao để những người làm theo mình, họ nhận được cái gì đó đáng kể".
Nói được làm được, theo bà Điệp, cũng là cách để một người lãnh đạo - dù nam hay nữ - có thể thu phục được lòng tin của cấp dưới.
Một bên là gia đình, một bên là công việc, người ta luôn hỏi những nữ lãnh đạo thành công về "sự cân bằng". Bên nào quan trọng hơn? Bà Điệp cho rằng "điều đó tùy thuộc vào quan điểm và thời điểm". Và theo bà, với những lựa chọn của mình thì phải "tập trung làm tốt" và "đừng than vãn".
Bà dẫn lời của một chính khách nước ngoài: "Ông ấy bảo rằng chúng ta là người chọn vị trí của mình: Tôi chọn làm Thủ tướng, vì vậy mỗi sáng tôi bước ra khỏi nhà, tôi bắt buộc phải tươi cười, rồi động viên nhân viên, dù cho mới tối hôm qua cả nhà tôi cãi nhau ầm ĩ cả. Tôi đã ở vị trí này rồi thì tôi buộc phải làm công chuyện đó".
"Khi mình đã chọn, tức là khi công ty đã chọn bạn và bạn đã đồng ý ngồi vào vị trí này, bạn phải làm hết sức ở vị trí đó. Bạn không thích thì phải đứng lên. Và nếu bạn đã chọn thì đừng than vãn. Tập trung làm tốt việc của mình, chỉ có như vậy thì mới phát triển được thôi", bà nói.