Nữ tiểu thương điều hành đường dây chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài

Đào Minh Khoa |

Với thủ đoạn tạo dựng hồ sơ mua bán khống, Đinh Thị Ngọc (tiểu thương thu đổi đồng ngoại tệ tại khu vực biên giới Lạng Sơn) và Nghiêm Tiến Khôi đã giúp sức cho nhiều cá nhân, đơn vị chuyển bất hợp pháp ngoại tệ ra nước ngoài.

Cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Quảng Ninh vừa khởi tố Đinh Thị Ngọc (tiểu thương thu đổi đồng ngoại tệ tại khu vực biên giới Lạng Sơn) và Nghiêm Tiến Khôi (trú tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) về hành vi “vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Qua vụ án này, là lời cảnh báo thủ đoạn chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài có dấu hiệu “rửa tiền”.

Quá trình kinh doanh thu đổi ngoại tệ tại khu vực biên giới Lạng Sơn, Đinh Thị Ngọc được nhiều người thuê mua và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài. Ngoại tệ chuyển đi chủ yếu là đồng USD.

Nơi chuyển đến là các nước và vùng lãnh thổ như Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Singapore, Đài Loan, Hồng Kong, Nhật Bản, Mỹ, Canada, Brunei…

Tuy nhiên, các khách hàng thuê Ngọc đều không có các hồ sơ thương mại hoặc các điều kiện cần thiết khác để làm căn cứ chứng minh với ngân hàng khi mua ngoại tệ theo qui định của pháp luật.

Lợi dụng qui định khách hàng phải tự chịu trách nhiệm về hồ sơ, các ngân hàng thương mại không bắt buộc phải kiểm tra tính hợp pháp của các hồ sơ thương mại khi khách hàng xuất trình mua và chuyển ngoại tệ thanh toán ra nước ngoài; Ngọc đã móc nối với Nghiêm Tiến Khôi, là người đang điều hành Công ty Minh Kỳ Việt Trung và Công ty Hoàng Anh Victory để mua các bộ hồ sơ thương mại với nội dung hồ sơ là các công ty ở Việt Nam nhập khẩu hàng hóa của nước ngoài, từ đó, Ngọc sử dụng các bộ hồ sơ này để mua và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho khách hàng.

Thực tế, việc mua bán hàng hóa là không có thật, vì vậy, để có được những hồ sơ giả, Khôi đã mua các con dấu giả của các công ty bán hàng tại Trung Quốc để lập các hợp đồng khống.

Khôi còn làm giả các tờ khai hải quan, làm giả dấu công chức hải quan và giả các chữ ký của công chức này trên tờ khai hải quan…

Để có được một bộ hồ sơ thương mại hoàn chỉnh, có giá trị thanh toán 100.000 USD, Ngọc phải trả cho Khôi 1 triệu đồng. Sau khi có hồ sơ thương mại giả do Khôi cung cấp, Ngọc lựa chọn các ngân hàng phù hợp ở Hà Nội hoặc Lạng Sơn để làm thủ tục mua ngoại tệ và chuyển thanh toán trả tiền mua hàng cho công ty bán hàng ở nước ngoài.

Tuy nhiên, do hồ sơ khống do Khôi cung cấp, đơn vị bán hàng đều ở Trung Quốc, trong khi khách hàng thuê Ngọc lại có nhu cầu chuyển tiền sang nhiều nước khác; vì vậy, Ngọc đã sử dụng các tờ “khống chỉ” (tờ giấy trắng đã có chữ ký và đóng dấu khống sẵn của các công ty bên mua và bên bán) để tạo lập các phụ lục hợp đồng, lệnh chuyển tiền tới các địa chỉ nhận tiền theo yêu cầu của khách hàng.

Việc làm này có sự giúp sức của một số nhân viên ngân hàng mà Ngọc có quan hệ quen biết.

Như vậy, với thủ đoạn tạo dựng hồ sơ mua bán khống, Đinh Thị Ngọc và Nghiêm Tiến Khôi đã giúp sức cho nhiều cá nhân, đơn vị chuyển bất hợp pháp ngoại tệ ra nước ngoài. Hành vi của Đinh Thị Ngọc và Nghiêm Tiến Khôi vừa làm thất thoát nguồn ngoại tệ của quốc gia, vừa tạo điều kiện cho tội phạm “rửa tiền” hoặc chuyển tiền ra nước ngoài cho các hoạt động bất hợp pháp khác…

Vụ việc nêu trên chỉ là một trong nhiều thủ đoạn có dấu hiệu “rửa tiền” của tội phạm xuyên quốc gia.

Với sự phát triển đa dạng của các hình thức thanh toán, tội phạm công nghệ cao có thể sử dụng một số hình thức thanh toán mới, núp bóng để thanh toán cho các hoạt động phi pháp nhằm trốn thuế, đánh bạc, rửa tiền, lừa đảo… thông qua internet.

Chính vì vậy, vừa qua, Chính phủ đã có chỉ đạo nhiều bộ ngành vào cuộc rà soát và đưa ra giải pháp cụ thể đối với các hoạt động thanh toán trên internet liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại