Trai xinh gái đẹp làm tiếp viên hàng không , phi công, nhân viên kỹ thuật sân bay - nói chung những gì liên quan đến ngành nghề đặc biệt này bao giờ cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội. Công việc của họ ra sao, thu nhập hấp dẫn như thế nào, có hay không các mặt trái... là điều khiến dân tình chưa bao giờ thôi tò mò.
Mới đây, một gương mặt người đẹp hàng không đã lọt vào tầm chú ý của cư dân mạng. Đó chính là Trần Phương Ly - Tiếp viên trưởng của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines, căn cứ tại Đà Nẵng. Nhan sắc rạng rỡ cùng những hình ảnh sang chảnh Phương Ly khoe trên trang cá nhân thu hút không ít sự chú ý.
Nữ tiếp viên trưởng tên Trần Phương Ly gây ấn tượng trên mạng xã hội với nhan sắc mặn mà
Hình ảnh đời thường của cô nhìn còn mê hơn
Tốt nghiệp đại học ở Úc, quyết tâm thi tuyển tiếp viên hàng không vì... quá mê
Con đường dẫn Phương Ly đến với công việc tiếp viên hàng không kể ra cũng dài. Từ nhỏ, cô đã luôn mơ ước trở thành một nữ tiếp viên giỏi xinh, được kéo vali đi tung tăng khắp thế giới nhưng không biết phải làm sao để hiện thực hoá ước mơ đó. Đến khi lớn lên, Phương Ly đi du học ở Sydney.
Những chuyến về thăm nhà bay cùng Vietnam Airlines, nhìn các anh chị mặc bộ đồng phục màu đỏ huyết dụ (PV: đồng phục cũ của VNA) khiến đam mê trong Phương Ly thao thức trở lại.
"Vậy là mình bắt đầu dành thời gian lên mạng tìm hiểu về những điều kiện cần và đủ để trở thành tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines, tự trau dồi, bổ sung những kiến thức cần thiết cho bản thân. Khi tốt nghiệp đại học ở Úc xong, mình quyết định về nước để theo đuổi công việc mà mình mơ ước, bay cho hãng hàng không mà mình trót yêu", Phương Ly chia sẻ.
Rẽ ngang nhưng đến nay, Phương Ly đã bay cùng VNA được hơn 6 năm rồi. Tháng 12 năm ngoái, cô vừa được phê chuẩn chức danh Tiếp viên trưởng. Cô cho biết đây là điều hạnh phúc mà chính bản thân cũng chưa dám tưởng tượng trước đó.
Phương Ly mới lên chức Tiếp viên trưởng tháng 12/2019
Được biết, để lên được vị trí Tiếp Viên Trưởng bậc 1 của Vietnam Airlines, bạn sẽ phải đáp ứng được một loạt các yêu cầu khắt khe như: tốt nghiệp Đại Học, điểm Toeic từ 600 trở lên, bay ở vị trí tiếp viên hạng thương gia hơn 1500 giờ, vượt qua được kì thi nâng bậc...
Chưa dừng lại ở đó, qua vòng phỏng vấn và kì thi, tiếp viên còn phải tiếp tục huấn luyện ở Trung tâm huấn luyện bay (FTC), bay thực tập 4 chuyến (quốc nội, quốc tế ngắn, đường trung, đường dài) dưới sự kèm cặp của các tiếp viên trưởng kì cựu. Sau cùng là chuyến bay final check dưới sự đánh giá của đánh giá viên. Đạt hết những điều trên thì mới chính thức được phê duyệt làm Tiếp viên trưởng.
Về phần thu nhập mà mọi người đều thắc mắc, Phương Ly không ngần ngại tiết lộ trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, mức lương của Tiếp viên trưởng dao động từ 400k đến tầm hơn 500k mỗi giờ bay tuỳ theo cấp bậc.
Mỗi tháng bay không quá 100 giờ. Hiện tại do tình hình dịch bệnh gây tổn thất cho Vietnam Airlines nói riêng và ngành hàng không toàn thế giới nói chung, toàn thể tiếp viên và CBCNV tự nguyện nhận mức lương thấp hơn và luân phiên nghỉ không lương, đồng lòng cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
"Người ta nói tiếp viên hàng không không chỉ là một nghề, tiếp viên hàng không còn là một phong cách sống chắc chẳng sai. Chúng mình may mắn được du lịch nhiều nơi, được trải nghiệm và học hỏi nhiều điều mới lạ. Nếu ai đó nói Ly giàu, Ly xin phép được đồng ý, Ly cảm thấy mình giàu nhiệt huyết và đam mê với nghề, giàu tri thức và những trải nghiệm mà nghề đem lại cho mình", Tiếp viên trưởng trẻ tuổi tâm sự.
Làm tiếp viên cần nhiều hơn thứ gọi là ngoại hình
Ngoài việc phục vụ hành khách chu đáo, thoải mái thì theo Phương Ly, công việc thực sự của tiếp viên hàng không cũng như phi hành đoàn là đảm bảo và chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề về an ninh, an toàn trên mỗi chuyến bay.
"Chúng mình phải trải qua các kì huấn luyện rất căng với khối lượng kiến thức cực lớn hoàn toàn bằng tiếng Anh, và mỗi năm đều phải quay lại FTC để ôn tập, nâng cấp và kiểm tra kiến thức.
Nhìn nhẹ nhàng, thướt tha trong tà áo dài như vậy thôi nhưng chúng mình biết cách xử lý khi bị đe doạ bom lúc đang bay, khống chế hành khách gây rối, chữa cháy trên trời, ứng phó trong tình huống có không tặc, hỗ trợ khách thoát hiểm khẩn cấp dưới nước và trên đất liền, các kĩ năng sinh tồn sau thoát hiểm...", cô nói.
Clip Phương Ly chia sẻ về công việc của tiếp viên hàng không
Tất nhiên, khó khăn thì có khó khăn nhưng áp lực thì theo Phương Ly là gần như không tồn tại: "Nghề này thú vị ở chỗ lúc đi làm hầu như không bị áp lực, không bị stress và chẳng bao giờ phải đem việc về nhà, cứ đáp xuống đất là coi như xong việc. Nên không biết có phải vì vậy mà dường như các tiếp viên hàng không đều trông trẻ hơn với số tuổi thật hay không nhỉ?!".
Mà nói đến tuổi thật, cũng tiết lộ thêm một chút là Phương Ly sinh năm 1989, tức là năm nay 31 tuổi - so ra thì không quá trẻ trung so với những đàn em mới đôi mươi nhưng chưa bao giờ cô cảm thấy lo lắng gì hết. Bởi lẽ tuổi hưu của nghề tiếp viên cũng giống các nghề khác, theo quy định là nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi. Nói chung theo Phương Ly, nghề tiếp viên là một nghề ổn định, và hoàn toàn có thể gắn bó lâu dài.
Áp lực hay sự cạnh tranh là điều không tồn tại, đó là lý do mà những tiếp viên hàng không như Ly luôn trẻ hơn tuổi
"Không thể nói công việc này mang tính cạnh tranh cao vì bản chất của công việc tiếp viên hàng không là luôn làm việc theo nhóm. Tất cả đều chung một mục đích duy nhất là đưa hành khách đi đến nơi, về đến chốn, an toàn và thoải mái.
Trong lúc thi tuyển đầu vào sẽ có các vòng thi theo nhóm và ban giám khảo sẽ lựa chọn những thí sinh làm việc theo nhóm hiệu quả nhất, chứ không phải là thí sinh đẹp nhất, giỏi nhất hay có tính cạnh tranh nhất là vì vậy.
Mình chưa bao giờ cảm thấy bị áp lực bởi những gương mặt trẻ trung hơn hay xinh đẹp hơn, vì đối với mình, được là một bông hoa ở trong khu vườn đầy những bông hoa xinh đẹp, vừa có sắc, vừa có hương là điều đáng để vui và hãnh diện lắm rồi", Phương Ly cho hay.
Ảnh: NVCC