Mới đây, Nhà xuất bản Elsevier đã công bố danh sách "100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng" năm 2023, hay Top 2% các nhà khoa học toàn cầu, trong tất cả các lĩnh vực. Đây là bảng xếp hạng do nhóm khoa học của GS John P.A. Ioannidis cùng các cộng sự thuộc Đại học Stanford (Mỹ) lựa chọn, dựa trên cơ sở dữ liệu Scopus và được Nhà xuất bản Elsevier công bố.
Trong bảng xếp hạng 100.000 người có tầm ảnh hưởng dựa trên trích dẫn khoa học nhiều nhất năm 2023, tiếp tục có sự xuất hiện của nữ tiến sĩ người Việt - Tiến sĩ Lê Thái Hà. Tính cả năm 2023, Tiến sĩ Lê Thái Hà (sinh năm 1988) đã có 3 năm liên tiếp 2021, 2022, 2023, xuất hiện trong danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất này. Danh sách lần đầu được công bố trên tạp chí PLoS Biology vào tháng 8/2019.
TS Lê Thái Hà.
Theo danh sách năm nay, Tiến sĩ Lê Thái Hà xếp hạng thứ 40.019, tăng hơn 9.600 bậc so với bảng xếp hạng năm 2022. Năm 2022, nữ tiến sĩ xuất hiện ở vị trí 49.666, là nhà khoa học nữ người Việt duy nhất có mặt trong danh sách. Năm 2021, Tiến sĩ Lê Thái Hà xếp hạng thứ 74.063, và cũng là nhà nghiên cứu nữ người Việt duy nhất góp mặt trong danh sách năm này.
Tiến sĩ Lê Thái Hà hiện đang là Giám đốc điều hành của Quỹ VinFuture và trong Ban điều hành Quỹ Vì tương lai xanh. Trước khi gia nhập Quỹ VinFuture vào tháng 4/2022, Tiến sĩ Thái Hà đã có gần 3 năm đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nghiên cứu và Giảng viên Cao cấp tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam và 7 năm làm Giảng viên Cao cấp tại Đại học RMIT Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Thái Hà đã công bố khoảng 80 nghiên cứu, bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín như Energy Economics, Energy Policy, Energy Journal, International Review of Financial Analysis… Đây đều là những tạp chí hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế năng lượng, môi trường và kinh tế ứng dụng.
Các bài báo nghiên cứu khoa học của chị đều thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó có khoảng 85% thuộc nhóm Scopus Q1 hoặc ABDC (Australian Business Deans Council), với chất lượng nghiên cứu xếp hạng A/A*.
Tiến sĩ Lê Thái Hà cũng là đồng chủ biên của bốn xuất bản sách độc lập, và tham gia hơn 10 công trình sách với tư cách là (đồng) tác giả của các chương do các nhà xuất bản uy tín trong giới nghiên cứu học thuật ấn hành như Elsevier Science, Routledge (London – Anh), Springer, Asian Development Bank Institute (ADBI-Japan) và World Scientific Publishing.
Nữ tiến sĩ cũng chính là người sáng lập và Tổng Biên tập của Tạp chí khoa học Fulbright Review of Economics and Policy. Chị cũng đảm nhiệm vai trò biên tập cho một số tạp chí học thuật quốc tế uy tín khác như Journal of Economic Asymmetries (Elsevier), Journal of Economic Development (được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu Quốc gia của Hàn Quốc), Singapore Economic Review (một trong những tạp chí kinh tế lâu đời và uy tín nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) và “Springer New Monograph Series, New Frontiers in Regional Science: Asian Perspectives” (Springer Nature).
Trong những năm gần đây, Tiến sĩ Lê Thái Hà công bố nhiều nghiên cứu chính sách được sử dụng để đăng trên Báo cáo toàn diện thường niên Triển vọng Phát triển Châu Á (Asian Development Outlook – ADO) của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (CSIS – Mỹ).
Tiến sĩ Thái Hà đã tư vấn cho Ngân hàng Thế giới (World Bank), UNDP, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA). Nữ tiến sĩ đã nhận được được nhiều nguồn tài trợ nghiên cứu uy tín như Tài trợ Thương mại và Phát triển Thái Bình Dương (PAFTAD) dành cho Học giả Trẻ năm 2013, Giải thưởng Tài trợ Liên bang về Ngoại giao Nhân dân của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2018 và Tài trợ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) vào năm 2019 và 2021 với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu.
Tiến sĩ Thái Hà còn là nhà phê bình độc lập cho chương trình Khoa học Xã hội và Nhân văn Vici thuộc Chương trình Tài năng NWO, Hội đồng Nghiên cứu Hà Lan (NWO).
Theo bảng xếp hạng của Dự án nghiên cứu kinh tế Repec công bố tháng 9/2019, TS Hà đứng thứ 4 về công bố khoa học trong nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam tính từ trước đến nay và đứng thứ hai trong vòng 10 năm trở lại đây. Theo bảng xếp hạng của dự án Nghiên cứu kinh tế RePEC công bố tháng 6/2021, Tiến sĩ Thái Hà đứng thứ 3 về công bố khoa học trong nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam tính từ trước đến nay.
Chị cũng là thành viên trẻ nhất (và là nữ duy nhất) của ủy ban khoa học kinh tế nhiệm kỳ 2022-2024 của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) (trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Để có thể sở hữu một “bảng vàng” với loạt thành tựu về nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Lê Thái Hà từng trải qua một quá trình học tập đầy ngoạn mục với nhiều thành tích ấn tượng.
Năm 2006, khi Thái Hà 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chị đi du học Singapore với học bổng của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU). Chị hoàn thành chương trình đại học, tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore trong 3 năm rưỡi, lọt top 5% sinh viên xuất sắc của trường.
Khi chưa tròn 22 tuổi, không lâu sau khi tốt nghiệp cử nhân, Thái Hà trở thành nghiên cứu sinh Tiến sĩ với học bổng toàn phần từ Đại học Công nghệ Nanyang. Chỉ trong hơn 2 năm, chị hoàn thành chương trình Tiến sĩ của Đại học Công nghệ Nanyang với kết quả điểm học các bộ môn coursework cao nhất khóa (4.92/5.0). Khi đó, chị Thái Hà mới 24 tuổi. Nữ tiến sĩ hoàn thành xong việc học cử nhân và tiến sĩ ở Singapore chỉ trong gần 5,5 năm.
Thông thường, thời gian làm PhD là khoảng từ 4 – 5 năm, ở Anh thường nhanh hơn, kéo dài trong 3 năm. Riêng học bổng nghiên cứu sinh do trường Đại học Công nghệ Nanyang cấp quy định kéo dài trong 4 năm. Thời gian hoàn thành chương trình tiến sĩ cùng kết quả điểm cao nhất khóa của Tiến sĩ Lê Thái Hà chỉ trong hơn 2 năm khi ấy được xem như chưa từng có tiền lệ tại NTU.
Kể từ ngày học Đại học cho đến hiện tại, suốt bao nhiêu năm qua, Tiến sĩ Lê Thái Hà vẫn luôn say mê nghiên cứu, đều đặn công bố các bài báo nghiên cứu khoa học. Nữ tiến sĩ từng chia sẻ, bản thân làm nghiên cứu khoa học vì cảm thấy thích và không muốn lãng phí những kiến thức mình đã dành tâm trí theo đuổi. Theo nữ tiến sĩ, kiến thức sẽ dễ dàng trôi đi nếu như mình không trau dồi liên tục.
Tiến sĩ Lê Thái Hà cho biết, mỗi khi có thêm một bài báo nghiên cứu khoa học của mình được đăng, chị đều cảm thấy rất vui, hạnh phúc và dù có thêm bao nhiêu bài thì niềm vui này vẫn như những ngày đầu. “Tiền bạc có thể sinh ra hay mất đi, nhưng bài báo khoa học thì sẽ luôn còn mãi”, là câu chị thường chia sẻ vui với những người đồng nghiệp của mình.
Tổng hợp