Nữ tiến sĩ bệnh viện Mắt gác chân lên ghế nhận lỗi

T.Hạnh |

Bác sĩ M. thừa nhận tư thế ngồi co chân lên ghế đối thoại với người nhà bệnh nhân là sai, không đẹp mắt và sẽ rút kinh nghiệm.

Sau khi video gác chân lên ghế đối thoại với người nhà được phát tán và Bộ Y tế yêu cầu BV Mắt TƯ lập hội đồng xem xét hình thức xử lý, nữ TS.BS Nguyễn Thị M. chia sẻ, bà cảm thấy bị tổn thương khi dư luận vội vã đánh giá chuyên môn, thái độ cho rằng khám qua loa cho bệnh nhân.

Khi xem lại clip, BS M. cho biết bản thân cũng thấy tư thế ngồi co chân lên ghế không đẹp mắt. Bà lý giải, do làm việc căng thẳng, mệt mỏi nên đã không tự chủ được hành vi tay chân, còn bình thường bà cũng không ngồi như thế.

“Tôi thấy tư thế ngồi của mình là sai. Tôi nhận lỗi, rút kinh nghiệm vì tư thế ngồi không đúng nhưng về biểu hiện, thái độ với người bệnh và chuyên môn của mình, tôi không sai”, BS M. giãi bày.

BS M. kể lại, vào sáng 21/7, sau khi khám cho bệnh nhi Đỗ Ngọc V.A. (8 tuổi, Quảng Ninh), bà đã kê đơn thuốc, giải thích với mẹ và dặn 5 ngày sau tái khám.

Sau khi bệnh nhân tiếp theo vào khám, có 2 người đàn ông xông vào phòng khám, đòi bà khám lại cho bệnh nhân trên, vì họ nghe phản ánh từ vợ rằng bác sĩ chỉ “vạch mắt, soi soi” rồi kết luận cận nặng.

Y tá đã yêu cầu 2 người này ra ngoài đợi BS M. khám xong cho bệnh nhân đang khám dở nhưng họ không đồng ý.

“Tôi đành mời bệnh nhân đang khám sang ghế bên cạnh để giải quyết sự việc. Tôi cũng đã giải thích rõ là khám cho bệnh nhân đầy đủ.

Mỗi máy móc dành cho một loại bệnh và với chẩn đoán cận thị của con họ, tôi đã khám đủ bằng các máy móc phù hợp. Nếu chưa hài lòng, chưa tin tưởng bác sĩ, tôi sẽ giới thiệu hội chẩn ở cấp cao hơn” - lời BS M.

BS M. khẳng định, với kiến thức, kinh nghiệm khám cận thị trẻ em suốt 30 năm, việc khám cho bệnh nhi V.A hoàn toàn đầy đủ, đúng quy trình với máy móc cần thiết. Bà sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm với chẩn đoán của mình.

BS M. cho biết, trước khi vào bàn BS khám, cháu bé đã được 2 điều dưỡng đo trên 3 loại máy gồm: Đo khúc xạ máy; thử thị lực không kính bằng máy; chỉnh kính trên máy.

Sau đó, BS khám lại trên 2 loại máy, xem bệnh nhân có lác không, soi bóng đồng tử, khám đáy mắt.

“Dựa trên những kết quả này, tôi đưa ra chẩn đoán mang tính sơ bộ: Trẻ bị cận thị 6-7 đi ốp và chưa thể cấp đơn kính ngay do trẻ chưa từng đeo kính, thị lực chỉnh kính chưa lên tối đa.

Bệnh nhân cần sử dụng thuốc liệt điều tiết mắt trong 5 ngày, sau đó mới khám lại để đưa ra chẩn đoán chính xác”, BS M. giải thích.

Khi người nhà đòi khám lại, BS M. cho biết, đã ký giấy để hội chẩn ở cấp cao hơn, với sự tham gia của TS.BS Lê Thúy Quỳnh. Kết quả giống như chẩn đoán ban đầu của BS M.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại