Nữ Thủ tướng Anh từ chức và thỏa thuận hợp đồng "ly hôn" châu Âu bất thành

Minh Hạnh |

Ngày 24-5-2019, bà Theresa May đã có bài phát biểu tuyên bố từ chức bên ngoài Văn phòng Thủ tướng: “Tôi sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ và Liên hiệp vào thứ sáu ngày 7-6 để chọn ra người kế nhiệm”.

Thỏa thuận với Liên minh Châu Âu

Hồi tháng 6-2016, Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý với kết quả 52% người bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi EU. Theo đúng kế hoạch, Anh dự kiến sẽ rời liên minh vào ngày 29-32019. Trong thời gian đó, Thủ tướng Anh Theresa May là người đứng ra đảm nhiệm vai trò quan trọng: tìm kiếm một lối thoát có lợi cho Anh sau khi rời khỏi EU.

Sau suốt 20 tháng, mãi tới tháng 11-2018, EU và Thủ tướng Anh cuối cùng mới có được tiếng nói chung để đưa ra các điều khoản cho Brexit, bao gồm các vấn đề tài chính, quyền công dân và Bắc Ireland. Theo tờ Guardian, những thoả thuận giữa Anh và Liên minh châu Âu EU xoay quanh 3 vấn đề chính là: quyền lợi của công dân Anh; bản hợp đồng “ly hôn” trị giá 39 tỷ bảng Anh và vấn đề biên giới Ireland sau Brexit.

Quyền công dân: Thỏa thuận sẽ bảo vệ quyền của hơn 3 triệu công dân EU ở Anh và hơn 1 triệu công dân Anh tại các quốc gia EU khác. Thủ tướng Theresa May đã tìm cách giới hạn phạm vi của thỏa thuận với những người đến Vương quốc Anh trước ngày 29-3-2019, nhưng bà đã thất bại. 

Tính đến khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit, có thể kéo dài đến cuối năm 2022 nếu được gia hạn, tất cả những người đến sống ở Anh đều sẽ được hưởng đầy đủ các quyền mà công dân EU có ngày hôm nay để sinh sống, làm việc và học tập tại Anh.

Về “hóa đơn chia tay”: Vương quốc Anh dự kiến phải trả cho EU 45 tỷ euro. Hàng triệu công dân Anh và công dân EU đang sinh sống và làm việc trên lãnh thổ của nhau sẽ tiếp tục được giữ nguyên quyền lợi như hiện tại. 

Họ tiếp tục được hưởng trợ cấp và đoàn tụ gia đình. Tòa tư pháp châu Âu vẫn có thẩm quyền trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến công dân EU sinh sống tại Anh. Tiếp đến, Vương quốc Anh sẽ quá độ 21 tháng trong EU, từ ngày 1-4-2019 đến 31-12-2020. Thời hạn quá độ này có thể được gia hạn thêm, nhưng chỉ được 1 lần.

Điểm quan trọng nhất của dự thảo là vấn đề biên giới Bắc Ireland. Theo đó, để đảm bảo không tái lập lại biên giới cứng giữa vùng đất Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với nước Cộng hòa Ireland thuộc EU, hai bên đã đưa ra giải pháp là duy trì cả Vương quốc Anh chứ không chỉ riêng Bắc Ireland trong liên minh thuế quan châu Âu trong một thời gian quá độ. 

Thời gian quá độ cụ thể chưa được nêu ra, nhưng trên lý thuyết là sẽ kéo dài cho đến khi nào Anh và EU hoàn tất được một thoả thuận về quan hệ kinh tế tương lai giữa 2 bên thời hậu Brexit. Tuy nhiên, trong thời gian quá độ này, Bắc Ireland ngoài việc phải tuân thủ các quy định của khối thị trường đơn nhất châu Âu thì sẽ phải chịu sự quản lý chặt chẽ hơn về các quy định của EU so với phần còn lại của Vương quốc Anh.

Để đạt được dự thảo thỏa thuận này, trong đó trọng tâm là việc toàn bộ Vương quốc Anh tiếp tục ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu, Chính phủ Anh đã phải đưa ra nhân nhượng lớn. Chính phủ Anh sẽ phải tiếp tục tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu trong các lĩnh vực xã hội, thuế, môi trường và trợ cấp Nhà nước. 

Ngoài ra, Tòa tư pháp châu Âu vẫn có thẩm quyền xét xử các vụ việc có liên quan đến quyền lợi của công dân châu Âu sinh sống tại Anh. Đổi lại những điều này, sau năm 2020, Vương quốc Anh vẫn sẽ nằm trong liên minh thuế quan châu Âu, tức hàng hóa từ Anh sang châu Âu và ngược lại sẽ không phải chịu hàng rào thuế quan, cho đến khi nào Anh và EU ký được một Hiệp định Tự do thương mại mới hoặc vấn đề biên giới Bắc Ireland được giải quyết dứt điểm.

Nữ Thủ tướng Anh từ chức và thỏa thuận hợp đồng ly hôn châu Âu bất thành - Ảnh 1.

Hạ viện Anh liên tiếp bác bỏ thỏa thuận của bà May

3 lần bị Quốc hội bác bỏ thỏa thuận

Đạt được thỏa thuận chung với Liên minh Châu Âu những tưởng được xem là một bước tiến quan trọng của bà May trong việc đưa Anh rời khỏi EU, song Brexit tiếp tục gặp bế tắc khi 3 lần liền, những dự thảo của bà bị Quốc hội Anh bác bỏ.

Theo AP, ngày 15-1-2019, Quốc hội Anh lần đầu bỏ phiếu thông qua những thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May với EU về Brexit. Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu đã khiến tương lai Brexit trở nên mịt mù. Với 432 phiếu chống và 202 phiếu thuận, những nỗ lực trong suốt 20 tháng đàm phán với EU của bà May đã bị bác bỏ. 

Đây được xem là thất bại lớn nhất tại Quốc hội của một chính phủ trong lịch sử chính trị Anh hiện đại. Các lãnh đạo EU sau đó đã cảnh báo nguy cơ cao về một “Brexit không thỏa thuận”, kịch bản có thể phá vỡ thương mại, làm trì trệ nền kinh tế Anh và tàn phá thị trường tài chính. Ireland, thành viên EU duy nhất có biên giới trên bộ với Anh, cho biết họ sẽ tăng cường chuẩn bị để đối phó với “Brexit hỗn loạn”. Dù vậy, thất bại này đã không đủ để “hạ gục” bà May. Bà tiếp tục tìm kiếm những thỏa thuận mới với EU và đưa ra Hạ viện.

Phát biểu tại Hạ viện, Thủ tướng May nhấn mạnh, bà đã chú ý đến các lo ngại của các nghị sĩ về điều khoản “rào chắn”, theo đó đảm bảo rằng sẽ không có việc kiểm tra hải quan dọc biên giới giữa Cộng hòa Ireland với Bắc Ireland sau khi Anh rời EU. Bà cũng tuyên bố sẽ tiếp tục thảo luận với các đồng nghiệp trong tuần này về vấn đề biên giới sao cho thỏa thuận nhận được sự ủng hộ lớn nhất của Hạ viện. 

Sau đó, cuộc bỏ phiếu thỏa thuận Brexit tại Hạ viện Anh lần thứ 2 bắt đầu vào lúc 19h ngày 12-3 (giờ London) và kết quả được công bố ngay sau 15 phút. Cụ thể, với 391 phiếu chống so với 242 phiếu thuận, bà May một lần nữa thất bại khi Hạ viện tiếp tục bác bỏ những nỗ lực vừa qua.

Tờ New York Times cho hay, lý do chính Hạ viện Anh bác bỏ lần 2 thỏa thuận của bà May là so với cuộc bỏ phiếu vào tháng 1-2019, bản thoả thuận Brexit được đưa ra bỏ phiếu lần này hầu như không có thay đổi đáng kể nào. 

Nói chính xác là không có thay đổi nào. Điểm khác biệt duy nhất là một sự cam kết rõ ràng hơn từ phía EU, theo đó các quan chức EU đồng ý đưa ra một bản phụ lục diễn giải rõ hơn điều khoản backstop, với đảm bảo từ phía EU rằng điều khoản backstop không có thời hạn thực thi vĩnh viễn. EU không bẫy nước Anh ở lại vĩnh viễn trong liên minh thuế quan châu Âu, ngoài ra EU và Anh sẽ nỗ lực tìm giải pháp thay thế điều khoản backstop trong giai đoạn quá độ, dự kiến từ ngày 29-3-2019 đến 31-12-2020.

Sau thất bại này, Anh đã phải lùi thời hạn Brexit từ 29-3 tới 12-4 để tìm kiếm giải pháp mới cho những thỏa thuận chung với EU. Trong suốt thời gian đó, bà May đã nỗ lực đàm phán và thuyết phục Quốc hội Anh với những điều khoản đã đạt được với EU. Song, một lần nữa, Hạ viện Anh “thẳng thừng” từ chối nữ Thủ tướng. Ngày 29-3, cuộc bỏ phiếu thứ 3 được tổ chức, kết quả không có gì thay đổi so với 2 lần trước.

Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, thủ lĩnh Công đảng đối lập Anh Jeremy Corbyn nhắc lại lời kêu gọi tiến hành tổng tuyển cử. Ông Corbyn cho rằng, bà May cần từ chức “ngay lúc này” chứ không phải là vào một thời điểm chưa xác định trong tương lai. 

Trong khi đó, bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh, người biểu tình ủng hộ Brexit càng tập trung đông đúc hơn.

Ủy ban châu Âu cũng lập tức ra tuyên bố, trong đó cảnh báo lúc này Brexit không thỏa thuận là “kịch bản có thể xảy ra” và cho biết kết quả này sẽ xấu hơn rất nhiều so với kịch bản Anh rời EU cùng với thỏa thuận Brexit.

Reuters cho hay, những nỗ lực cuối cùng của nữ Thủ tướng Anh đã diễn ra vào ngày 21-5, khi một lần nữa bà kêu gọi sự ủng hộ của các nghị sĩ đối với thỏa thuận “ly hôn” giữa Anh và EU. Theo bà May, đây là “cơ hội cuối cùng” nhằm hiện thực hóa mong muốn của người dân Anh.

Không giống với 3 lần bỏ phiếu trước đó, cuộc bỏ phiếu mà Thủ tướng Theresa May kêu gọi vào đầu tháng 6 tới là nhằm thông qua dự luật về Brexit, trong đó ấn định các thể thức pháp lý của cuộc chia tay này, chứ không phải là về thỏa thuận. 

Thủ tướng Theresa May cho rằng, trong trường hợp các nghị sĩ thông qua dự luật, bà có thể thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit, cũng như việc tạm thời giữ nước Anh ở lại liên minh hải quan với EU. 

Ngoài ra, lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh cũng cam kết đảm bảo quyền lợi của người lao động và các tiêu chuẩn về môi trường theo yêu cầu của Công đảng đối lập. Bất chấp những nỗ lực trên, bà May đã không đạt được sự tín nhiệm và phải tuyên bố từ chức sau hàng loạt thất bại của mình.

Reuters cho hay, những nỗ lực cuối cùng của nữ Thủ tướng Anh đã diễn ra vào ngày 21-5, khi một lần nữa bà kêu gọi sự ủng hộ của các nghị sĩ đối với thỏa thuận “ly hôn” giữa Anh và EU. Theo bà May, đây là “cơ hội cuối cùng” nhằm hiện thực hóa mong muốn của người dân Anh.

Link gốc bài viết tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại