Nữ thạc sĩ ngân hàng mất 4,4 tỷ đồng vì chiêu thức “lấy lòng” không ngờ, kẻ lừa đảo đắc ý để lại lời nhắn “bằng cấp càng cao càng dễ bị lừa”

Kim Linh |

Đang làm việc tại ngân hàng với tương lai hứa hẹn, nữ thạc sĩ bỗng chốc lâm vào cảnh nợ nần chồng chất chỉ vì mất cảnh giác.

Nữ thạc sĩ ngân hàng mất 4,4 tỷ đồng vì chiêu thức “lấy lòng” không ngờ, kẻ lừa đảo đắc ý để lại lời nhắn “bằng cấp càng cao càng dễ bị lừa” - Ảnh 1.

Thạc sĩ mất tiền vì hẹn hò online

Sau khi tốt nghiệp ĐH top đầu với bằng thạc sĩ kinh tế, cô gái Vũ Nhi (28 tuổi, Trung Quốc) làm việc ở một ngân hàng tại thành phố Thượng Hải với nhiều hy vọng về tương lai. Thế nhưng chỉ trong vòng vài năm, cô rơi vào vòng xoáy nợ nần, bị gọi đòi nợ mỗi ngày, phải làm nhiều công việc tay chân khác nhau để trả nợ. Chuyện gì đã xảy ra với cô gái này?

Tháng 5/2023, Vũ Nhi đăng một bài viết bày tỏ quan điểm về việc chọn bạn đời trên mạng xã hội. Ngay sau đó có một người đàn ông Trần Trạch Dân để lại lời nhắn khen ngợi cô gái 28 tuổi, nói rằng mong muốn làm bạn với cô.

Ban đầu nữ thạc sĩ rất cảnh giác nên người kia gửi cho cô CMND, bằng cấp cho thấy Trần Trạch Dân sinh năm 1990, tốt nghiệp Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải và hiện đang làm việc cho một công ty công nghệ lớn.

Nữ thạc sĩ ngân hàng mất 4,4 tỷ đồng vì chiêu thức “lấy lòng” không ngờ, kẻ lừa đảo đắc ý để lại lời nhắn “bằng cấp càng cao càng dễ bị lừa” - Ảnh 2.

Giấy tờ có thông tin cá nhân mà Trần Trạch Dân gửi cho Vũ Nhi

Với một cô gái có ít bạn bè như Vũ Nhi, những lời lẽ ngọt ngào, ân cần mỗi ngày của Trần Trạch Dân khiến cô rất hài lòng về mối quan hệ lãng mạn này, dù chưa từng gặp mặt hay chat video với “bạn trai”. Người tự xưng là Trần Trạch Dân luôn nói bận để từ chối gặp mặt, hứa hẹn khi đi công tác về sẽ gặp Vũ Nhi.

Tháng 7/2023, Trần Trạch Dân nói muốn giúp Vũ Nhi kiếm thêm tiền nên đã giới thiệu cho cô một app đầu tư. Dưới sự tha thiết của “bạn trai”, Vũ Nhi dù không muốn vẫn gửi thử số tiền nhỏ vào nền tảng này và kết quả kiếm được tiền ngay lập tức. Lần thứ hai cô cũng rút được cả gốc lẫn lãi nên bắt đầu tin tưởng app này.

Đến lần thứ 3, “bạn trai” khuyên cô nên nạp 970.000 NDT (3,2 tỷ đồng), khi có lãi sẽ cùng nhau đi du lịch, thậm chí mua nhà ở Thượng Hải. Vậy nên nữ thạc sĩ này vay tiền từ ngân hàng và bạn bè để đầu tư. 1 ngày sau, Vũ Nhi tưởng có thể rút tiền dễ dàng nhưng lần này nền tảng yêu cầu cô “đóng thuế”, “đóng thuế” xong lại cần thanh toán thêm tiền để “xác minh danh tính”.

Nữ thạc sĩ ngân hàng mất 4,4 tỷ đồng vì chiêu thức “lấy lòng” không ngờ, kẻ lừa đảo đắc ý để lại lời nhắn “bằng cấp càng cao càng dễ bị lừa” - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Vũ Nhi có chút hốt hoảng nhưng Trần Trạch Dân thuyết phục cô bằng cách gửi lịch sử rút tiền của mình. Vũ Nhi phải nghiến răng vay thêm từ bạn bè để nộp thêm với hy vọng rút lại được tiền đã đầu tư. Thế nhưng đến cuối tháng 7, khi Vũ Nhi đã đầu tư tổng cộng 1,3 triệu NDT (4,3 tỷ đồng) vào nền tảng này, tiền vẫn bị đóng băng.

Người bạn trai ảo trước khi mất hút còn để lại lời nhắn khiến cô gái 28 tuổi vô cùng đau lòng: “Người càng có học thức cao càng dễ bị lừa”. Tuyệt vọng, cô gái đi báo án để nhờ sự giúp đỡ từ phía cảnh sát.

Thủ đoạn "lấy lòng" tinh vi

Khi tìm kiếm thông tin về các trường hợp bị lừa giống mình trên MXH, nữ thạc sĩ biết được một nạn nhân khác tên Tiểu Đan cũng “chung bạn trai” Trần Trạch Dân với mình, cùng mất tiền với kịch bản tương tự. Vậy tại sao kẻ lừa đảo lại nói rằng phụ nữ có bằng cấp cao dễ bị lừa?

Đó là bởi những người này khi bị lừa thường có tự trọng cao, họ xấu hổ không muốn cho người khác biết việc mình bị lừa vì sợ những lời phán xét, trách móc từ xung quanh. Nạn nhân dù có học thức cao thì khi rơi vào bẫy tình ái, tin tưởng đối phương là chỗ dựa tinh thần thì cũng khó tỉnh táo để nhận ra mình bị lừa.

Như trường hợp của Vũ Nhi, sau khi mất số tiền khổng lồ, cô ít liên lạc với bố mẹ, Tết cũng không về nhà. Cô không dám cho người thân biết, không nhận thêm sự giúp đỡ vì khó tin tưởng ai, luôn trong trạng thái căng thẳng vì tổn thương cả về tinh thần và tài chính.

Nữ thạc sĩ ngân hàng mất 4,4 tỷ đồng vì chiêu thức “lấy lòng” không ngờ, kẻ lừa đảo đắc ý để lại lời nhắn “bằng cấp càng cao càng dễ bị lừa” - Ảnh 4.

Nữ thạc sĩ Vũ Nhi rơi vào cảnh nợ nần, bị chủ nợ gọi mỗi ngày khiến cô bị trầm cảm

Phía cảnh sát cảnh báo những kẻ lừa đảo thường đóng vai người đàn ông ưu tú, trưởng thành và ân cần, tìm cách xây dựng mối quan hệ lãng mạn với nạn nhân qua các phần mềm trò chuyện. Sau đó khi đã cảm thấy cô gái tin tưởng mình, đối tượng sẽ khuyến khích “bạn gái” tham gia các hoạt động tài chính trên nền tảng phi pháp.

Đến khi nạn nhân đầu tư hết số tiền tiết kiệm và vay mượn vào nền tảng, “người tình hoàn hảo” từng “thề non hẹn biển” sẽ biến mất, khiến nạn nhân rơi vào vực thẳm nợ nần.

Với những vụ lừa đảo tình - tiền, cảnh sát cũng rất khó giải quyết vì phía nạn nhân là người chủ động nạp tiền vào các nền tảng. Vậy nên mỗi người cần nâng cao cảnh giác vì không ai đối xử tốt với bạn khi chưa từng gặp mặt. Đồng thời hãy kiểm soát lòng tham bởi không có khoản đầu tư nào lại không có rủi ro. Nếu có người giới thiệu cho bạn đầu tư lợi nhuận cao nhưng không rủi ro thì chắc chắn đó là lừa đảo.

Theo Toutiao


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại