Nữ sinh Việt bật mí bí quyết trúng tuyển trường đại học top đầu thế giới

Ứng Hà Chi |

Ánh Tuyết đã có những chia sẻ hữu ích về ngôi trường là niềm mơ ước của nhiều học sinh Việt Nam nói riêng và học sinh trên thế giới nói chung.

Hầu hết các trường đại học tại Mỹ đều áp dụng chính sách "need aware", tức nhà trường sẽ xem xét số tiền mà gia đình ứng viên có thể chi trả cho việc học tập tại trường. Tài chính có thể là một trong những rào cản lớn trong quá trình tuyển sinh đối với những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Dù có hồ sơ vượt trội, tỉ lệ trúng tuyển của thí sinh với điều kiện tài chính yếu vẫn thấp hơn nhiều so với thí sinh có điều kiện tài chính ổn định.

Vì vậy, đối với những bạn có hoàn cảnh khó khăn, nhiều trường sẽ có chính sách "need-blind" và "meet need". Nhóm trường này là những trường không xem xét đến mức đóng góp tài chính của gia đình trong quá trình tuyển sinh. Khi bạn trúng tuyển, trường sẽ cấp cho bạn các mức hỗ trợ tài chính hào phóng nhằm đảm bảo bạn có thể nhập học tại trường.

Bên cạnh số ít những trường có chính sách "need-blind" như Massachusetts Institute of Technology (MIT), Harvard University, Princeton University, Yale University,... không thể không kể đến Minerva University - ngôi trường danh giá có tỉ lệ trúng tuyển thấp nhất thế giới.

Từ kinh nghiệm của bản thân, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, 20 tuổi, sinh viên Đại học Minerva có những chia sẻ hữu ích về quá trình "apply" học bổng tại ngôi trường này. Đây là trường Đại học có chính sách tuyển sinh "need-blind" mà ít bạn biết đến.

ĐẠI HỌC MINERVA CÓ ĐIỀU GÌ THÚ VỊ?

Đại học Minerva (Minerva University) là một trường đại học phi lợi nhuận có nhiều điểm đặc biệt.

Trong 4 năm học, sinh viên sẽ sinh sống và học tập tại 7 quốc gia:

- Năm nhất: San Francisco (Mỹ), Taipei (Đài Loan).

- Năm hai: Seoul (Hàn Quốc), Hyderabad (Ấn Độ).

- Năm ba: Berlin (Đức), Buenos Aires (Argentina).

- Năm cuối: London (Anh), San Francisco (Mỹ).

Đây là ngôi trường có tỉ lệ trúng tuyển thấp nhất thế giới: Tỉ lệ đỗ dao động từ 1-2%. Trường cũng không yêu cầu sinh viên viết bài luận, lấy chứng chỉ SAT và IELTS. Quá trình tuyển sinh đầu vào tại Minerva có 3 vòng cùng 6 thử thách, kiểm tra toàn diện từ IQ đến EQ. Cộng đồng du học sinh tại Minerva đa dạng bậc nhất, chưa kể đến các khóa khác, duy chỉ trong khóa của Tuyết, sinh viên đã tới từ 80 quốc gia.

Cùng với Đại học Harvard, Đại học Yale, Đại học MIT, Đại học Princeton,... Đại học Minerva là một trong số ít trường tuyển sinh "need-blind". Chương trình hỗ trợ tài chính "meet-need" và hoàn toàn dựa vào năng lực học sinh.

Nữ sinh Việt bật mí bí quyết trúng tuyển trường đại học top đầu thế giới - Ảnh 1.

Ánh Tuyết và các bạn.

Quá trình đến với Minerva của Ánh Tuyết hơi đặc biệt. Minerva là trường cho nữ sinh này kết quả trúng tuyển cùng học bổng trong thời gian ngắn nhất. Toàn bộ quá trình từ làm đơn đến ngày nhập học chỉ trong vòng 20 ngày. Ngày 10 Tuyết bắt đầu làm đơn, ngày 15 đóng đơn, ngày 23 nhận kết quả sớm, ngày 30 xác nhận nhập học.

Khi thấy Tuyết nộp hồ sơ hỗ trợ tài chính muộn, trường đã gửi email 3 lần để xác minh. Và cô bạn đã nộp lại vào khoảng 10 giờ đêm, gần 2 tiếng sau trường cho kết quả. Tất cả đều diễn ra nhanh một cách khó tin.

"Tất nhiên thông thường, trung bình thời gian nhận kết quả không nhanh như thế. Minerva là một trong ít những trường ghi rõ luôn ngày bạn được nhận kết quả. Thế nên bạn hãy lên website để thấy đúng ngày được nhận kết quả theo kỳ nộp đơn của mình ", Tuyết nói thêm.

KINH NGHIỆM XƯƠNG MÁU KHI "APPLY" ĐẠI HỌC MINERVA

1. Làm phần thi thử được cho sẵn để quen với dạng đề

Như đã kể trên, Minerva có 6 thử thách, tức 6 bài kiểm tra nhỏ. Một vài thử thách có dạng quen thuộc, một vài kiểu sẽ hơi lạ cho những bạn chưa từng tiếp xúc. Vậy nên các bạn hãy chú ý làm đề thi thử cho quen dạng để có cảm giác an tâm hơn. Đề thi sẽ gồm các phần sau:

- Understanding (Đọc hiểu): Phần này kiểm tra kĩ năng đọc hiểu.

- Maths (Toán): Hãy chú ý đến thời gian. Thời gian ngắn, câu hỏi nhiều.

- Creativity (Sáng tạo): Bạn sẽ được cho một một đồ vật và được yêu cầu nghĩ xem bạn sẽ dùng nó cho những việc gì. Bạn chỉ có một ít thời gian để viết ra những thứ sáng tạo ấy. Các bạn cần nêu đủ chi tiết về 1 công dụng để người chấm có thể tưởng tượng để cho điểm.

- Reasoning (Suy luận): Dạng bài này gần giống với một phần trong bài thi IQ. Bạn có thể lên Google xem các câu hỏi cho quen mắt.

- Writing (Viết): Thời gian chỉ có 20 phút cho 1 bài viết nên chắc chắn cần sự nhanh não, nhanh mắt và nhanh tay.

- Expression (Diễn đạt): Bạn sẽ được cho 5 câu hỏi, mỗi câu hỏi có thời gian chuẩn bị là 1 phút và trả lời trong 2 phút. Đây đóng vai trò như một vòng phỏng vấn. Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng như phỏng vấn học bổng. Tận dụng 1 phút chuẩn bị để lên ý tưởng, ghi ra 1 vài từ để khi đang nói hăng say mà bỗng dưng quên khựng lại như mình thì còn có cái gợi nhớ.

Một điều nữa mà bạn cần chú ý là việc chia thời gian ra làm bài thi. Ngoài ra, bạn không cần thực hiện các thử thách theo thứ tự có sẵn. Thế nên bạn có thể làm những phần bạn cảm thấy tự tin trước.

Nữ sinh Việt bật mí bí quyết trúng tuyển trường đại học top đầu thế giới - Ảnh 2.

Một trong những lý do nữ sinh chọn Đại học Minerva bởi trường hỗ trợ tài chính rất nhiều cho sinh viên.

2. Chuẩn bị từ sớm, giấy tờ sẵn sàng

Tuyết làm hồ sơ của Minerva trong vòng 5 ngày. Nhưng trước đó, những kỹ năng và thành tích của cô bạn đều đã sẵn sàng. Theo Tuyết, du học là một quá trình chuẩn bị lâu dài, chuẩn bị sớm để có hồ sơ mạnh là điều không bao giờ thừa, bởi bạn sẽ chẳng biết hết những ai có hồ sơ "khủng" đang nộp vào trường đó với bạn.

Chuẩn bị sớm còn là về việc thu thập giấy tờ. Nhất là trong đợt dịch COVID-19, việc thu thập giấy tờ và công chứng càng khó hơn, đòi hỏi chuẩn bị sớm, vì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra để cản trở.

Đặc biệt, Minerva yêu cầu rất kĩ các bằng chứng về những thành tích mà bạn đạt được. Với những bạn nộp các trường Mỹ khác qua Common App, thường thì các trường không yêu cầu bạn nộp các bằng chứng cho cả thành tích học thuật và hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, Minerva lại khác. Ở mỗi thành tích sẽ luôn có những phần như: Thông tin người làm chứng/người giới thiệu, link, file,... để bạn chứng minh bạn đã đạt được thành tích đó. Minerva sẽ xem hết tất cả tài liệu mà bạn nộp và có thể gọi điện cho các bên để kiểm chứng.

Bên cạnh đó, trong phần hỗ trợ tài chính, Minerva cũng cực kỳ chi tiết và cần nhiều giấy tờ, nhất là khi gia đình Việt Nam không có giấy tờ thuế như ở Mỹ. Tóm lại, bằng chứng cho các thành tích cùng giấy tờ tài chính làm rất lâu, bạn nên chuẩn bị sớm.

Nữ sinh Việt bật mí bí quyết trúng tuyển trường đại học top đầu thế giới - Ảnh 3.

3. Phần quan trọng không kém 6 thử thách:

Ngoài 6 thử thách thì Minerva có chỗ cho bạn điền 6 thành tích. Nếu như Common App cho bạn điền 5 thành tích học thuật và 10 hoạt động ngoại khóa cùng phần miêu tả chỉ 150 ký tự, Minerva lại chỉ cho cho phép điền tổng cộng 6 thành tích và hoạt động. Tuy vậy, phần miêu tả cho các thành tích lại hào phóng về số lượng chữ hơn. Hãy chọn 6 thành tích mà bạn cảm thấy tự hào nhất để đưa vào. Một vài câu hỏi có thể giúp ích cho phần miêu tả chi tiết:

- Thành tích đó là gì?

- Thành tích của bạn đã giúp những ai?

- Bạn đã học được gì?

- Độ lớn của tổ chức/dự án/hoạt động?

- Độ cạnh tranh của thành tích?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại