Nữ sinh viên giấu gia đình, ngày đêm đi chăm sóc cho hàng chục trẻ sơ sinh có bố mẹ mắc Covid-19

Huy Hậu |

Nhận thông tin tuyển tình nguyện chăm sóc trẻ sơ sinh có bố mẹ là F0, nữ sinh viên Lê Thị Kim Tiền (22 tuổi) đã không ngần ngại đăng ký ngay. Mãi đến 2 ngày sau, mẹ gọi điện, thấy con đang cho trẻ bú sữa, cả gia đình mới biết tin.

Giấu bố mẹ để được đi làm bảo mẫu

"A… Dậy rồi à! Cục vàng của mẹ dậy rồi à! Đói bụng chưa? Bú sữa nghen con…", giọng nói nhẹ nhàng vừa cất lên, Kim Tiền một tay đã bồng đứa trẻ vào lòng, tay còn lại thoăn thoắt chăm bình sữa cho một đứa khác vẫn nằm trong nôi. Mọi thứ cô làm thành thục tới mức chẳng ai ngờ "người mẹ" ấy chỉ vừa 22, đang là sinh viên trường ĐH KHXH & NV TP.HCM.

Kim Tiền kể lại: Buổi tối khi đọc tin tức có hàng trăm đứa trẻ vừa chào đời đã chịu cảnh chia ly vì bố mẹ mắc Covid-19, cô không cầm được nước mắt. Chẳng cần nghĩ ngợi nhiều, Tiền lập tức gọi điện cho nơi làm thêm xin nghỉ và đăng ký thành tình nguyện viên chăm sóc trẻ sơ sinh.

"Bình thường chỉ cần đứt tay, ho một tiếng là bố mẹ đã lo lắng rất nhiều. Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, cả gia đình còn không cho mình ra khỏi phòng trọ. Thế nhưng khi thấy hình ảnh tụi nhỏ, biết cực nhọc đấy, có nguy cơ lây nhiễm cao đấy, nhưng trái tim thôi thúc mình phải nhận công việc này".

Nữ sinh viên giấu gia đình, ngày đêm đi chăm sóc cho hàng chục trẻ sơ sinh có bố mẹ mắc Covid-19 - Ảnh 2.

Kim Tiền đã giấu gia đình để xin đi làm bảo mẫu, chăm sóc cho những trẻ sơ sinh có bố mẹ mắc Covid-19.

Để gia đình không phiền lòng, ban đầu Tiền quyết định giấu nhẹm chuyện đi làm bảo mẫu. Đến ngày thứ 2, mẹ cô gọi điện video-call, nhìn thấy con gái mặc áo blouse cho trẻ sơ sinh bú sữa, bà mới vỡ oà.

"Ban đầu mẹ còn vui vẻ kể chuyện xem TV thấy nhiều bạn trẻ đăng ký đi chống dịch Covid-19, đến khi biết tin mình cũng tham gia bà xúc động lắm! Thay vì cấm, cả gia đình nhiệt liệt ủng hộ vì đây quả thực là công việc vô cùng ý nghĩa" - Tiền kể thêm.

Nữ sinh viên giấu gia đình, ngày đêm đi chăm sóc cho hàng chục trẻ sơ sinh có bố mẹ mắc Covid-19 - Ảnh 3.

Hầu hết các bảo mẫu đều là sinh viên, nhân viên văn phòng, giáo viên... tuổi từ 18.

Trịnh Ngọc Tuyết Nhung (20 tuổi, sinh viên trường CĐ Tôn Đức Thắng) thì đã cùng mẹ làm việc tại Trung tâm H.O.P.E được 10 ngày. Vừa hoàn thành kíp trực buổi tối, nhưng nghe thấy tiếng trẻ con khóc nhiều, Nhung vẫn bỏ giấc ngủ trưa để chạy đi giúp mọi người.

Mẹ Nhung trước đây là nhân viên một trường mầm non tại Q.3. Khi nhận thông báo kêu gọi "bảo mẫu" chăm sóc trẻ sơ sinh có bố mẹ là F0 tại thành phố, bà không ngần ngại đăng ký cho cả 2.

"Khi đó, mẹ và em đã ở nhà suốt 4 tháng, ngột ngạt và mệt mỏi lắm. Bố động viên nên đi, mình ông ở nhà tự lo cơm nước được thì hôm sau 2 mẹ con dọn đồ sang đây ở hẵng để chăm sóc các bé" - Nhung cười.

Nữ sinh viên giấu gia đình, ngày đêm đi chăm sóc cho hàng chục trẻ sơ sinh có bố mẹ mắc Covid-19 - Ảnh 4.

Nhung thì tham gia tại trung tâm H.O.P.E cùng mẹ.

Các bảo mẫu phải túc trực chăm sóc cả ngày lẫn đêm cho 45 đứa trẻ.

Xuất thân là sinh viên, giáo viên, nhân viên văn phòng,… đều chưa lập gia đình và không có kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh, nên ban đầu các bảo mẫu "bất đắc dĩ" này gặp không ít khó khăn. Kim Tiền và Tuyết Nhung đành phải dành 2 ngày, quan sát các mẹ và điều dưỡng để học cách cách bồng, cho trẻ ăn, cấp cứu khi trẻ sặc sữa….

"Trẻ em vừa sinh ra đã rất yếu ớt, đây lại không có sữa mẹ nên càng mỏng manh hơn. Ban đầu chỉ có 21 bảo mẫu túc chia 2 ca sáng tối, nên có lúc mỗi người phải phải chăm sóc cho gần 10 bé. Tay bế cháu này, chân đẩy nôi bé khác, cho bú đứa kia… nhiều ngày đầu hầu hết tất cả đều không có thời gian ăn ngủ. Vì chỉ cần một bé quấy khóc thôi là cả phòng như một giàn đồng ca" - Kim Tiền kể.

Nữ sinh viên giấu gia đình, ngày đêm đi chăm sóc cho hàng chục trẻ sơ sinh có bố mẹ mắc Covid-19 - Ảnh 6.

"Ban đầu chỉ có 21 bảo mẫu túc chia 2 ca sáng tối, nên có lúc mỗi người phải phải chăm sóc cho gần 10 bé".

"Hạnh phúc nhất là 1 đứa trẻ được đón về"

Theo đó, từ 25-8, trường mầm non Hoạ Mi 2 (số 11 Lý Thường Kiệt, Q.5, TP.HCM) được trưng dụng thành nơi chăm sóc trẻ sơ sinh có bố mẹ mắc Covid-19 . Trung tâm được Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đặt tên là H.O.P.E.

TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết (Giám đốc bệnh viện Hùng Vương) cho biết: Từ tháng 4-2021, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 1.000 thai phụ, trong đó có khoảng 500 đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ mắc Covid-19. Do điều kiện giãn cách xã hội, bố mẹ buộc phải cách ly nên nhiều trẻ đủ điều kiện xuất viện nhưng chưa có người thân đến đón.

"Trước tình trạng quá tải, được sự chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng, sự nhiệt tình chung tay của UBND Q.5, Trường mầm non Họa Mi 2 và Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM, trung tâm H.O.P.E đã ra đời để nhận chăm sóc các bé có bố mẹ là F0", bà Tuyết phát biểu.

Nữ sinh viên giấu gia đình, ngày đêm đi chăm sóc cho hàng chục trẻ sơ sinh có bố mẹ mắc Covid-19 - Ảnh 8.

Hiện tại BV đã tham gia chăm sóc cho hơn 130 đứa trẻ bình thương nhưng gia đình chưa có đủ điều kiện đón về.

Chị Nguyễn Thị Hồng Quế (Hiệu trường trường Hoạ Mi 2) chia sẻ: "Khi nhận chỉ thị thành lập trung tâm, toàn bộ giáo viên của trường đã nhanh chóng tập hợp, bố trí lại phòng ốc. Bảo mẫu không có, mọi người phải vận động giáo viên ở các trường TP.HCM và tình nguyện viên. Lúc đó để đảm bảo bố trí đủ 100 chiếc nôi, các giáo viên cùng BV Hùng Vương còn kêu gọi từng mạnh thường quân. Đến nay mọi thứ đã đầy đủ, bảo mẫu trên 40 người thay phiên nhau".

Từ ngày chăm sóc trẻ sơ sinh, chứng kiến đứa trẻ thay đổi và lớn lên từng ngày, Kim Tiền càng yêu công việc này hơn. "Giờ như có một sợi dây liên kết. Ở đây, mình đều biết sở thích như đứa nào rất mê bồng, đứa nào bú chậm, đứa nào chỉ muốn nằm nôi… Không biết ngày trở về, nhưng nếu ở lại chăm sóc các bé mình vẫn chấp nhận tiếp tục xin nghỉ việc".

Nữ sinh viên giấu gia đình, ngày đêm đi chăm sóc cho hàng chục trẻ sơ sinh có bố mẹ mắc Covid-19 - Ảnh 9.

Các bảo mẫu xúc động nghẹn ngào khi các em bé được trở về với gia đình.

Nữ sinh viên giấu gia đình, ngày đêm đi chăm sóc cho hàng chục trẻ sơ sinh có bố mẹ mắc Covid-19 - Ảnh 10.

Đối với họ, đó là cuộc chia ly hạnh phúc nhất.

11h15, con trai thai phụ Đỗ Thị Quyên (18 tuổi) được gia đình đón về nhà. Chia tay đứa trẻ tự tay nuôi nấng, bảo mẫu Nguyễn Thị Thu Hằng (26 tuổi) không cầm được nước mắt. Đối với họ, đó là cuộc chia ly hạnh phúc nhất. Vì nhiều trường hợp trung tâm gọi điện cho gia đình nhưng chỉ nghe: "Bây giờ không đón được". Lần khác liên lạc thì đã bị chặn số khiến các bảo mẫu vô cùng đau lòng.

"Từ khi bắt đầu mình biết chắc rồi sẽ đến lúc chia tay các con. Buồn có chứ, nhưng vui cho tụi nó hơn. Chỉ mong sau này các con xem được bài báo này, thấy mình ra đời kỳ diệu như thế nào. Biết đâu có cơ hội mẹ và các con lại gặp nhau" - bảo mẫu Thu Hằng khóc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại