Việc kỷ luật nữ sinh T (học sinh lớp 8A5) được hội đồng kỷ luật trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ thống nhất và có hiệu lực từ ngày 1/11.
Bà Lê Thị Tuyết Nhung, hiệu trưởng nhà trường thông tin em T đã vi phạm nội quy nhà trường nhiều lần. Trong thời gian bị tạm dừng việc học ở trường, các thầy cô giáo sẽ trực tiếp đến nhà để hỗ trợ T hoàn thành bài học và động viên, chia sẻ để em có định hướng tốt hơn. Còn em M (nữ sinh có xô xát với T) sẽ phải làm bản kiểm điểm và bị hạ một mức đánh giá rèn luyện trong học kỳ 1.
Trước đó vào ngày 31/10, T viết trên trang cá nhân, cho biết vào ngày 27/10, em và M (bạn cùng lớp) xảy ra tranh cãi tại trường. M làm những hành động rất khó nhìn và có chủ ý bạo lực vào phần lưng của T.
Ngoài ra, T còn trình bày vào ngày 30/10, gia đình của M đến nhà mình và mẹ của M có hành động hăm doạ và tác động lên mặt của em. Trong lúc đó, gia đình của T chỉ có ông bà lớn tuổi ở nhà.
“Đến ngày 31/10, em và bạn M cùng giáo viên có giải quyết vụ việc. Theo em thấy, cô giải quyết khá thô sơ, không công bằng. Vì vụ việc đó, em đã bị nhà trường đuổi học 7 ngày còn bạn M thì không bị nhận bất cứ hình phạt gì từ nhà trường. Đoạn ghi âm và camera trích xuất tại nhà em cũng đã có. Em mong nhà trường có thêm đoạn camera manh mối thì hãy tiến hành điều tra vụ việc này. Em mong được đứng trước trường để phát biểu lời xin lỗi và sau đó, em xin phép sẽ không bao giờ cắp sách đến trường nữa”, nữ sinh T viết.
Theo hiệu trưởng nhà trường, sự việc không như những gì T viết trên mạng xã hội. Từ đầu năm tới nay, nữ sinh này nhiều lần vi phạm nội quy, như: Hút thuốc lá điện tử, mâu thuẫn, xích mích với bạn bè... Ở lứa tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi, lại bị bạn bè bên ngoài tác động nên mỗi lần xích mích với ai, T lại hăm dọa, viết lên mạng những lời khó chịu.
Tháng 9/2023, khi vừa khai giảng năm học mới, T đã gây gổ với các bạn trong lớp. Ngày 20/9, T đánh một học sinh lớp 7 chỉ vì em này khi đi học thêm đã chụp hình với một người bạn mà T biết. Hơn 1 tháng sau, đến ngày 27/10 thì xảy ra vụ việc như T đã viết trên Facebook.
Bà Nhung cho biết thêm, vì hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, ông bà đã lớn tuổi nên không theo sát được chuyện học hành và các mối quan hệ ngoài xã hội của nữ sinh T. Làm việc với nhà trường, ông ngoại của T đề nghị xử lý mạnh tay, kể cả tạm dừng đến trường một số ngày để em có thời gian bình lặng suy nghĩ và nhận ra lỗi lầm của mình.
“Còn vụ việc phụ huynh em M đến nhà em T thì cơ quan công an đã vào cuộc và có hướng giải quyết, việc này nằm ngoài phạm vi xử lý của nhà trường”, bà Nhung cho hay.