Lời an ủi với điệp khúc "không sao, không sao" của người mẹ đã ngăn những dòng nước mắt sắp chực trào từ người con gái, thí sinh của kỳ thi THPT Quốc gia 2019.
Đó là hình ảnh được ghi lại sau khi kết thúc giờ làm bài thi môn Toán vào chiều 25/6 tại điểm thi Trường THPT Hiệp Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM).
Được biết nữ sinh tên T.L.Q. Mẹ Q là bà Lê Thị Vũ, nhà ở đường Quốc lộ 13 (P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức). Trong kỳ thi năm nay, Q đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Luật TP.HCM.
Các thí sinh ở điểm thi Hà Nội sau khi kết thúc môn Toán.
Bà Vũ kể lúc sáng, thấy con thất thểu bước ra khỏi cổng trường, rơm rớm nước mắt nên "tự hiểu".
"Tôi chẳng hỏi là con làm bài được không nhưng con tự kể chỉ làm được khoảng 4 - 5 điểm vì đề môn Văn khó. Tôi có động viên không được buồn, không được để những câu hỏi môn Văn quẩn quanh trong đầu nữa mà tập trung thi các môn sau.
Giờ thì biết môn Toán cũng đã làm khó con. Con chẳng biết làm được chính xác bao nhiêu câu. Có nhiều câu "chọn đại" hên xui vì không kịp thời gian. Tình hình có vẻ không khả quan lắm...", bà Vũ kể rồi quay sang nhìn con gái đang trò chuyện, so kết quả làm bài với bạn bè vừa ra khỏi cổng trường.
Theo bà Vũ, chẳng ai đi thi mà không mong một kết quả cao cả. Nhưng kết quả thi đôi khi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tâm lý, năng lực, và có cả sự may mắn. Thế nên bà không hề trách cứ con gái khi rời cổng trường thi với gương mặt đầy nét âu lo.
"Con đã trải qua những chuỗi ngày ôn luyện mệt mỏi nhiều quá rồi. Đâu cần phải tạo thêm áp lực cho con bằng những câu con làm bài được không, được khoảng mấy điểm. Vì những câu hỏi ấy, với tôi, chẳng phải thể hiện sự quan tâm, mà càng khiến tâm lý con nặng nề hơn.
Lúc sáng, tôi thấy có người quát tháo con của mình là cho học thêm nhiều mà làm không được... Như vậy là không nên. Con đã buồn thi làm bài không được, mà còn nạt nộ càng khiến con bí bách và mệt mỏi hơn, sẽ ảnh hưởng đến việc thi những môn tiếp theo.
Mình là phụ huynh, cần tinh ý, chỉ cần thoáng nhìn nét mặt của con là đủ đoán được tình hình thi của con. Nếu con làm tốt, chẳng phải đợi mình hỏi thì con cũng đã khoe. Còn nếu làm chưa được tốt, mình hỏi chỉ khiến con nặng lòng và ảnh hưởng đến những môn thi tiếp theo. Thay vì thế, cứ động viên, an ủi con", bà Vũ tâm sự.
Bé Q (áo trắng) trao đổi sau khi làm bài thi môn Toán chiều ngày 25/6.
Bà Vũ cũng nói: "Lúc sáng sau khi con làm bài môn Văn không tốt, tôi đã phải làm "công tác tư tưởng" cho con nhiều lắm. Tôi nói nếu đề thi khó, thì khó chung với thí sinh trên cả nước chứ không phải chỉ khó với mỗi mình con. Nói vậy để con đỡ lo lắng. Tôi cũng nói chồng an ủi con chứ tuyệt đối không hỏi "được mấy điểm", "thi thế nào"...
Và nếu trường hợp không may mắn nhất xảy ra, con thi không được tốt, điểm không cao, thì con cũng có thể chọn học trường theo nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, chứ đâu nhất thiết phải học theo nguyện vọng 1. Học ở đâu không quan trọng. Học theo ngành mình thích thì học ở trường nào cũng được, và cố gắng học tốt là được rồi".
Đang kể chuyện, Q lại gần sau cuộc trò chuyện với bạn bè. Gương mặt vốn dĩ buồn càng buồn hơn, vì có lẽ sau khi trao đổi, Q biết mình đã làm sai thêm vài câu. Q nói với mẹ: "Có lẽ không được như lúc nãy. Con thấy sai thêm mẹ à...".
Bà Vũ ôm con rồi vỗ về: "Không sao mà. Toán với Văn cũng chỉ tính điểm giống như các môn còn lại. Chứ chẳng phải là môn được nhân đôi, nhân ba điểm số. Toán, Văn cũng như Lý, Hóa. Làm mấy môn sau, biết đâu tốt hơn, sẽ gỡ gạc nhiều. Thua môn này ta cố gắng môn khác".
"Giờ là "khỏe" rồi nhé. Xong Văn xong Toán rồi. Gạt hết sang một bên cho mẹ. Không nghĩ tới nữa. Thi cũng đã xong 2 môn đó rồi còn gì. Thôi, mẹ chở con về nhà nghỉ ngơi"... Chúng tôi thoáng thấy gương mặt Q tươi tỉnh hơn phần nào sau lời bà Vũ nói, thay vì những căng thẳng lúc nãy.
Nói đoạn, rồi hai mẹ con bà Vũ chở nhau về trong cơn mưa bất chợt của Sài Gòn...