Ảnh minh họa
Theo ghi nhận tại các bệnh viện, khoa chuyên thần kinh, sau khi Hà Nội nới lỏng các biện pháp chống dịch, số người đến khám sức khỏe tâm thần gia tăng hơn bình thường.
BS Trần Thị Sáu - Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) cho biết, bệnh nhân đến khám ở mọi lứa tuổi nhưng nhóm tuổi vị thành niên, thanh niên chiếm tỷ lệ cao nhất. Đa số các em đến khám đều chung một nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh và việc phải ở nhà lâu ngày.
Trong đó, có trường hợp bị rối loạn lo âu, trầm cảm khá nặng, đến mức tự hành hạ cơ thể mình.
“Một nữ sinh năm nay lên lớp 12 ở Hà Nội đến khám vì có hành vi gây tổn thương trên cơ thể. Cụ thể, nữ sinh này dùng dao cắt tay chảy máu, đáng nói là hành vi này lặp đi lặp lại chứ không phải là lần đầu tiên”, BS Sáu cho hay.
Theo lời gia đình bệnh nhân, trước khi bước vào năm học mới, nữ sinh đã có biểu hiện lo âu, buồn chán và dùng vật sắc nhọn tự cắt vào tay. Gia đình cũng đã gọi điện cầu cứu bác sĩ và tình trạng được cải thiện sau đó.
Tuy nhiên, sau thời gian chính thức bước vào năm học mới với hình thức học online, cô bé buồn chán, suy nghĩ tiêu cực, rất dễ nổi khùng... và hành vi tự cắt tay, hành hạ cơ thể mình của nữ sinh lại tiếp tục tái diễn.
“Mỗi khi làm đau bản thân như vậy, em cảm thấy thoải mái hơn”, nữ sinh này cho hay.
Cực chẳng đã, gia đình buộc phải đưa con đến BV Tâm thần ban ngày Mai Hương để khám. Bệnh nhân phải dùng thuốc kết hợp với các biện pháp điều trị tâm lý.
Tình trạng của nữ sinh này chỉ là một trường hợp điển hình của trẻ em chịu hậu quả do áp lực dịch bệnh gây ra.
Theo dữ liệu mới nhất từ UNICEF công bố hôm 5/10 cho thấy, trên toàn cầu cứ 7 em thì có ít nhất 1 em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai.
Một cuộc khảo sát trực tuyến tại Trung Quốc hồi đầu năm 2020 được trích dẫn từ Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới đã chỉ ra rằng khoảng 1/3 số người tham gia cho biết họ cảm thấy sợ hãi và lo âu.
Những rối loạn tâm thần được chẩn đoán bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), lo âu, tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ và tâm thần phân liệt có thể gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe, việc học tập, kết quả cuộc sống và năng lực tạo gia thu nhập sau này của trẻ em và thanh thiếu niên.
Theo BS Trần Thị Sáu, với những trường hợp như nữ sinh trên, các em đang ở lứa tuổi thay đổi tâm sinh lý nên những tác động khách quan bên ngoài ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, suy nghĩ, tâm lý, hành vi.
“Để sớm phát hiện và can thiệp kịp thời, vai trò của người thân là rất quan trọng. Bố mẹ thường xuyên phải quan tâm, giám sát các con để phát hiện những bất thường ở trẻ.
Theo đó, bố mẹ cần theo dõi những thay đổi ở con, ví như trước đây con vui vẻ, hoạt bát, ngoan hiền nhưng bỗng nhiên thấy con có những thay đổi bất thường về hành vi, hay cáu gắt, rối loạn giấc ngủ thì cần đi khám chuyên khoa tâm thần sớm. Với trường hợp trẻ tìm đến những cách như rạch tay, hành hạ cơ thể thì đã ở tình trạng quá nặng, việc điều trị sẽ khó khăn hơn”, BS Sáu cho hay.
Để ngăn chặn những tác động tiêu cực khi trẻ phải học online, BS Sáu khuyến cáo bố mẹ không nên gây áp lực, không giao mục tiêu, đặt kỳ vọng quá lớn với con trẻ mà cần thường xuyên hỏi han, chia sẻ về những khó khăn trong quá trình học trực tuyến của con trong thời gian giãn cách.