Mới đây, tin tức về một vụ lừa đảo với nạn nhân là sinh viên cao học một ngôi trường danh giá ở Trung Quốc đã khiến dư luận xôn xao bàn tán. Được biết, nạn nhân đã nhận được một cuộc điện thoại từ người lạ và vài ngày tiếp theo, nữ sinh đã chuyển tiền sang tài khoản lạ 35 lần, với tổng số tiền lên đến hơn 3,5 triệu nhân dân tệ (hơn 12 tỷ đồng).
Chi tiết của vụ việc đã khiến nhiều cư dân mạng cảm thấy bất ngờ vì thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu không hề quá phức tạp, thậm chí bị nhận xét là "quá trẻ con". Cụ thể, cô gái đã nhận được một cuộc điện thoại tự xưng là cảnh sát của đội cảnh sát hình sự, yêu cầu nữ sinh chuyển tiền vào tài khoản gọi là kho bạc nhà nước. Trong quá trình này, "viên cảnh sát" yêu cầu cô phải hợp tác điều tra, nếu không tuân thủ sẽ bị bắt.
Ngoài ra, bên kia còn cảnh báo nạn nhân không được nói cho ai biết về vụ việc. Không ngờ nữ sinh lại hoàn toàn tin tưởng, sợ hãi mà chuyển tiền liên tục cho bên lừa đảo.
Nữ sinh bị lừa hàng chục tỷ một cách quá dễ dàng (Ảnh minh họa)
Sau đó, cảnh sát đã phải tốn rất nhiều công sức mới giúp được nữ sinh viên đại học thu hồi được 2,73 triệu (khoảng 9,4 tỷ đồng). Vụ truy tìm nhóm lừa đảo kéo dài 6 tháng và trải rộng khắp 9 tỉnh.
Có 2 chi tiết khiến dư luận ngạc nhiên về vụ việc. Thứ nhất, một nữ sinh viên mới tốt nghiệp, đang đi học cao học lại có nhiều tiền đến vậy trong tài khoản. Tuy nhiên, nhiều người lập luận rằng lý do có khả năng chỉ đơn giản vì gia đình cô rất giàu có. Thứ hai, thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại của nhóm tội phạm quả thật rất đơn giản, đã được đưa tin cảnh báo nhan nhản trên các phương tiện truyền thông nhưng cô gái vẫn mắc bẫy. Điều gây bất ngờ là cô vốn tốt nghiệp trường top đầu Trung Quốc và đang học lên cao học.
Thực chất, mặc dù người ta thường tin rằng sinh viên từ các trường danh tiếng phải có cả chỉ số IQ và EQ cao, nhưng thực tế chưa chắc như vậy. Nếu không ra ngoài tiếp xúc xã hội nhiều, không có kỹ năng mềm thì sinh viên đại học, thậm chí cả sinh viên của một số trường danh tiếng cũng có thể dễ dàng trở thành nhóm "dễ bị lừa" trong xã hội sau khi ra trường.
Giỏi học hành chưa chắc giỏi kiến thức xã hội thực tiễn
Một nguyên nhân có thể là do giáo dục ở các trường danh tiếng tập trung quá nhiều vào việc truyền đạt kiến thức mà chưa bồi dưỡng kỹ năng sống thực tế và năng lực xã hội cho sinh viên. Mặc dù đạt được kết quả xuất sắc trong các lĩnh vực học thuật nhưng họ lại có hiểu biết tương đối ít về các mối quan hệ phức tạp giữa các cá nhân và các vấn đề thực tế xã hội. Điều này có thể khiến họ có phần hụt hẫng khi sau này ra ngoài đối mặt với xã hội.
Mặt khác, sự cạnh tranh khốc liệt trong môi trường học danh giá cũng có thể khiến sinh viên chú ý hơn đến kết quả học tập mà bỏ bê việc trau dồi kỹ năng giao tiếp và xã hội. Họ có thể quen với việc theo đuổi sự xuất sắc trong một môi trường học thuật tương đối khép kín, nhưng thiếu cơ hội giao tiếp và hợp tác với người khác, dẫn đến những câu chuyện khó tin như trên.
Nguồn: Sohu