Sự chuyển tiếp từ môi trường THPT lên ĐH chắc chắn sẽ khiến nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái lo lắng. Nhất là áp lực tiền đâu khi loạt chi phí đổ ập xuống như học phí, tiền nhà trọ, sinh hoạt, mua đồ dùng và cơ sở vật chất ở thành phố mới.
Gần đây, một nữ sinh lên tâm sự chuyện đóng tiền đầu năm của mình. Cô bạn cho biết đã tiêu đến 32 triệu đóng tiền đầu năm, và với gia đình thuần nông thì quả là bài toán khó khăn.
Nguyên văn dòng chia sẻ như sau:
"Học Đại học tốn tiền quá anh chị nhỉ.
Nhà em có 5 người, gia đình thuần nông, bố mẹ ở nhà ngoài nông dân còn nuôi thêm đôi lợn với gà. Bố mẹ suốt bao năm đi làm kiếm tiền nuôi 5 miệng ăn, chẳng dư ra được đồng nào, có chút tiền mua sắm cái này cái kia, toàn thứ cần như quần áo, giày dép.
Mặc dù đã đi học được 1 tháng nhưng hôm nay em mới giật mình nhìn lại số tiền bố mẹ đã đầu tư cho việc học đại học.
(Ảnh minh họa)
Tiền trọ 3 tháng là 1,4 triệu, cọc thêm 1 triệu là 3,4 triệu (em ở 3 người, mỗi người 800 nghìn/1 tháng, phòng cũng bé nhưng được cái tự do giờ giấc để em đi làm).
Tiền học 1 kì nộp là hơn 7 triệu, tiền đóng các khoản khác đầu năm 1 triệu.
Tiền mua 1 chiếc xe máy, mua lại thôi, là 9 triệu. Bố mẹ bảo mua xe như thế đi cho tốt, chứ cũ quá đi hay hỏng mất thời gian, mất công việc, mất cả tiền.
Tiền mua 1 chiếc laptop sau khi trừ khuyến mại các thứ là hơn 8 triệu, thật ra giá hơn 10 triệu.
Tiền ăn tiêu vặt tháng đầu tiên, bố mẹ đưa em 3 triệu bảo là để dư ra 1 chút để nhỡ có việc gì.
Em chợt tính tổng lại: 3,5 + 8 + 9 + 8.5 + 3 = 32 triệu.
Em không biết với mọi người khoản tiền này thế nào nhưng với gia đình em, chưa bao giờ nhà em tiêu 1 khoản tiền lớn như vậy, kể cả ốm đau hay mua đồ đắt nhất cũng chỉ 10 triệu đổ lại. 32 triệu thì trong đó bố mẹ em vay người thân 15 triệu.
Giờ em thấy thương bố mẹ lắm, em cũng đang đi xin việc rồi. Xong em nghĩ nhà chẳng có tiền mà còn học đại học, đây mới chỉ là chi phí mới lên, sau này còn sách vở, học thêm tiếng Anh".
(Ảnh minh họa)
Bên dưới bình luận, bên cạnh đồng cảm với nỗi lòng đóng tiền của các bạn tân sinh viên, nhiều người còn chỉ ra sự đầu tư không hợp lý của nữ sinh dẫn đến khoản tiền này đã bị độn lên gấp nhiều lần.
Đó là tiền mua laptop, xe máy, có thể bù trừ sau. Chưa kể theo đánh giá, việc mua máy tính tầm giá 8 triệu (trong khi giá cũ 10 triệu) thì cũng là loại chỉ sử dụng được kỹ năng cơ bản (word, excel...) nếu muốn học nâng cao, lại phải mua mới.
Bạn A.T góp ý: "Đầu tư nhiều nhưng chưa thật sự hợp lý, mình 4 năm đi bus chẳng sao, sau này đi làm thì mua xe máy cũng được. Laptop năm nhất cũng chưa cần mua, biết học chuyên ngành hay cái gì đâu mà mua sớm".
Bạn M.H bình luận: "Cá nhân mình cũng thấy bạn này chi tiêu không hợp lý. Bọn mình sinh viên Y đi thực tập, đi trực suốt mà 4 năm vẫn đi bus. Nếu say xe, không đi được bus thì thuê trọ gần trường. Laptop thì chưa cần mua vội, mới năm nhất chỉ học lý luận tốt. Mình đến năm 3 làm Power Point nhiều mới mua laptop cũ giá 4 triệu, đến bây giờ vẫn dùng ngon lành".
Bạn T.H tâm sự: "Bạn này mua máy tính vội vàng quá, còn chưa biết ngành mình ra cái gì mà đã mua rồi. Laptop 8-10 triệu chỉ dùng được word, excel cơ bản; chứ vô chuyên ngành đòi hỏi nhiều thì lại nát từ năm 2. Laptop tầm giá đó còn chẳng lắp được con chip I3, mua sớm hay mua nhầm đó bạn".
Còn bạn, bạn thấy sao về cách tiêu tiền này?