Nữ sinh bỏ rơi con sơ sinh giữa khe tường có bị xử lý hình sự?

Tiến Anh |

Bé trai sơ sinh nặng 2,2kg bị bỏ rơi giữa khe tường ở huyện Gia Lâm được người dân phát hiện, giải cứu kịp thời hiện đang được chăm sóc tại Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội. Người mẹ bỏ rơi con liệu có bị xử lý hình sự?

Ngày 21/8, Cơ quan Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội đã xác định được mẹ của cháu bé bị bỏ rơi giữa khe tường hẹp tại thị trấn Trâu Quỳ là N.K.H. (20 tuổi, trú tại Kim Sơn, Ninh Bình) hiện đang là sinh viên năm thứ 2 của trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Theo thông tin ban đầu, lý do H. vứt con sau khi sinh vì có thai ngoài ý muốn, do tâm lý lo sợ ảnh hưởng đến việc học nên đã giấu bạn bè và gia đình.

Trước đó, vào khoảng 17h50' ngày 18/8 người dân đang sinh sống tại khu trọ số 45, Đào Nguyên, Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) bất ngờ nghe tiếng khóc của trẻ nhỏ. Tìm hiểu, mọi người vô cùng bàng hoàng phát hiện một em bé không mặc quần áo, còn nguyên dây rốn bị bỏ rơi ở khe tường hẹp.

Người dân đã lập tức khoan, đục tường để giải cứu cháu bé ra ngoài rồi cùng lực lượng chức năng đưa bé đi cấp cứu..

Trao đổi với PV về vụ việc này, luật sư Nguyễn Thị Hường (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Luật Trẻ em 2016 nghiêm cấm bố mẹ bỏ rơi, bỏ mặc con của mình, kể cả khi vừa sinh ra.

Mọi hành vi xâm phạm quyền trẻ em đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả gây ra".

Nữ luật sư khẳng định: Hành vi của người mẹ trong vụ việc này là trái pháp luật và đạo đức xã hội khi đã vứt bỏ con mới sinh. Tuy không có hành vi tác động nào để giết chết con nhưng đã có chủ đích bỏ mặc con, hậu quả có thể nguy hại đến tính mạng con.

Theo luật sư Nguyễn Thị Hường, lỗi của người mẹ trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp. Do đó, hậu quả xảy ra đến đâu sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng đến đó.

Nếu cháu bé tử vong thì người phụ nữ sẽ phải chịu trách nhiệm về tội vứt con mới đẻ theo quy định tại Khoản 2 Điều 124 Bộ luật Hình sự (BLHS).

Tuy nhiên, cháu bé đã được một số người dân và lực lượng chức năng giải cứu, đưa đi cấp cứu kịp thời nên may mắn được cứu sống.

Như vậy, tuy hành vi của người phụ nữ là nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa thỏa mãn dấu hiệu tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự về tội vứt con đẻ nên không cấu thành tội phạm.

Luật sư Hường nhận định, hành vi vi phạm pháp luật này của người phụ nữ sẽ được xử lý bằng biện pháp hành chính theo theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi “Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh”.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại