Mê "xê dịch" từ khi còn là học sinh Tiểu học
Phạm Thị Lưu Đa sinh năm 1988, hiện đang là nhân viên nhân sự tại một công ty đào tạo tiếng Nhật tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đây, cô từng được nhiều người biết đến thông qua một tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc "thần kì", khi cô đang nằm ngủ say sưa trên một sợi dây trong một lần đi phượt.
Tấm ảnh nhận được rất nhiều sự kinh ngạc, khen ngợi của cư dân mạng. Đa số đều không hiểu vì sao mà nhân vật chính có thể ngủ say sưa ở địa thế "hiểm trở" như vậy.
Hình ảnh đáng kinh ngạc về kỹ năng ngủ trên dây mà Lưu Đa chia sẻ từng khiến nhiều người bất ngờ.
Một thời gian sau, khi vào trang facebook cá nhân của Lưu Đa, nhiều người không khỏi choáng ngợp trước vô số hành trình đi khắp trong và ngoài nước được cô ghi lại bằng hình ảnh và cả những bài chia sẻ tỉ mỉ. Đây được xem như kinh nghiệm hữu ích đối với những ai cần chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới của mình.
Dễ dàng nhận ra, Lưu Đa là một người rất đam mê phượt. Những nơi mà "cô gái ngủ trên dây" từng đặt chân đến là Cà Mau, các tỉnh miền Tây, Đà Lạt, Kontum, Huế, Đà Nẵng, Tây Bắc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar...
Lưu Đa thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm du lịch trên trang cá nhân để những ai quan tâm có thể theo dõi.
Lưu Đa chia sẻ: "Mình là một người thích xê dịch, du lịch bụi. Niềm đam mê này hình thành từ khi mình còn học cấp 1, lúc ấy đã thích tham gia các hoạt động ngoại khoá, học các kỹ năng và đi đây đi đó khá nhiều.
Du lịch bụi giúp mình tự khám phá những vùng đất mới mà bản thân chưa biết, chinh phục những thử thách, tìm hiểu về văn hoá, con người, ẩm thực, phong cảnh và phong tục tập quán những nơi mình đi qua".
Tuy nhiên, "thích" là một chuyện, còn muốn hiện thực hóa đam mê xê dịch thì mỗi phượt thủ cần trang bị cho mình rất nhiều thứ, từ hiểu biết về các vùng miền sẽ đặt chân đến, cho đến việc chuẩn bị tài chính và không thể không kể đến thể lực.
"Mình thường lập kế hoạch cho những chuyến đi trong 1 năm. Từ kế hoạch đó, mình phân bổ các địa điểm vào những ngày cụ thể để có bước chuẩn bị tốt nhất.
Vì công việc của mình cũng khá bận rộn nên mình thường chỉ tranh thủ những ngày cuối tuần hoặc kết hợp các dịp lễ, Tết xin nghỉ phép thêm để thực hiện những chuyến đi.
Vì có kế hoạch sớm nên việc mua vé tàu, xe, máy bay, khách sạn...mình chủ động săn vé giá rẻ để tiết kiệm.
Ngoài ra trước mỗi chuyến đi mình thường tìm hiểu thông tin rất kỹ và lên lịch trình khá chi tiết, vì không có nhiều thời gian lắm nên luôn muốn tận dụng cho niềm đam mê khám phá, không để lãng phí chút thời gian nào.
Trước đây mình có tham gia lớp võ Bình Định nên cũng được rèn luyện thể lực và biết cách tự luyện tập. Thường những lần thực hiện chuyến đi nào đó là mình cảm thấy rất khoẻ, làm việc trong văn phòng nhiều lại làm cho mình yếu đi thì phải" – Lưu Đa chia sẻ.
Chuyện hết xăng giữa đường đèo trong đêm và bị rạch lều cướp của
Từng thực hiện rất nhiều hành trình, khám phá về văn hóa, mảnh đất, con người từ Bắc tới Nam và cả nước ngoài, mỗi chuyến đi đều để lại cho Lưu Đa nhiều kỷ niệm và những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Chuyến đi đáng nhớ, chinh phục 4 cực, 1 đỉnh, 2 ngã ba và tứ đại đỉnh đèo phía Bắc được cô thực hiện năm 2015.
Trong đó, cô chia sẻ với chúng tôi rằng chuyến đi "nhớ đời" nhất cho đến hiện tại có lẽ là chuyến miền Bắc kéo dài 11 ngày trong năm 2015:"Chuyến đi đó mình dành 7 ngày cho Tây Bắc và 4 ngày cho các tỉnh lân cận Hà Nội.
Ban đầu dự kiến chỉ có 3 chị em, nhưng rồi thông tin đi một hồi thì thành 1 nhóm gần 20 người chinh phục cực Tây, và mình vô tình trở thành trưởng nhóm, với rất nhiều người bạn mới lần đầu gặp.
Chuyến đi với đủ khó khăn thử thách: đầu tiên là mưa làm giảm tốc độ của đoàn, và vượt đèo trong đêm để đến đồn biên phòng A-pa-chải lúc nửa đêm, rồi một ngày cúp điện toàn tỉnh, không đổ xăng được, xăng dự phòng cũng hết, cả đoàn gần như hết xăng giữa đường đèo trong đêm tối, may có 1 chiếc xe ô tô đi qua dừng lại cho cả đổ xăng miễn phí.
Một kỷ niệm nữa là về sau 3 chị em mình tách đoàn tự chinh phục Tà Chì Nhù, không thuê người dẫn đường và bị rạch lều, lấy cắp điện thoại.
Nghĩ lại mới thấy lúc đó 3 chị em cũng liều thật. Chuyến đi đó cũng đánh dấu hoàn thành mục tiêu 4 cực, 1 đỉnh, 2 ngã ba và tứ đại đỉnh đèo phía Bắc của mình".
Kể từ chuyến đi với nhiều thành công nhưng cũng không ít gian nan, vất vả, thậm chí nguy hiểm, Lưu Đa đã đúc rút được nhiều bài học quý giá.
Mặc dù hiện tại, thỉnh thoảng cô vẫn thực hiện những chuyến đi ngẫu hứng, không lên lịch trình, nhưng với kinh nghiệm của một cô gái có nhiều năm chinh phục các cung đường xuyên Việt, Lưu Đa cho biết quan điểm của cô về "phượt" vẫn là đi để trải nghiệm, để tận hưởng theo cách của riêng mình, để mình cảm thấy thoải mái nhất chứ không phải để chứng tỏ thành tích với người khác.
"Hiện nay có nhiều bạn trẻ chia sẻ những thông tin về chuyến đi "siêu tốc" hay "siêu tiết kiệm", phượt một cách bất chấp, mạo hiểm để thể hiện bản thân, gây sốc...Mình không bàn về tính xác thực của những chia sẻ ấy.
Đôi lúc mình cũng có tham khảo những bài viết của các bạn chia sẻ về những chuyến đi siêu tiết kiệm, nhưng chỉ để có thêm thông tin chứ cũng không muốn đi chơi mà phải gò bó bản thân quá, mất đi sự thoải mái.
Đi thế nào không quan trọng, chủ yếu là phải đảm bảo sự an toàn, sức khoẻ và được trải nghiệm ở những nơi mình đi qua, phải có gì đó lắng đọng lại" – 8x đến từ thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm.