Nữ PGĐ sở "yêu hoa" và chuyện ông bố tự tát vào mồm

Bùi Hải |

Tôi cũng đã muối mặt vượt đèn đỏ vài lần. Nhưng tôi đã biết dừng cái "thói quen vi phạm" giống rất nhiều người này, cách đây 3 năm nhờ cô con gái rượu Bùi Hải Hà Anh - khi ấy vừa 5 tuổi.

"Bố vi phạm pháp luật. Bố hư. Ai cho bố vượt đèn đỏ? Công an sẽ bắt bố vào đồn, trói lại, bỏ tù 1 tỉ năm cho đến khi bố khóc nhè thì mới tha" - "cảnh cáo viên" nặng 17kg ngồi sau xe tôi đã hét to lên như vậy sau cú nhấn ga lúc đèn đỏ vừa bật nhảy.

Cú rướn ga nhẹ, tốc độ xe chậm không gây ra một tai nạn giao thông nào cho người đi đường, nhưng lại gây ra một "tai nạn lương tâm" cho tài xế bố.

Sau lời hét của con bé, mấy phụ nữ đi đường quay lại nhìn tôi. Trong mắt họ, một thoáng rất nhanh, tôi thấy hiện lên sự buồn cười và vẻ thương hại.

Ánh mắt của đồng loại có nhức khối đến đâu cũng không nặng nề bằng ý nghĩ: Học trò bé bỏng của mình đánh mất một chút niềm tin vào sự gương mẫu của "ông thầy" thường ngày vẫn dạy dỗ con điều hay lẽ phải.

Tôi cũng đã vài lần phải tự tát vào mồm vì trót văng ra những từ, dù chỉ là "tiệm cận bậy", trong cuộc trò chuyện với người lớn, mà con gái tôi nghe được.

Hình phạt ấy cũng do "tỉnh táo viên" 5 tuổi nghĩ ra để "dạy dỗ cái mồm hư của bố". "Cái mồm hư" ấy đã phải xin lỗi sau khi hằn lên những vết ngón tay.

Tôi không biết bà nữ phó giám đốc sở "yêu hoa đến lìa cành" trong lễ hội hoa Anh đào có bao giờ được trẻ con "nhắc nhở" những việc như thế hay không, nhưng rõ ràng, trong một khoảnh khắc, bà không nhớ gì về bài học mà trẻ con thường thuộc ấy.

Công bằng mà nói, trong cuộc sống, ai cũng có thể để xảy ra một hành vi đáng xấu hổ.

Nữ PGĐ sở yêu hoa và chuyện ông bố tự tát vào mồm - Ảnh 1.

Ảnh: VNN.

Thầy giáo đại học của tôi, một nhà thơ tinh tế, đã từng đến bên một thanh niên gác cả hai chân lên ghế trong quán cà phê và "nhẹ nhàng" nhắc: "Anh thấy dáng ngồi của em, nếu để chân xuống đất, sẽ rất sang".

Chàng trai đỏ bừng mặt, rụt chân xuống và bật ra câu xin lỗi rất nhanh.

Vài tuần sau, chính thầy tôi, trong quán ăn lại "vô thức" ngồi xổm trên ghế khi mải trôi theo cuộc tranh luận với ai đó trên điện thoại.

Thầy giật mình và nói từ sorry những 3 lần khi tôi chạm nhẹ vào đầu gối ra hiệu.

Hôm qua, một vị nguyên cục phó đã kể cho tôi câu chuyện làm chính ông xấu hổ và từ lâu làm bài học răn mình: Ông ký văn bản nhắc nhở một số cơ quan chuyên về chữ nghĩa đã sử dụng nhầm một từ ghép gây sai lệch nguy hiểm.

Thế nhưng trong chính văn bản nhắc nhở ấy, ông lại mắc lỗi sử dụng từ ghép đó, y hệt lỗi của các cơ quan ông nhắc nhở.

Rất có thể việc cầm cành hoa anh đào của bà PGĐ sở chỉ là một tai nạn trong khoảnh khắc say mê quá quên hết mọi thứ.

Nữ PGĐ sở yêu hoa và chuyện ông bố tự tát vào mồm - Ảnh 2.

Nó giống như nụ cười trong bức ảnh của một nữ lãnh đạo hội chữ thập đỏ Nghệ An trên đống đổ nát hoang tàn sau động đất ở Nepal.

Tôi tin, đó cũng chỉ là một tai nạn không quá hiếm trong thời đại mà việc chụp ảnh tự sướng trở thành một trong những... nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, bên cạnh cơm ăn áo mặc và ô xy.

Sống trong một xã hội nhiều cám dỗ như vậy, mỗi chúng ta luôn phải tìm cách nào đó cài đặt một cơ chế cảnh tỉnh.

Nếu người tài xế biết "cảnh tỉnh" sếp PGĐ sở của mình thay vì tuân phục không điều kiện trước việc làm sai, như con gái rượu 5 tuổi của tôi đã "đe dọa" bố, thì cư dân mạng không dậy sóng đến như vậy.

Nếu bà PGĐ là "tỉnh táo viên", biết stop hành vi bẻ hoa của thuộc cấp mình, thì hình ảnh một phụ nữ mặc áo dài hoa duyên dáng sẽ vẫn mãi đẹp.

Và nếu, những người có lỗi biết hành xử như những ông bố phạm lỗi: Biết xấu hổ, tát vào mồm mình tự răn, thay vì đổ lỗi cho dư luận ác ý, thì chắc chắn những bài báo thế này sẽ không phải xuất hiện trong một ngày cuối tuần tuyệt đẹp như hôm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại