Nữ nhiếp ảnh gia Khánh Phan, một nhiếp ảnh gia thế hệ 8X đã giành giải thưởng bức ảnh Lao động đẹp nhất thế giới tại cuộc thi Work 2020 do ứng dụng ảnh nổi tiếng Agora tổ chức với tác phẩm Rửa bông súng và khá nhiều giải thưởng quốc tế khác. PV ĐS&PL đã có cuộc trò chuyện với chị để hiểu hơn về hành trình chị theo đuổi nghề nhiếp ảnh, cũng như câu chuyện phía sau những tác phẩm đoạt giải.
Hôn nhân đổ vỡ, nhiếp ảnh cứu rỗi tâm hồn
Xin chào nhiếp ảnh gia Khánh Phan. Được biết, chị bắt đầu theo đuổi nhiếp ảnh được khoảng 3 năm, còn trước đó chị làm công việc khác. Cơ duyên nào đã đưa chị đến với nhiếp ảnh?
Tôi đến với nhiếp ảnh một cách rất tự nhiên, như người ta thường nói có duyên với nhiếp ảnh. Sau khi hôn nhân đổ vỡ, chính nhiếp ảnh đã giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời. Chính cái đẹp trong cuộc sống mà tôi ghi lại bằng chiếc máy ảnh đã vực dậy tâm hồn tôi.
Theo đuổi nhiếp ảnh, chụp lại những khoảnh khắc đẹp, đặc sắc với một nhiếp ảnh gia nam giới đã là một điều không hề dễ dàng, với nữ thì khó khăn gấp bội. Chị đã khắc phục ra sao để theo đuổi đam mê?
Nhiếp ảnh không phân biệt nam nữ, tuy nhiên để có được thành công phụ nữ phải cố gắng gấp nhiều lần nam giới. Để theo đuổi đam mê, tôi đã hy sinh hạnh phúc riêng, hiện tại tôi chưa có ý nghĩ về cuộc sống hôn nhân hay tiếp tục kết hôn, tôi dành mọi thời gian rảnh cho nhiếp ảnh.
Đôi khi tôi phải hy sinh cả giấc ngủ nhiều ngày, đi xa, leo núi, hay đối mặt với những nguy hiểm không lường trước được. Tôi đã từng đứng một mình ở nghĩa địa nhiều đêm, bị sóng biển trùm đầu hỏng cả máy ảnh, đứng trên đồi cát bỏng rát hoặc chịu cái lạnh âm vài độ cho những bức ảnh của mình.
Trong nhiếp ảnh, để chụp được một bức ảnh đẹp không hề dễ dàng, có khi phải chụp đi chụp lại nhiều lần, nhiều ngày. Và nếu không thực sự đam mê thì sẽ không thể theo đuổi nhiếp ảnh.
Nữ nhiếp ảnh gia Khánh Phan.
Thời gian chị đến với nhiếp ảnh chưa phải là lâu nhưng chị đã mang về cho mình một “gia tài” đồ sộ cùng với những giải thưởng danh giá. Điều gì đã giúp chị gặt hái được những “trái ngọt”?
Tôi thực sự rất may mắn khi trong thời gian ngắn theo đuổi đam mê nhưng đã giành được những giải thưởng mơ ước. Điều đó là nguồn cổ vũ động viên rất lớn đối với tôi. Tôi cố gắng tìm tòi học hỏi, đi chụp thật nhiều, làm việc chăm chỉ. Tôi nghĩ những giải thưởng là điều kỳ diệu cuộc sống ưu ái dành tặng cho những nỗ lực không mệt mỏi của tôi.
Trong “gia tài” của chị, những bức ảnh về làng nghề luôn mang lại may mắn cho chị trong các cuộc thi? Và, có vẻ như chị có niềm đam mê đặc biệt với các làng nghề Việt Nam ?
Các làng nghề Việt Nam là một trong những chất liệu quý trong nhiếp ảnh, điều đó được minh chứng qua các cuộc thi. Việt Nam là một trong những đất nước còn duy trì được nhiều làng nghề thủ công truyền thống và đằng sau đó là những câu chuyện văn hoá thú vị. Chụp ảnh làng nghề cũng là cách tôi muốn kể chuyện về văn hoá Việt Nam. Tôi mong muốn được mang bản sắc của đất nước mình đến nhiều hơn với bạn bè và người yêu ảnh khắp nơi trên thế giới.
Đam mê và bản lĩnh
Mỗi một bức ảnh của chị như một bức tranh với những đường nét mềm mại, bố cục màu sắc hài hòa, vậy có sự sắp đặt trước hay không?
Tôi chụp tất cả những gì xinh đẹp tôi nhìn thấy. Đôi khi tôi nghĩ ra điều gì đó khiến mọi thứ đẹp hơn, bắt mắt hơn, lôi cuốn hơn tôi sẽ thực hiện nó. Tôi là phụ nữ, yêu thích hoa và cái đẹp nên tôi đã xếp những bó hương thành đoá hoa, những bó hoa súng thành hoa trên mặt nước và tôi đặt những người phụ nữ vào giữa những đoá hoa ấy như những con ong chăm chỉ. Tôi muốn tạo ra cái đẹp từ lao động.
Phía sau một bức ảnh đẹp là câu chuyện tiền kỳ, hậu kỳ, chị có thể “vén màn” để mọi người có thể hiểu hơn về những khó khăn cũng như sự công phu, kỳ công, vất vả của người nhiếp ảnh gia?
Nhiếp ảnh là một công việc gian nan. Trước khi đi chụp tôi thường chuẩn bị rất kỹ. Từ nghiên cứu địa điểm chụp, thời tiết đến tục tập thói quen của người địa phương. Sau đó là đến thiết bị và các yếu tố khác nữa. Đôi khi để có một bức ảnh đẹp phải chụp nhiều lần, đi nhiều lần và không phải lần nào cũng may mắn có được tác phẩm ưng ý.
Không những vậy, nhiếp ảnh gia còn phải đối mặt với những rủi ro về thời tiết đôi khi nguy hiểm đến tính mạng không thể lường trước. Vì vậy nghiên cứu kỹ về địa điểm chụp là một yếu tố quan trọng trong một chuyến sáng tác.
Bức ảnh đoạt giải tại cuộc thi Golden Hour 2020.
Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một chuyến đi và đâu là câu chuyện, chuyến đi khiến chị ấn tượng nhất?
Tôi luôn yêu thích và có xúc cảm đặc biệt đối với những chuyến đi về Gia Lai. Đây là một vùng đất đẹp với khí hậu ôn hoà, con người dễ mến. Tôi đến Gia Lai vào các dịp lễ hội và thực sự ấn tượng bởi nét văn hoá độc đáo ở vùng đất này.
Đó là những người con của Tây Nguyên đại ngàn, khi vừa mới sinh ra đã thấm nhuần truyền thống hào hùng của cha anh.
Tôi may mắn được tham gia nhiều hoạt động lễ hội và bị ấn tượng bởi những cô bé cậu bé nhẩy múa với cồng chiêng. Các em tuy nhỏ tuổi nhưng thành thục như những vũ công chuyên nghiệp, những điệu múa được truyền dạy từ cha ông. Cầu cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hoà, cầu cho những điều tốt đẹp đến với mọi người. Gia Lai cũng là nơi tôi đã chụp nhiều tác phẩm thành công.
Hiện nay, chuyện sao chép ý tưởng, đạo nhái trong nghệ thuật ngày một nhiều. Chị nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi nghĩ không ai có thể sao chép ý tưởng của ai khi bạn có một tác phẩm đặc biệt, đắt giá về khoảnh khắc và kỹ thuật cao về xử lý hậu kỳ.
Người xem ảnh có thể thấy những tác phẩm hơi giống nhau khi các nhiếp ảnh gia chụp chung một chất liệu nhưng để tạo những dấu ấn riêng trong ảnh thì không phải ai cũng làm được giống ai.
Tôi không bàn sâu về vấn đề sao chép ý tưởng và đạo nhái vì thực sự tôi nghĩ một tác phẩm tốt được tổng hoà bởi nhiều yếu tố và hầu như không thể đạo nhái.
Chị có đặt nặng vấn đề giải thưởng ở các cuộc thi về ảnh hay không?
Giải thưởng trong nhiếp ảnh chỉ là một cách động viên cho những tác phẩm của các nhiếp ảnh gia đã thực sự làm việc và nỗ lực vì nó và phần lớn là do may mắn, không phải là tất cả.
Tôi thử sức mình ở hầu hết các sân chơi nhiếp ảnh trên thế giới, các cuộc thi ảnh phù hợp với phong cách ảnh của tôi. Những người bạn chơi nhiếp ảnh khác của tôi trên thế giới cũng thế và tôi chỉ coi các cuộc thi như một thử thách mà tôi muốn thử sức và vượt qua.
Chị nghĩ điều gì cần thiết ở một nhiếp ảnh gia?
Đam mê và bản lĩnh. Để theo đuổi nhiếp ảnh, bạn thực sự phải đam mê và để duy trì đam mê ấy bạn phải thực sự bản lĩnh.
Chị có thể kể về những vấp váp trong 3 năm qua bước chân vào nghề?
Tôi mới tham gia "cuộc chơi nhiếp ảnh" và đã mắc phải không ít những sai lầm. Khi bước vào nhiếp ảnh, tôi chưa thể xác định con đường mà tôi muốn hướng tới, tôi chụp tất cả những gì đáng yêu mà tôi nhìn thấy, chụp những chất liệu cũ.
Bên cạnh đó việc háo hức tham gia những cuộc thi khi chưa tìm hiểu kỹ về thể lệ cũng khiến tôi phải trả giá, tôi gửi ảnh sai thể lệ cuộc thi, sai năm chụp, ghi sai chính tả tên tác phẩm, gửi ảnh ghép trong khi cuộc thi cấm ghép ảnh. Tôi đã phải trả giá rất đắt cho những sai lầm của mình và tôi thực sự ân hận. Sau lần vấp ngã, tôi tự nhủ bản thân cần cẩn trọng hơn trong mọi việc, cẩn trọng trong việc sử dụng tác phẩm đó là cách mình trân trọng công sức mình đã bỏ ra.
Với những bạn nữ có đam mê chơi ảnh, chị muốn nhắn nhủ hay dành lời khuyên gì?
Nhiếp ảnh thực sự là con đường gian nan và bạn là nữ thì thực sự phải rất bản lĩnh, bản lĩnh trong theo đuổi đam mê, bản lĩnh trong sáng tạo. Và không có thành công nào là dễ dàng. Hãy theo đuổi nhiếp ảnh một cách say sưa và nỗ lực không ngừng vì nó, bạn sẽ nhận được những điều xứng đáng.
Cảm ơn những chia sẻ của nữ nhiếp ảnh gia Khánh Phan.
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (161)