Ở Trung Quốc, người ta có thể tìm thấy các phiên bản “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như các tác phẩm bình thơ, giới thiệu, chú giải về tập thơ. Tuy nhiên, việc thể hiện các vần thơ “có thép” ấy bằng tranh, có lẽ nữ nhà văn Cát Kiến Phương là người đầu tiên.
Sinh ra ở Diên An, Thiểm Tây – vùng căn cứ địa cách mạng ở Tây Bắc Trung Quốc, Cát Kiến Phương là một nhà văn, nhà báo thế hệ 7X. Do có năng khiếu về hội họa, chị còn là một họa sĩ truyện tranh và tranh minh họa dù không qua trường lớp.
Cát Kiến Phương biết đến “Nhật ký trong tù” qua giới thiệu của nguyên Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Bành Thế Đoàn. Với lòng kính trọng sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh, chị lật dở từng trang thơ, nhưng ngay từ lần đọc đầu tiên và nhiều lần sau đó, dù đã rất cố gắng, chị vẫn thấy giữa mình và tác phẩm như có một bức tường vô cùng cao lớn ngăn cách.
Chị quyết định tìm đọc những tư liệu về Người với Trung Quốc và các lãnh đạo tiền bối cách mạng nước này. Chị ấn tượng sâu sắc với câu chuyện về cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông tại Diên An – quê hương chị – năm 1938. Tại đây, Người đã ăn cơm kê, nghe điệu tín thiên du, một loại hình dân ca ở Thiểm Tây, giống người dân bản địa. Đến năm 1966, Người quay lại Diên An một lần nữa và để lại bút tích tại đây.
Những chi tiết này đã chạm vào cảm xúc của Cát Kiến Phương, khiến chị vô cùng xúc động và những bức vẽ đầu tiên đã ra đời: "Sự cảm động đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Trước hết, với những vần thơ, tôi phải tiếp cận dần từ ngoài vào trong. Sau đó là sự xúc động từ bên trong trước những câu chuyện giữa Người với các nhà lãnh đạo Trung Quốc thời ở Diên An và với Diên An. Hai cảm xúc ấy gặp nhau và tôi đã biết mình cần phải làm gì".
Cuốn “Nhật ký trong tù” xuất bản ở Trung Quốc có 100 bài thơ. Cát Kiến Phương bắt đầu vẽ từ 11/5/2022 và phải mất gần 6 tháng rưỡi để hoàn thành toàn bộ tập thơ. Chị nhớ lại, mỗi lần vẽ, chị như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, xuyên không trở về thời điểm của 80 năm trước khi Bác Hồ bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm và tự nhốt mình sau những chấn song sắt.
Nhà văn Cát Kiến Phương chia sẻ, thực hiện những bức vẽ về “Nhật ký trong tù” đem lại cho chị nhiều xúc cảm chưa từng có, dù đã từng vẽ rất nhiều tranh cho các tác phẩm văn học của Trung Quốc: "Mặc dù tôi cầm tập thơ trong tay, nhưng vẫn có một khoảng cách rất lớn giữa tôi và cuốn sách, khoảng cách ấy không chỉ là một đỉnh Everest. Tôi đã rất khó khăn để leo, phải vừa đi xuyên qua, vừa trèo lên trên, mới chạm tới được. Tôi đã tự đưa mình vào đó, trở về thời đó, nhốt mình vào nhà giam, hai tay nắm chặt song sắt, chỉ khi đó tôi mới có thể làm được việc. Do vậy, sau khi hoàn thành toàn bộ các bức vẽ, tôi cảm thấy mình như kiệt sức. Mỗi lần bước vào rồi lại thoát ra, tôi đều vô cùng vật vã".
Các hình tượng được chị sử dụng nhiều trong các bức vẽ là song sắt nhà giam với những chiếc lá non ở góc tượng trưng cho hy vọng, cây cỏ vùng nhiệt đới, chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình hay cá biểu tượng của khát vọng tự do...
Chị khâm phục những vần thơ dù trong hoàn cảnh hết sức đen tối vẫn không một lời kêu ca, oán than, mà luôn toát lên ý chí kiên cường, khát vọng sống, niềm tin và lòng lạc quan cách mạng mãnh liệt: "Có thể nói, Người đã nắm bắt được tinh hoa của văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thơ lại không dùng những từ ngữ quá tao nhã, khác lạ hay cao xa, mà từng câu, từng chữ đều rất bình dị. Đằng sau sự giản dị ấy là niềm lạc quan và một tình yêu vĩ đại. Tinh thần cách mạng ấy khiến tôi, với tư cách là một người của hậu thế, hết sức khâm phục. Tôi rất biết ơn vì Người đã để lại cho đời sau khối tài sản tinh thần quý giá như vậy".
Bài viết sau khi hoàn thành các bản vẽ của Cát Kiến Phương có nhan đề “Kính chào, những vần thơ tiếp thêm cho tôi sức mạnh”. Chị viết: “Những bài thơ ấy thật phi thường, xuyên suốt đó là nhiệt huyết cách mạng và tinh thần lạc quan dâng trào, cho thấy ý chí chiến đấu kiên cường của người cách mạng, thể hiện đầy đủ khí tiết chính trực và tinh thần lạc quan của một người thuộc đảng cách mạng, nêu bật khát vọng, hoài bão lớn lao, tình cảm và tinh thần cao cả của tác giả".