Nữ nhà báo đăng ký hiến tạng: Là việc có ý nghĩa nhất ngày 21/6

Tuệ Minh |

Với quan điểm cho rằng "nếu chẳng may mình chết thì 1 phần cơ thể mình sẽ giúp những người khác sống tiếp", nhà báo Phượng Hoàng cho rằng đó là "việc làm có vẻ ý nghĩa nhất trong ngày 21/6".

Hôm nay, 21/6, là một ngày đặc biệt đối với chị Nguyễn Thị Phượng Hoàng - PV báo Đại biểu Nhân dân (Quốc hội Việt Nam). Đó không chỉ là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam mà còn là ngày chị quyết định đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau chết/chết não.

Với quan điểm cho rằng "nếu chẳng may mình chết thì một phần cơ thể mình sẽ giúp những người khác sống tiếp", chị Phượng Hoàng cho rằng đó là "việc làm có ý nghĩa nhất trong ngày 21/6".

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Phượng Hoàng về quyết định đặc biệt này.

PV: Xin chị cho biết chị quyết định hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau chết/chết não khi nào?

Nhà báo Phượng Hoàng: Tôi biết trung tâm từ lâu và thường xuyên qua lại viết bài tuyên truyền về những người ghép tạng và hiến tạng.

Ban đầu cũng không nghĩ đến việc chính mình là người hiến nhưng nghe rất nhiều câu chuyện xúc động về người hiến, có những người tình nguyện không vì điều gì, có những người hiến sống, tôi nguyện hiến mình cho y học!

PV: Điều gì đã thôi thúc chị đưa ra quyết định đăng ký như vậy?

Nhà báo Phượng Hoàng: Tôi nghĩ rằng việc này cũng đơn giản vì nhiều người làm lắm, có phải điều gì đặc biệt đâu. Tôi chỉ nghĩ mình làm được điều gì ý nghĩa thì làm thôi.

Khi đi làm, tôi thấy những người đi vận động hiến tạng rất khổ. Có những trường hợp bên ngân hàng giác mạc, họ đi đến nơi rồi thì người nhà phản đối. Dù đã phải tổ chức một chuyến xe gồm các y bác sỹ và các dụng cụ, đi hàng trăm cây số nhưng thất bại. Trong khi đó, người chờ hiến thì quá nhiều.

Nhưng tôi cũng đã từng gặp nhiều bà mẹ có con mất sớm. Trong lúc đau buồn nhất, họ đã chấp nhận để y học lấy một phần bộ phận trong thân thể mình con mình để cứu người khác.

Quan niệm của người Việt Nam là muốn toàn vẹn sau khi chết nên số người hiến tạng sau khi chết vẫn còn hạn chế. Ở nước ngoài, người ta hiến rất nhiều vì họ có quan niệm khác Việt Nam. Thế nên nguồn tạng của họ rất phong phú.

Đã có những ca ghép tạng thành công và tôi cảm nhận được sự thành công đó đem đến niềm vui cho người được hiến như thế nào.

Trong tương lai, nếu những bộ phận cơ thể của mình được hiến và ghép cho ai đó, cứu sống họ thì tôi nghĩ như vậy là mình tiếp tục được sống trên cõi đời này. Đó cũng là suy nghĩ ích kỷ, cá nhân của mình (cười).

PV: Người thân của chị có cảm xúc như thế nào với quyết định này của chị?

Nhà báo Phượng Hoàng: Việc này là do tôi tự quyết định. Gia đình tôi chưa ai biết nhưng tôi nghĩ mọi người sẽ ủng hộ. Bạn bè có lo lắng, can ngăn và lo ngại những điều rủi ro.

Nhưng tôi nghĩ đó là những lo lắng do họ quan tâm đến mình mà chưa hiểu hết về ý nghĩa của việc hiến.

Hiện, nguồn tạng của Việt Nam vô cùng khan hiếm nhưng số người đăng ký hiến còn hạn chế Tôi nghĩ nếu chẳng may mình chết mà mình vẫn làm được điều gì tốt thì sao không làm.

PV: Chị có nghĩ là khi về nhà, chị sẽ vấp phải sự phản đối của người thân?

Nhà báo Phượng Hoàng: Tôi nghĩ không ai phản đối vì gia đình mình có suy nghĩ cũng khá hiện đại.

PV: Hôm nay là ngày chị đăng ký hiến tạng và cũng là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có sự lựa chọn nào đó không, thưa chị?

Nhà báo Phượng Hoàng: Hoàn toàn là ngẫu nhiên thôi.

Xin cám ơn chị! Xin chúc mừng chị nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Cách đây không lâu, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bà đã đăng ký hiến tạng từ năm 2013. Bà Tiến chia sẻ:

"Tôi chẳng hề e sợ việc xung phong hiến tạng vì mình theo duy vật biện chứng mà. Gia đình tôi cũng rất ủng hộ.

Việc này là hết sức cần thiết và người dân nên tham gia hành động rất có ý nghĩa này. Vì khi bệnh nhân chết não thì chắc chắn sẽ chết mà đem chôn hay thiêu thì đều trở về cát bụi. Và với tạng được hiến, sẽ có nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo được cứu sống".

Theo Bộ trưởng Tiến, đúng là khi hiến tạng, người nhà có thể buồn nhưng người hiến tạng khi nhắm mắt xuôi tay sẽ cảm thấy ấm lòng vì sự ra đi của mình đã cứu được mạng người khác hay giúp người khác sống khoẻ mạnh hơn.

"Hơn nữa quả tim, thận, đôi mắt… của người thân vẫn đang còn sống ở người được ghép. Lúc đó mắt người thân vẫn nhìn thấy mọi điều, tim vẫn đập. Và chính người thân cũng sẽ vui khi có cảm giác người thân vẫn còn sống.

Thầy thuốc là cầu nối cũng sẽ hạnh phúc khi giúp được bệnh nhân. Người hạnh phúc nhất chính là bệnh nhân được ghép. Và kết quả có tới 4 người hạnh phúc", vị Bộ trưởng này chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại