Hai chân bấm chặt vào con đường bờ đê trơn trượt để gánh trứng trên vai không đổ vỡ, quang gánh với mỗi đầu 300 quả trĩu nặng trên dáng vóc nhỏ bé của cô gái 16 đang độ trăng rằm. Bỏ học từ lớp 5, cũng có lúc cô từng rời xa làng quê đồng ruộng để theo ước mơ làm văn công giải phóng.
Thế nhưng là chị ba, trách nhiệm cùng mẹ gánh vác gia đình lo cho em út khiến cô từ bỏ đam mê là văn công. Từ đó nghề trứng theo cô đến suốt cuộc đời.
Nữ hoàng hột vịt
Sau khoảng chục năm buôn thúng bán bưng, năm 1982, cô quyết định lập vựa trứng ở TP.HCM lấy tên Ba Huân. Năm 1985, vựa trứng Ba Huân được chuyển đổi thành cơ sở thu mua và phân phối trứng, năm 2000 chuyển lên thành doanh nghiệp.
"Cuộc đời tôi gắn với con gà, con vịt và người nông dân. Làm sao hỗ trợ được nhiều nhất cho người nông dân, giúp họ thoát nghèo là giấc mơ của cả đời tôi".
Đó là sau này khi bà Phạm Thị Huân nói về điều mình mong muốn nhất trong cuộc đời mình. Bà là Tổng giám đốc công ty Ba Huân, hiện là một công ty chăn nuôi và chế biến thịt và trứng gia cầm có tiếng tại Việt Nam.
Tháng 2/2017 bà Ba Huân được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam và được mệnh danh là "nữ hoàng hột vịt".
Tròn 1 năm sau, tin vui lại đến với nữ doanh nhân 64 tuổi khi quỹ đầu tư VOF thuộc VinaCapital đầu tư 32,5 triệu USD. Điều đó có nghĩa rằng VinaCapital định giá công ty Ba Huân ở mức gần 200 triệu USD.
Cùng với 4 đại diện đến từ 45 quốc gia, bà Ba Huân còn là đại diện duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng "Nông dân điển hình" của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) khu vực châu Á- Thái Bình Dương trao tặng năm 2016.
Những thành quả này cũng là xứng đáng cho niềm đam mê, kiên trì với ngành nghề duy nhất của bà Huân.
Một công việc đầy vất vả: khi tay phải to để có thể cầm 1 lúc 6 quả trứng, chân to để gánh trứng vững, đôi vai cũng to hơn vì gánh vác nặng. "Cái nghiệp nó vận vào thân" đến độ chỉ cần cầm quả trứng là bà có thể biết được nó đẻ vào lứa thứ mấy của con gà hay lòng đỏ trứng nhiều hay ít.
H5N1: Không chột thì què
Đó là câu nói của bà Ba Huân về giai đoạn khủng hoảng, lao đao của ngành nông nghiệp Việt Nam những năm 2003-2004. "Năm 2003 chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi", bà Huân nhớ lại.
Thời điểm trước Tết âm lịch năm đó, cỡ 20 tháng Chạp, khi các xe chở trứng của Ba Huân tập kết để giao hàng cho các điểm phân phối thì tin dịch H5N1 bùng phát.
Những xe trứng không được lăn bánh, công ty Ba Huân phải tiêu hủy nhiều xe trứng tại Kiên Giang, Long An, An Giang. Theo bà Huân, công ty bà phải tiêu hủy tới 300.000 trứng.
"Tôi khóc, khóc rất nhiều. Chính tự tay tôi tự đốt tiêu hủy trứng. Mà có đem về thì cũng không ai mua", bà Huân ngậm ngùi nhớ lại. Cú sốc H5N1 trong 2 năm này khiến công ty Ba Huân thiệt hại tới 6 tỷ đồng. Nghành kinh doanh bà Huân theo đuổi, ấp ủ mấy chục năm đứng trước bờ vực chông chênh.
Không chỉ dừng lại ở đó, cuộc sống khốn khổ của những người nông dân dựa vào bà cũng bị kéo xuống đáy vực khi vịt chết, trứng chất thối đầy đồng. Bà Huân gom góp được tiền lại cho họ mượn thêm chút ít để sinh sống.
Con đường dễ dàng hơn với bà Huân là dừng lại, nhưng nhìn cảnh nông dân thất bát bà không thể làm ngơ.
Năm 2004, dịch bùng phát lần 2. Trong 1 lần đi Metro, bà Huân chợt thấy siêu thị này nhập trứng Malaysia về bán. Trong khi dịch H5N1 cùng xuất hiện tại nhiều nước, các nước bán được trứng trong khi Việt Nam phải tiêu hủy. Bà nhận ra mấu chốt nằm ở công nghệ, người ta có công nghệ xử lý, diệt khuẩn đối với trứng, còn mình thì chưa.
Cùng thời điểm này tập đoàn Moba của Hà Lan có gửi chào hàng máy diệt khuẩn cho trứng tới một vài doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Ba Huân. Bà Huân quyết định phải tận mắt thấy tai nghe khi đi tham quan mấy nước châu Á rồi châu Âu trước khi quyết định mua dây chuyền máy này.
Quyết định này của bà ban đầu bị gia đình ngăn cản quyết liệt khi giá trị lô máy móc thiết bị tới 650.000 Euro, trong khi công việc kinh doanh điêu đứng.
Sau khi thuyết phục mọi người đồng thuận, bà Huân bán nhà xưởng, kho bãi được 16 tỷ đồng, đồng thời đưa đề án lên sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Long An và nhận được hỗ trợ vào năm 2005.
Thậm chí những người đồng nghiệp còn nói quyết định này của bà là điên khùng khi không dành để đầu tư bất động sản hay gửi ngân hàng. Tuy nhiên điều bà luôn tin tưởng và kiên định là bền vững, tương lai cho cả ngành nông nghiệp, đầu ra có chất lượng cho nông dân và người chăn nuôi.
Vốn là người chất phác, bà Huân chia sẻ thêm với giám đốc kinh doanh Moba rằng bán hết tài sản để đầu tư vào dây chuyền này. Điều bà mong là ông bán cho bà dây chuyền để bà cười chứ đừng để bà khóc.
Vị giám đốc tuy không giảm giá cho dây chuyển nhưng quyết định tăng công suất từ 45.000 trứng/giờ lên tới 60.000 trứng/giờ. 3 năm sau dây chuyền ban đầu hoạt động không đủ công suất. Bà Huân lại tiếp tục vay để đầu thêm dây chuyền với công suất gấp đôi, mức đầu tư lần này là 1 triệu Euro.
Quyết định này của bà Huân góp phần ổn định sản xuất của hàng ngàn hộ chăn nuôi liên kết ở vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Bằng đột phá này Ba Huân đã đưa ngành kinh doanh manh mún thành kinh doanh quy mô.
Năm 2014, Ba Huân đầu tư 360 tỷ đồng, xây dựng nhà máy sản xuất chế biến các sản phẩm có quy mô xử lý khu giết mổ công suất từ 1.500-2.500 đầu gia cầm/giờ và khu chế biến thực phẩm công suất 5-10 tấn thịt/ngày.
Tháng 2/2017, Ba Huân khánh thành nhà máy xử lý trứng tại phía Bắc với tổng vốn đầu tư trên 110 tỷ đồng, công suất xử lý 65.000 trứng/giờ.
Theo số liệu bà Huân tiết lộ, hiện công ty đang cung cấp 1 triệu trứng gia cầm/ngày trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Theo Forbes, con số này chiếm 25% thị phần.
Vào các dịp lễ, Tết cổ truyền doanh nghiệp này ước tính cung ứng 80% trứng muối cho các thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô, Bibica. Năm 2016 doanh thu của Ba Huân đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.