Chị Minh Hồng trong chuyến đi thực địa Yên Bái năm 2021, trong chương trình tư vấn tỉnh thành của AVSE Global - Ảnh: M.H.
Chị là nữ giáo sư người Việt thứ 2 tại Anh, sau giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh ở ĐH London (UCL).
Quyết định rời ĐH Bath để về ĐH Birmingham City đã khiến nhiều đồng nghiệp và học trò của chị bất ngờ. Họ ngạc nhiên vì điều kiện làm việc cũng như danh tiếng của Bath tốt hơn, học trò ở Bath cũng thuộc những gia đình giàu có hơn.
Nhưng chị Hồng có cách nghĩ riêng: "ĐH Birmingham City có nhiều học sinh nghèo, tới 2/3 sinh viên của mình là da màu, mình tin sẽ có cơ hội giúp các em ấy nhiều hơn", chị chia sẻ với Tuổi Trẻ. ĐH Bath vẫn mời chị ở lại với tư cách giáo sư thỉnh giảng.
Chạy hết sức để "kịp chuyến xe đời"
Gần 20 năm trước, khi gửi lại con nhờ ông bà chăm sóc và lên đường sang Anh học chỉ với vỏn vẹn chưa đầy 200 USD trong túi và học bổng chờ đến kỳ được nhận, chị Hồng đã thấm thía con đường sự nghiệp chưa bao giờ trải hoa hồng của nhiều người Việt trong giới học thuật tại nước ngoài như chị.
Vóc người nhỏ bé nên rất hay bị nhầm với... sinh viên, người phụ nữ này lặng lẽ bươn chải và nỗ lực gây dựng sự nghiệp từ xuất phát điểm không nhiều thuận lợi.
Là một phụ nữ châu Á làm việc trong môi trường học thuật cao, nhiều nam giới, với không ít kỳ thị giới tính cũng như chủng tộc, chị đã học được cách tồn tại và khẳng định bản thân bằng việc luôn chịu trách nhiệm với mọi việc của mình, không đổ lỗi cho ai và luôn chủ động nỗ lực dẹp bỏ "cái tôi to đùng" để học hỏi, hợp tác và chấp nhận những khác biệt.
"Tôi có một triết lý sống của bản thân mà tôi gọi là "triết lý xe buýt ". Những năm đi học ở Anh, phương tiện đi lại của tôi là xe buýt. Mùa đông với tôi lúc đó lạnh lắm vì tôi vốn gầy gò. Nhiều khi đang đi bộ tới gần điểm chờ, nhìn thấy xe, phải co giò chạy thật nhanh để kịp chuyến nếu không muốn đứng dưới trời lạnh thêm 30 phút nữa.
Có những lần thấy mình chạy thục mạng, bác tài cũng linh hoạt nán lại chờ thêm. Những lần chạy đuổi theo xe thành công cho tôi một ý niệm về cuộc sống rằng mình hãy cứ nỗ lực hết sức, bằng mọi khả năng có thể của mình, nếu mình còn cố gắng thì mình còn cơ hội", chị chia sẻ.
Chị Minh Hồng (ngoài cùng bên trái) chụp hình lưu niệm cùng đoàn cán bộ Việt Nam sang Anh trong chuyến bồi dưỡng lãnh đạo công (2014) tại ĐH Southampton và gặp gỡ thị trưởng TP Southampton - Ảnh: M.H.
Truyền lửa
Luôn giữ trong lòng ước mong làm gì đó cho cộng đồng nên cuộc "gặp gỡ" với Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) là "điểm chạm". Năm 2019, chị được AVSE Global mời dự sự kiện Người Việt Nam có tầm ảnh hưởng tại Paris.
Từ kết nối này, đồng cảm và chia sẻ với những giá trị vì cộng đồng, chị trở thành giám đốc Mạng lưới giáo dục (EduNet) của AVSE (Education - AVSE Global), đồng hành nhiều hoạt động khác nhau hướng về quê hương.
Từ dự án tư vấn chính sách đầu tiên chị tham gia cùng nhóm chuyên gia AVSE Global cho tỉnh Yên Bái, thuyết phục chính quyền sở tại chọn chỉ số hạnh phúc như một thước đo quan trọng cho sự phát triển của địa phương; cho tới những cuộc tranh luận thú vị và nảy lửa trong dự án Tái thiết miền Trung, với kết quả là một báo cáo có ý nghĩa về giáo dục kết hợp trong thời đại số cho Quảng Trị;
tạo tiền đề cho dự án "Đèn Pin" - Tăng cường năng lực ứng phó thiên tai cho giáo viên và học sinh Hướng Hóa, Quảng Trị - do các bạn cựu sinh Mỹ, thành viên của AVSE Global thực hiện dưới dự tài trợ của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam...
Tất cả cho chị thêm trải nghiệm: Học chưa bao giờ là đủ, khi thấy mình bắt đầu lặp lại những điều mình đã nói thì nên dừng để học cái mới. Dịch COVID-19 làm đảo lộn nhiều kế hoạch hành động hướng về TP.HCM của nhóm tư vấn chính sách tại AVSE Global, nhưng nhóm chuyên gia giáo dục của chị vẫn triển khai thành công một chương trình đặc biệt khác.
Từ khoản ngân sách được tài trợ cho cựu du học sinh tại Úc của Aus4Skill tại Việt Nam, chị Hồng và đồng nghiệp từ EduNet đã bắt tay thực hiện chương trình "Nâng cao năng lực cho giáo viên thời đại mới" (ETUF).
Chương trình ra đời sau khi cả nhóm có một khoảng thời gian dài tìm hiểu sâu về tình hình giáo dục thực tế tại TP.HCM, rồi nhận ra khoảng cách giàu - nghèo ngày càng rõ rệt.
Những gia đình giàu có đang ngày càng có xu thế gửi con ra nước ngoài học nhiều hơn, trong khi môi trường giáo dục trong nước chưa đủ hấp dẫn để thuyết phục và thay đổi quan niệm.
"Chúng tôi tin vai trò của người thầy hiện nay cần thay đổi so với trước đây. Người thầy không phải là những người biết tất cả.
Chúng tôi muốn làm một chương trình để truyền cảm hứng cho các thầy cô giáo tại TP.HCM cũng như cả nước, cùng họ bàn nhiều khía cạnh như đạo đức, sáng tạo và đổi mới, khả năng lãnh đạo, truyền cảm hứng của nhà giáo trong thời đại số đầy biến động của môi trường", giáo sư Hồng chia sẻ.
Dự án với nhiều hoạt động hội thảo trực tiếp kết hợp một số chương trình trực tuyến sẽ kết thúc vào đầu năm 2023. Giáo sư Hồng cũng sẽ về trực tiếp đứng lớp tại TP.HCM trong dự án này vào tháng 11.
Toàn bộ ngân sách được phía Úc đài thọ sẽ dành cho khâu tổ chức và trả một phần thù lao mang tính tượng trưng cho các giảng viên uy tín tham gia chương trình, còn bản thân 4 "nhà tổ chức" đều làm việc không lương, nhưng tất cả đều rất vui vì làm được điều có ý nghĩa.
"Chương trình có giới hạn mà chúng mình thì "tham lam", muốn đưa nhiều nhất những nội dung có thể vào", chị Hồng chia sẻ.
Giáo sư Bùi Thị Minh Hồng có chuyên môn rộng trong khoa học xã hội và nhân văn. Nghiên cứu của chị tập trung vào các mảng tổ chức học tập, cách tiếp cận liên ngành với đổi mới sáng tạo và sự bền vững.
Tạp chí Forbes Việt Nam năm 2021 đã tôn vinh GS Hồng là một trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng của năm 2021. Hiện chị đang theo đuổi niềm đam mê mới với việc phát triển giáo dục quản trị kinh doanh để giúp một xã hội phát triển theo hướng đổi mới, sáng tạo và bền vững hơn.
(Website của Trường kinh doanh ĐH Birmingham City, Anh)