Nữ giáo viên Trần Thị Thuỳ Dương và chia sẻ đặc biệt thú vị dành cho học sinh giỏi Văn

Hoài Anh |

Những chia sẻ về 4 yếu tố giúp học sinh làm bài thi tốt trong kỳ thi học sinh giỏi Văn của cô giáo trẻ này đang nhận được nhiều sự quan tâm trên mạng xã hội.

Trần Thị Thùy Dương là một trong những giáo viên dạy văn thành công nhất trên nền tảng online. Giọng giảng dịu dàng nhưng đầy nội lực, luôn căng tràn tinh thần tích cực và chiều sâu cảm xúc, cô giáo Thùy Dương đã chinh phục gần 100 ngàn học sinh yêu Văn.

Có thể nói, cô Trần Thị Thùy Dương là một giáo viên "số" rất thành công với việc chuyển đổi và mở rộng hình thức giảng dạy sang nền tảng mạng xã hội trực tuyến. 

Nữ giáo viên bắt đầu dạy học online vào đầu năm 2019, quyết định xây dựng kênh bài bản từ khi cả nước thực hiện giãn cách lần 1. Cô Thùy Dương cho biết, bản thân nhận thấy một thực trạng đáng buồn là, quá nhiều em học sinh hàng ngày lên mạng nhưng lại chẳng biết làm gì hữu ích cho bản thân. 

Hơn nữa, việc học qua livestream sẽ mang tới cho các em "làn gió mới", các em có thể nghe lại bài giảng, có thể tương tác với giáo viên để ghi nhớ thông tin hơn. Phương pháp dạy Văn online phần nào giúp các em thấy yêu hơn, say sưa hơn khi nghe giảng. Có nhiều livestream của cô Thùy Dương đạt 5000 học sinh xem trực tiếp, đây là một con số ấn tượng mà nhiều thầy cô "thế hệ số" mơ ước.

Cô giáo dạy Văn online Trần Thị Thuỳ Dương.

Được biết, kế hoạch cũng như mục tiêu sắp tới của cô giáo 9x là phát hành sách ôn thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông và mở CLB Văn học và đời sống ngay khi thành phố hết giãn cách.

Những ngày gần đây, cô Thuỳ Dương còn tiếp tục có những bài chia sẻ thú vị dành riêng cho các thí sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi Văn. Đây đều là những bí quyết được cô giáo trẻ này tích luỹ được trong quá trình giảng dạy và ôn luyện của mình. 

Vấn đề đầu tiên được cô nhắc tới là tư duy viết: "Trong một bài thi học sinh giỏi, tư duy là xương sống để em xây dựng một dàn bài cụ thể. Các em có viết dào dạt câu chữ, có dẫn chứng độc lạ đến mấy mà tư duy của bài viết không sáng, không sắc, thì cũng như nước sơn đẹp trát ngoài gỗ mục. 

Một số cách tư duy điểm nhấn như phản biện, mở rộng vấn đề, liên hệ vấn đề,… sẽ khiến bài viết nổi bật hơn rất nhiều. Ví dụ về việc sử dụng tư duy biện chứng: Hiểu đơn giản, phép biện chứng dùng để chỉ những mối liên hệ, tương tác, vận động và chuyển hoá, phát triển theo quy luật. 

Vận dụng vào cách em tư duy: áp vấn đề vào những mối liên hệ với các đối tượng, sự vận động, chuyển hoá, phát triển của nó trong một phạm trù, địa hạt, hoặc rộng hơn là thế giới văn học. Biện pháp này rất có tác dụng lúc em bí luận điểm, và đặc biệt dễ khai thác và mở rộng ý nếu em biết cách sử dụng chúng. 

Tóm lại là bất cứ vấn đề gì cũng có liên quan đến đối tượng khác hết, mâu thuẫn, phụ thuộc, bàn đẩy... đủ các loại quan hệ để các em khai thác. Với hướng này, em có thể tìm hiểu về tháp nhu cầu Maslow nhé!".

Nữ giáo viên Trần Thị Thuỳ Dương và chia sẻ đặc biệt thú vị dành cho học sinh giỏi Văn - Ảnh 2.

Cô Thuỳ Dương có nhiều bài giảng trực tuyến thu hút lượng lớn sự quan tâm.

Sự sáng tạo là yếu tố cô Thùy Dương đặc biệt nhấn mạnh, theo đó, cô giáo 9x cho rằng: "Giám khảo chấm bài thi của các em là những giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo có tên tuổi và có dấu ấn sự nghiệp. Họ là những chuyên gia trong ngành và luôn muốn nhìn thấy sự sáng tạo, mới mẻ trong bài viết của các em. 

Một bí kíp nho nhỏ mà cô đã áp dụng và hướng dẫn các bạn đã đạt giải để bài viết không đóng khung là thay đổi cấu trúc bài thông thường. Ví dụ, thường thì ta sẽ trình bày luận điểm, mổ xẻ phân tích nó rồi mới đưa dẫn chứng, nhưng cô sẽ đi ngược lại: đưa dẫn chứng trước, rút ra vấn đề rồi mới mổ xẻ. Nhưng đừng làm cả bài như thế nhé, mình chỉ tạo điểm nhấn thôi, một chút thôi!".

Đầy tỉ mẩn và chân thành chia sẻ những bí quyết giúp học sinh chinh phục kỳ thi Học sinh giỏi, cô Thùy Dương còn nhắc tới kỹ thuật xử lý dẫn chứng – một yếu tố vô cùng quan trọng.

"Các em khi lấy bất kì dẫn chứng nào cũng vậy, nếu không nhớ rõ thì không bỏ dấu ngoặc kép, còn không, bắt buộc phải chính xác. Khi đã sử dụng dẫn chứng, mình cần tiếp tục đào sâu dẫn chứng, không ai đi khơi vấn đề ra xong bỏ dở đó cả".

Đối với những bài nghị luận xã hội, cô giáo Thùy Dương khuyến khích học sinh viết bài dưới góc nhìn rộng hơn, xa hơn, cập nhật thực tiễn lại càng hay, càng khiến bài có chiều sâu, lắng đọng và lan tỏa thông điệp nhiều hơn. "Từ một vấn đề nghị luận, nếu các em có thể liên hệ thực tiễn, chuyển hóa chúng thành những bài học của bản thân, thể hiện rõ thái độ, cách hành xử của các em trước vấn đề ấy, thì đó chính là một bài viết được đánh giá cao."

Những chia sẻ hữu ích, giá trị mà cô giáo Trần Thị Thùy Dương gửi tới học sinh trước kỳ thi Học sinh giỏi Văn nói riêng sẽ giúp các em thêm tự tin, thêm động lực hoàn thành tốt bài viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại