Nữ giáo sư vừa được trao giải thưởng Kovalevskaia nói về khả năng của nữ giới với STEM

Trần Hiếu |

GS.TS Lê Minh Thắng vừa được trao Giải thưởng Kovalevskaia về những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo PNVN, GS Lê Minh Thắng cho rằng, khả năng của phụ nữ trong lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) không kém ai.

Trong hơn hai mươi năm giảng dạy, nghiên cứu khoa học, GS.TS Lê Minh Thắng đã có nhiều công trình khoa học về lĩnh vực môi trường. Trong hành trình nghiên cứu, giảng dạy của mình, bà đã được trao nhiều giải thưởng danh tiếng như: Giải Sáng tạo xuất sắc thuộc Giải thưởng Sáng tạo châu Á của Quỹ Toàn cầu Hitachi, Giải thưởng Kovalevskaia...

Nhiều công trình gắn với môi trường

Sau nhiều lần hẹn, GS.TS Lê Minh Thắng (SN 1975), giảng viên bộ môn Công nghệ Hữu cơ - Hoá dầu (Viện Kỹ thuật Hoá học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) mới bố trí được thời gian tiếp chúng tôi. Dù đã gần tối, nhưng GS. Thắng và nhóm nghiên cứu vẫn miệt mài làm việc.

Đến nay, GS. Thắng đã có hàng chục công trình nghiên cứu khoa học về môi trường cùng hơn 100 bài báo khoa học, trong đó một số bài được đánh giá rất cao. Từ năm 2009-2013, GS. Thắng làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu "Tìm kiếm xúc tác mới có hiệu quả để xử lý khí thải xe máy" rất có giá trị ứng dụng thực tiễn.

Chia sẻ về nghiên cứu này, GS. Thắng cho biết, trên thế giới, xúc tác xử lý khí thải động cơ đốt trong đã được nghiên cứu từ lâu và đưa vào ứng dụng rộng rãi. Bộ xúc tác này chế tạo từ kim loại quý Pt, Pd, là những kim loại hiếm và đắt tiền, không phù hợp để áp dụng tại Việt Nam, đặc biệt với các dòng xe máy thông thường, nhiều xe đã sử dụng lâu năm.

Nữ giáo sư vừa được trao giải thưởng Kovalevskaia nói về khả năng của nữ giới với STEM - Ảnh 1.

Đến nay, GS. Thắng đã có hàng chục công trình nghiên cứu khoa học về môi trường cùng hơn 100 bài báo khoa học, trong đó một số bài được đánh giá rất cao.

Vì vậy, GS. Thắng và nhóm nghiên cứu đặt vấn đề nghiên cứu chế tạo những bộ xúc tác từ hỗn hợp oxit kim loại chuyển tiếp để thay thế cho kim loại quý. Xúc tác từ hỗn hợp các oxit kim loại chuyển tiếp có giá thành thấp hơn nhiều, dễ dàng ứng dụng cho các nước đang phát triển như ở Việt Nam, nơi có nhiều xe máy đã qua sử dụng lâu năm, chi phí thấp.

Các xúc tác do GS. Thắng nghiên cứu có giá thành tốt hơn rất nhiều nhưng hiệu quả xử lý tương đương với xúc tác thương mại sử dụng cho xe ô tô và được nhập ngoại.

Chia sẻ về lý do lựa chọn lĩnh vực môi trường làm định hướng nghiên cứu xuyên suốt, GS. Lê Minh Thắng cho biết, môi trường là vấn đề được thế giới rất quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người. Tại Việt Nam, môi trường nói chung, khí thải nói riêng cũng là vấn đề rất "nóng" do có thời gian chúng ta sử dụng nhiều công nghệ thấp. Do đó, các nghiên cứu của bà lựa chọn hướng tới góp phần giảm các khí thải gây hại cho con người và môi trường.

Cứ đi sẽ tìm ra hướng

GS. Lê Minh Thắng từng là sinh viên Viện kỹ thuật Hóa học - trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐH BKHN) năm 1992 - 1997. Tốt nghiệp kỹ sư với tấm bằng giỏi, bà đã lựa chọn làm giảng viên tại trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ cuối năm 1999, bà được trường lựa chọn để tiếp tục nghiên cứu tiến sỹ tại đại học Ghent (Vương quốc Bỉ) từ năm 2000 - 2005.

Nữ giáo sư vừa được trao giải thưởng Kovalevskaia nói về khả năng của nữ giới với STEM - Ảnh 3.

Từ kinh nghiệm và thành tựu của bản thân, GS. Lê Minh Thắng khẳng định, nữ giới có khả năng phát triển nghề nghiệp không kém ai cả, ngay cả trong những công việc mà mọi người nghĩ phù hợp hơn với nam giới.

Về nước đầu năm 2005, bà tiếp tục nghiên cứu về xúc tác hóa dầu với nhiều dự án nghiên cứu trong và ngoài nước. Bà được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 2009, chức danh Giáo sư năm 2019.

Để đạt được những thành công ấy, GS. Lê Minh Thắng cho rằng, có rất nhiều yếu tố. Ví như, sự tạo điều kiện của gia đình, nhà trường nơi công tác, sự may mắn, những thời cơ được nắm bắt, nhưng chủ yếu đến từ nội lực. Quan trọng nhất là quá trình kiên trì nghiên cứu khoa học và những kiến thức nền tảng đã được tích lũy trong quá trình học tập nghiêm túc và nỗ lực.

Bên cạnh đó, là sự rèn luyện phương pháp tư duy và cách tiếp cận vấn đề trong quá trình làm nghiên cứu tỉ mỉ, cẩn thận, không bỏ qua những chi tiết cần chú ý. GS. Thắng chia sẻ, bà từng gặp không ít thất bại. Dù vậy, bà bảo: "Cứ đi sẽ tìm ra hướng. Nhiều khi kết quả nghiên cứu đến một cách tình cờ, nhờ sự quan sát tinh ý".

Mong có chính sách thúc đẩy phụ nữ nghiên cứu khoa học

Từ kinh nghiệm và thành tựu của bản thân, GS. Lê Minh Thắng khẳng định, nữ giới có khả năng phát triển nghề nghiệp không kém ai cả, ngay cả trong những công việc mà mọi người nghĩ phù hợp hơn với nam giới. "Phụ nữ có thể tham gia bất kì lĩnh vực nào miễn là có đủ sự yêu thích, đam mê", GS Thắng nói.

Hiện nay, GS. Lê Minh Thắng là Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức ĐH BKHN. Vì thế, bà luôn động viên nữ giảng viên trẻ và sinh viên trong trường nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp bản thân. Bà thấy rằng, trong các ngành kỹ thuật, số lượng nữ giới thường ít hơn nam. Tuy nhiên, GS. Thắng cho rằng, nữ giới hoàn toàn có thể có năng lực chuyên môn tương đương hoặc thậm chí có thể tốt hơn nam giới.

"Tôi mong nhà khoa học nữ được tạo điều kiện tối đa để làm được công việc của mình, có sự động viên, chia sẻ về chính sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện nghiên cứu. Tôi mong có chính sách thúc đẩy nữ giới tham gia vào lĩnh vực khoa học, như tỷ lệ nữ tham gia đề tài nghiên cứu khoa học là yếu tố điểm cộng khi đánh giá, có thêm các giải thưởng cho nữ khoa học ở các độ tuổi khác nha…", GS. Thắng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại