Nữ giáo sư Harvard bị tố giả mạo dữ liệu nghiên cứu, giới học thuật chấn động

Hạ Khương |

Điều trớ trêu là đề tài vị giáo sư đang nghiên cứu là “sự trung thực”, song cô lại bị cáo buộc gian lận trong việc sử dụng dữ liệu.

Francesca Gino, một giáo sư nổi tiếng của Trường Kinh doanh Harvard (HBS), đã bị cáo buộc làm sai lệch kết quả trong các nghiên cứu về liêm chính khoa học và khoa học hành vi.

Năm 2012, Max Bazerman, giáo sư trường HBS, đã cùng giáo sư Gino xuất bản một bài báo. Tưởng như “quá khứ đã ngủ êm” thì vào ngày 16/6/2023, trên tờ Chronicle of Higher Education, Bazerman tiết lộ chuyện Đại học Harvard phát hiện những kết quả sai lệch trong nghiên cứu của 2 tác giả.

Báo cáo dài 14 trang từ phía Đại học Harvard cung cấp một loạt các bằng chứng về việc làm sai lệch dữ liệu, đồng thời chỉ ra có người cố tình truy cập trái phép vào cơ sở dữ liệu để thay đổi các tệp tin. Giáo sư Bazerman đã phủ nhận mọi nghi vấn về việc giả mạo dữ liệu, ông khẳng định mình không liên quan.

Chỉ một ngày sau đó, một blog có tên Data Colada, được điều hành bởi ba học giả khoa học hành vi, đã xuất bản một loạt bài đăng trình bày chi tiết bằng chứng cụ thể về hành vi gian lận trong bài báo học thuật do Gino đồng tác giả.

Nữ giáo sư Harvard bị tố giả mạo dữ liệu nghiên cứu, giới học thuật chấn động - Ảnh 1.

Giáo sư Francesca Gino

Nữ giáo sư Harvard bị tố giả mạo dữ liệu nghiên cứu, giới học thuật chấn động - Ảnh 2.

Trường Kinh doanh Harvard

Các tác giả blog, Uri Simonsohn của Trường Kinh doanh ESADE, Đại học California, Leif Nelson của Berkeley và Joseph Simmons của Đại học Pennsylvania, đã viết: “Chúng tôi phát hiện ra bằng chứng gian lận trong các bài báo kéo dài hơn một thập kỷ, bao gồm cả các bài báo được xuất bản gần đây (vào năm 2020)”. Vào mùa thu năm 2021, cả 3 người quyết định báo lại việc này với Trường Kinh doanh Harvard, trong đó liệt kê đầy đủ các bằng chứng.

“Chúng tôi hiểu rằng Harvard có quyền truy cập vào nhiều thông tin hơn chúng tôi, bao gồm dữ liệu gốc được thu thập bằng phần mềm khảo sát Qualtrics. Nếu hành vi gian lận được thực hiện bằng cách thu thập dữ liệu trên Qualtrics và sau đó thay đổi các tệp dữ liệu đã tải xuống, thì chỉ cần truy cập dữ liệu gốc trên Qualtrics là sẽ tìm được bằng chứng”, họ nói thêm.

Theo những gì họ biết thì phần dữ liệu gốc trên Qualtrics được Gino tự mình thu thập, không có sự hỗ trợ của ai. Vì vậy, cô nằm trong “diện tình nghi” cao nhất.

Từng là một vị giáo sư được trọng dụng trong giới học thuật

Gino đã xuất bản hơn 100 bài báo học thuật về nhiều chủ đề khác nhau, nhưng phần lớn các nghiên cứu của cô đều tập trung vào chủ đề trung thực, sự liêm chính khoa học. Nhờ tạo dựng được danh tiếng, Gino thường được mời về dạy học cho các giám đốc kinh doanh. Một số đồng nghiệp của cô tại Trường Kinh doanh Harvard có thể kiếm được gần 2 triệu đô hằng năm.

Nữ giáo sư Harvard bị tố giả mạo dữ liệu nghiên cứu, giới học thuật chấn động - Ảnh 4.

Gino là vị giáo sư được tin tưởng trong giới học thuật

Các nghiên cứu của GS Gino đã được nhiều học giả khác trích dẫn hoặc dùng làm tư liệu giảng dạy. Sự kiện này đã làm chấn động giới học thuật vì Gino thường được biết đến như một học giả hàng đầu trong lĩnh vực của cô.

Gino không trả lời trực tiếp về vụ việc mà chỉ đăng lên Linkedin để thông báo rằng cô biết về những lời buộc tội, và đang “xem xét nghiêm túc” để giải quyết vấn đề. Hiện cô đã xin nghỉ phép, chồng của Gino thì trao đổi với tờ New York Times: “Rõ ràng đây là một vấn đề rất nhạy cảm mà chúng tôi không thể trao đổi lúc này”.

Nữ giáo sư Harvard bị tố giả mạo dữ liệu nghiên cứu, giới học thuật chấn động - Ảnh 6.

Diederik Stapel là gương mặt tai tiếng trong giới học thuật

Trước Gino, giới học thuật cũng đã sửng sốt trước các sự việc tương tự, ví dụ như nhà tâm lý học Harvard, Marc Hauser, tác giả cuốn sách Moral Minds: The Nature of Right and Wrong, từng bị phát hiện ngụy tạo dữ liệu.

Nhà tâm lý học Lawrence Sanna của Đại học Michigan, người nghiên cứu về hành vi ra quyết định của con người, đã từ chức sau khi đối mặt với những cáo buộc tương tự.

Nhưng đó vẫn chưa là gì khi so sánh với hành vi của Diederik Stapel - một nhà tâm lý học xã hội người Hà Lan. Khi nghiên cứu về thói ích kỷ và đạo đức, ông đã ngụy tạo dữ liệu ít nhất 50 lần, điều này biến ông trở thành “kẻ lừa đảo lớn nhất trong khoa học hàn lâm”, theo tờ Atlantic.

Nếu cáo buộc được chứng minh là đúng, thì không chỉ danh tiếng trường đại học top đầu bị ảnh hưởng, mà niềm tin của thế giới về các quy trình khoa học sẽ tiếp tục bị lung lay. Hậu quả tiềm ẩn của sự việc rất khó lường trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại