Các thầy cô hiện tại càng ngày càng trẻ trung, bắt trend. Sự trẻ trung ấy không chỉ dừng lại ở cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói mà cách giảng dạy và tiếp cận với học trò của họ cũng có nhiều thay đổi so với trước. Vậy nên, sẽ chẳng có gì bất ngờ khi bạn thấy các thầy cô “chơi” và cập nhật TikTok, Facebook cực kỳ nhanh, có khi còn vượt cả sinh viên. Chính sự “hòa nhập nhưng không hòa tan” này giúp xóa bỏ nhiều khoảng cách vô hình giữa thầy và trò.
Và nhắc đến thầy cô trẻ trung, thì cô Nghiêm Bảo Anh (SN 1991) - giảng viên Đại học RMIT có thể nói chính là một đại diện điển hình. Trước khi dừng chân tại RMIT, cô Bảo Anh từng có hơn 13 năm kinh nghiệm giảng dạy tại Học viện Ngoại giao và Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô là chủ một kênh TikTok nho nhỏ, là CEO một trung tâm tiếng Anh, đồng thời còn là cố vấn Marketing cho nhiều khu nghỉ dưỡng và khách sạn tại Việt Nam.
Vậy ở nữ giảng viên này có gì đặc biệt mà ai từng xem kênh TikTok của cô hoặc từng học cô đều phải gật gù cô có “vibe” cực kỳ hợp với Gen Z?
Cô Bảo Anh được nhận xét có “vibe” cực kỳ hợp với Gen Z.
Đi một vòng tròn để rồi trở lại RMIT
Cô Bảo Anh từng là sinh viên ngành Thương Mại - Marketing tại trường Đại học RMIT. Tốt nghiệp RMIT vào năm 22 tuổi, cô Bảo Anh ngay sau đó thi đỗ và giảng dạy tại khoa tiếng Anh, Học viện Ngoại giao (DAV). Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, cô Bảo Anh được cất nhắc đứng lớp chính môn Tiếng Anh chuyên ngành - môn học được coi là nỗi ám ảnh của sinh viên DAV. Thời điểm đó, cô Bảo Anh chỉ hơn sinh viên khóa đầu tiên của mình (sinh năm 1994) khoảng 3 tuổi, nhiều người còn nhận nhầm cô là sinh viên.
Mới chập chững bước vào nghề, cô Bảo Anh vẫn chưa có nhiều bản lĩnh cùng kinh nghiệm giảng dạy như hiện tại, nhưng với sức trẻ và sự nhiệt huyết, cô đã dần chinh phục các bạn sinh viên. Cứ thế, cô Bảo Anh gắn bó với DAV trong suốt hơn 10 năm.
Sau đó, cô Bảo Anh chuyển công tác qua trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tuy nhiên, nữ giảng viên vẫn luôn nuôi ước mơ được giảng dạy tại “nơi tình yêu bắt đầu”, đó chính là tại Đại học RMIT. Sau 5 năm không ngừng phấn đấu, vào năm 2022, cuối cùng cô đã trở thành giảng viên khoa Digital Marketing của Đại học RMIT (Hà Nội).
Để vào giảng dạy tại Đại học RMIT, cô Bảo Anh đã phải trải qua 7 vòng thi tuyển của trường, bao gồm: (1) Nộp hồ sơ; (2) Phỏng vấn với bộ phận nhân sự; (3) Phỏng vấn với trưởng bộ môn; (4) Thi chuẩn tiếng Anh đầu vào; (5) Kiểm tra “Reference letter” (thư giới thiệu, trong đó một người đánh giá kỹ năng và năng lực của người khác, thường là theo hướng tích cực) của các trường từng học và từng làm việc; (6) Phỏng vấn với trường khoa; (7) Dạy thử.
Từ sinh viên Đại học RMIT, rồi lại trở thành giảng viên của chính ngôi trường này, cô Bảo Anh đã đi hết một vòng tròn rồi tìm lại được “destiny”. Kỳ giảng dạy đầu tiên tại RMIT vào năm 2022, cô Bảo Anh được phân công nhiệm vụ đón sinh viên sinh năm 2004. Dù đã có hơn chục năm theo nghề cầm phấn, nhưng nữ giảng viên vẫn luôn háo hức mỗi lần được đón tân sinh viên. Theo cô, các bạn tân sinh viên giống như những trang giấy trắng, với đầy sự háo hức, thêm vào đó là lo lắng, hồi hộp khi bước cánh cổng đại học. Lúc đó, cô đã hết lòng để lắng nghe và đưa ra lời khuyên cho các bạn, để các bạn có sự chuẩn bị tốt nhất cho những kỳ học đầu tiên.
Từng giảng dạy tại 3 trường đại học lớn, cô Bảo Anh thừa nhận mỗi trường đại học lại có đặc trưng riêng, nhưng xét về sinh viên RMIT theo quan điểm cá nhân, các bạn đa phần có cá tính mạnh và sự tự tin vào bản thân. Sinh viên RMIT không ngại bày tỏ quan điểm của bản thân. Có những quan điểm các bạn sẽ đúng, nhưng cũng có quan điểm chưa được tròn trịa, nhưng chính điều đó buộc giảng viên phải lắng nghe và trau dồi bản thân cả về kiến thức, kỹ năng sư phạm và cả những sự thay đổi liên tục của thời đại để có thể đưa ra những bài giảng thuyết phục.
Ở một góc nhìn khác, RMIT từ trước đến nay được biết đến là trường đại học có học phí đắt đỏ nhất nhì Việt Nam. Cũng chính là thế mà mức thu nhập mà nhà trường dành cho giảng viên cũng tương đối hấp dẫn. Nữ giảng viên tiết lộ, mức lương của giảng viên RMIT khá cao phù hợp với năng lực, học hàm - học vị, và kinh nghiệm thực tế của từng cá nhân.
Cụ thể, giảng viên sẽ được trả lương không chỉ tính theo giờ giảng, mà còn cả thời gian chuẩn bị bài và tương tác với sinh viên. Theo góc nhìn cá nhân, cô Bảo Anh cho rằng mức đãi ngộ của RMIT khá hấp dẫn, tạo được động lực cho giảng viên trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên ngành và đổi mới phương pháp giảng dạy.
Muốn trò thay đổi, thầy cũng phải thay đổi
Có kinh nghiệm 13 năm giảng dạy tại 3 trường đại học lớn, cô Bảo Anh đã đào tạo ra nhiều lứa sinh viên ở cả thế hệ Gen Y và Gen Z. Trong quá trình đó, nữ giảng viên nhận ra được nhiều sự khác biệt giữa 2 thế hệ sinh viên này.
Các bạn sinh viên Gen Y thường có sự “đằm”, mộc mạc và khả năng lắng nghe khá tốt. Trong khi đó, các sinh viên thế hệ mới đem lại nguồn năng lượng mới, tính chủ động và sự tự tin. Các bạn đã có cơ hội phát huy nhiều năng lực vượt trội của mình từ khi còn học cấp 3. Điều này vô hình trung tạo ra áp lực lên người giảng, tức là trò thay đổi thì thầy cũng phải thay đổi. Thầy cô vì thế phải không ngừng học hỏi để cung cấp những bài giảng, những kiến thức chất lượng, hợp xu thế cho sinh viên.
Thấu hiểu điều đó, cô Bảo Anh luôn tìm mọi cách để thấu hiểu sinh viên của mình, trong đó có sử dụng TikTok. Dù lượng follow TikTok hiện tại của cô “nhỏ nhỏ, bé bé, xinh xinh”, nhưng mục đích cô Bảo Anh đến với mạng xã hội này lại “lớn lao” hơn nhiều.
TikTok là mạng xã hội mà các bạn trẻ dành nhiều thời gian nhất. Qua việc sử dụng nền tảng mạng xã hội này, cô Bảo Anh muốn xây dựng hình ảnh cá nhân của mình - một người giảng viên trẻ, có chuyên môn cao nhưng cũng rất gần gũivới sinh viên, ngoài ra cô Bảo Anh cũng muốn hiểu hơn về những xu hướng đang thịnh hành, những “chiếc trend” mà giới trẻ đang “đu”... để từ đó lồng ghép vào bài giảng, đem lại sự hứng thú cho người học. Đặc biệt, cô Bảo Anh luôn mong muốn đưa nhiều chất liệu thực tế vào trong bài giảng. Những chất liệu thực tế đó được cô “chắt lọc” trong quá trình làm CEO tại trung tâm tiếng Anh, làm quản lý cho các công ty hoặc đơn giản hơn là trong quá trình sử dụng mạng xã hội.
“Hiện nay, khoảng cách rất rộng giữa thầy và trò dường như đang gần thu hẹp lại. Đương nhiên, thầy vẫn là thầy và trò vẫn là trò, song sự gần gũi trong phạm vi cho phép khiến giữa thầy cô và sinh viên giúp cho hiệu quả học tập cao hơn.
Nếu như trước kia, không phải đánh đồng tất cả, nhưng khi sinh viên tiếp cận với giảng viên thường khá khép nép, nhưng hiện nay các thầy cô cởi mở trên mạng xã hội. Chính sự cởi mở này giúp cho học sinh, sinh viên hiểu hơn về cá tính và phong cách giảng dạy của người thầy, sự lo âu của các em cũng sẽ giảm đi. Mạng xã hội là cầu nối giúp giảng viên xây dựng hình ảnh cá nhân, tiếp cận các bạn sinh viên một cách hiệu quả.”, nữ giảng viên nói.
Với sinh viên, cô Bảo Anh là một người nhiều năng lượng, lúc nào cũng sôi nổi và hoạt bát để “truyền lửa” cho sinh viên. Nhưng ở một góc độ nào đó, cô Bảo Anh là một người vô cùng nghiêm khắc. Thậm chí, nhiều người còn nói đùa rằng cô họ “Nghiêm” nên không nghiêm mới lạ.
Và những khía cạnh khác…
Mỗi chúng ta khi đến với cuộc sống này đều đóng nhiều vai trò khác nhau. Trong trường hợp của mình, cô Bảo Anh cũng tự nhận mình có nhiều vai như thế. Trên trường là “người thầy” đầy năng lượng, khi xông pha vào thương trường thì lại là một “người sếp” bản lĩnh, còn khi về nhà là “người mẹ”, “người vợ” đảm đang. Phải cùng lúc giữ vai trò khác nhau, nhưng cô Bảo Anh ít khi nào cảm thấy bị “burn out” bởi cô có khả năng cân bằng mọi thứ khá tốt.
“Việc cân bằng mọi thứ khá tốt, một phần có thể là do mình đi làm từ khá sớm. Năm 20 tuổi, mình đã bắt đầu công việc đầu tiên, là thực tập sinh phòng Marketing của công ty tổ chức sự kiện. Việc đi làm sớm, tức là những khó khăn, vất vả tuổi trẻ mình đã ‘gánh’ hết rồi. Khi bắt đầu có em bé ở năm 30 tuổi, sự nghiệp tương đối chắc chắn, thì lúc đó mình không cần phải ôm đồm quá nhiều thứ, vì mình có nhân viên và mọi người cùng chung tay hỗ trợ”.
Khi được hỏi về bí quyết “work-life balance”, cô Bảo Anh chia sẻ thật khó để tìm ra một điểm cân bằng trong cùng một thời điểm, mà do chúng ta lựa chọn rằng ở thời điểm nào chúng ta ưu tiên cái gì và tập trung cho cái đó. Đương nhiên, những thứ khác phải cũng bớt đi, để tạo sự cân bằng.
Trong trường hợp của mình, từ năm 20 - 27 tuổi, cô Bảo Anh nỗ lực không ngừng nghỉ cho học tập và công việc. Sau đó, cô Bảo Anh lập gia đình vào năm 28 tuổi và có em bé vào năm 30 tuổi. Công việc vẫn sẽ tiếp diễn, mình vẫn phấn đấu không ngừng, nhưng mình buộc phải chấp nhận là khi có gia đình, mình không thể dành hết thời gian, tâm trí và sức lực cho công việc như trước, giai đoạn này mình ưu tiên cho gia đình.
“Sự kỳ vọng - tham vọng của mỗi người trong cuộc sống, sẽ quyết định sự ưu tiên của các yếu tố, nên tóm gọn lại cần phải sắp xếp sự ưu tiên cho từng thời điểm khác nhau để thiết lập điểm cân bằng cho riêng mình”.
Dù đảm nhận nhiều vị trí khác nhau, nhưng cô Bảo Anh luôn cảm thấy tự hào nhất khi được mọi người nhớ đến vai trò là một cô giáo. “Bố mẹ mình luôn dạy rằng có nhiều công việc kiếm ra tiền, nhưng khi trở thành giáo viên, ngoài việc có thể kiếm ra tiền để nuôi sống chính mình, mình còn đang giúp cho người khác. Đấy chính là điều đáng quý”.
Ảnh: NVCC