Chị Thuận cho biết, trang phục của chị phần lớn là hàng hiệu nhưng cứ mặc được một thời gian là vùng vải dưới cánh tay sẽ bị ố vàng. Chị Thuận chia sẻ, chị mắc chứng tăng tiết mồ hôi nách từ khi học trung học. Chị luôn bị ra mồ hôi nhiều tới mức ướt đẫm áo. Vào mùa nắng nóng, chị Thuận càng tự ti vì luôn có cảm giác "mồ hôi đổ ra như đang tắm". Do vậy, mỗi khi ra ngoài, chị đều phải mang theo áo dự phòng.
Dù đã áp dụng nhiều biện pháp như thoa dung dịch thấm hút mồ hôi, uống thuốc kháng cholinergic nhưng tình trạng tăng tiết mồ hôi của chị Thuận không mấy cải thiện. Thậm chí, chị còn gặp phải các biến chứng như hoại tử, viêm tắc tuyến mồ hôi, viêm da, nhiễm trùng...
Tương tự trường hợp của chị Thuận, anh Bằng (*) (31 tuổi, ngụ Q.12, TP HCM) đã mắc chứng đổ mồ hôi tay cách đây đã 10 năm. Hai bàn tay anh luôn ở trạng thái ẩm ướt. Điều này khiến cho anh Bằng khó khăn khi cầm bút, gõ máy tính, thậm chí không dám bắt tay với khách hàng.
Khoảng 2 năm gần đây, tình trạng ra mồ hôi tay của anh Bằng ngày càng nặng nề khiến anh không dám chơi tennis, cầu lông vì chỉ được một lúc là dây quấn vợt ướt đẫm. Trời nóng, anh luôn bật điều hòa 24/24 để tay đỡ tiết mồ hôi.
Điều trị tăng tiết mồ hôi bằng cách nào?
BSCKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, tăng tiết mồ hôi là rối loạn khá thường gặp. Đây là tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều dù trời không nóng, bệnh nhân không căng thẳng hay vận động quá sức. Những vùng trên cơ thể thường tiết nhiều mồ hôi là nách, bàn tay và bàn chân.
Hoạt động tiết mồ hôi chịu sự chi phối của hạch giao cảm (các dây thần kinh của hệ thần kinh giao cảm). Khi hạch này hoạt động hưng phấn quá mức sẽ khiến cho tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn và gây ra chứng tăng tiết mồ hôi.
Hệ thần kinh giao cảm là một mạng lưới các dây thần kinh giúp cơ thể kích hoạt phản ứng với các tình huống nguy hiểm hoặc căng thẳng. Trong những tình huống này, hệ thần kinh giao cảm sẽ kích hoạt để tăng nhịp tim, cung cấp nhiều máu hơn đến các vùng cơ thể cần nhiều oxy, tiết mồ hôi quá mức…
Ở trường hợp chị Thuận và anh Bằng, cả hai đã áp dụng nhiều biện pháp nội khoa nhưng chỉ cải thiện tình trạng tạm thời. Muốn giải quyết triệt để chứng đổ mồ hôi tay/nách, bệnh nhân cần phẫu thuật nội soi cắt hạch giao cảm, đồng nghĩa với "tắt tín hiệu" cho các hạch giao cảm không tiết mồ hôi nữa.
Bệnh nhân Thuận và Bằng sau đó đã được tiến hành phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm. Sau phẫu thuật, hai tay anh Bằng khô ráo, anh không còn phải mang kè kè bịch khăn giấy theo người. Còn chị Thuận mất hoàn toàn cảm giác khó chịu vùng dưới cánh tay. Chị chia sẻ, giờ chị có thể mặc bộ đồ trắng đã cất tủ nhiểu năm nay.
ThS.BSCKI Phan Vũ Hồng Hải, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, tình trạng tăng tiết mồ hôi tuy không nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái khiến nhiều người tự ti, ngại giao tiếp, sống khép kín. Không chỉ vậy, những vùng da kín như bàn chân, nách, bẹn… thường xuyên bị ẩm ướt còn tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm nấm, gây mùi khó chịu.
Ngoài điều trị ngoại khoa, bệnh nhân bị tăng tiết mồ hôi cần kết hợp thay đổi thói quen sinh hoạt như:
- Mặc trang phục rộng rãi, thoáng mát, chọn chất liệu vải nhẹ, thoáng khí như cotton, lụa…;
- Mang theo áo dự phòng nếu tập thể dục hoặc di chuyển ngoài trời nắng nóng;
- Mang loại tất có khả năng hút ẩm tốt;
- Tắm xà phòng diệt khuẩn;
- Hạn chế thực phẩm cay, đồ uống có cồn, caffeine...
(* )Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.