Đối với sinh viên Việt Nam nói riêng, và sinh viên quốc tế nói chung, Pháp là một vùng đất hứa nơi ta bắt gặp một rừng cây khổng lồ: cây ngoại ngữ, cây văn hoá - du lịch, cây trải nghiệm và hơn cả là cây tri thức. Hẳn là những ai quan tâm và có dự định chọn nước Pháp là điểm dừng chân tiếp theo trên con đường học vấn của mình thì ngoài việc tìm hiểu những điều cần biết khi đi du học thì chắc chắn bạn còn muốn tìm hiểu rõ hơn về vấn đề chi phí sinh hoạt tại đây nữa đó.
Mới đây, trên MXH TikTok xuất hiện video của một bạn du học sinh Pháp chia sẻ về chi phí sinh hoạt 1 tháng tại "đất nước ánh sáng" này. Điều khiến ai cũng ngạc nhiên đó là đời sống du học của cô bạn này "giản dị" tới mức khi tiết lộ tổng số tiền chi tiêu đều làm cho CĐM ngỡ ngàng bật ngửa.
Chi phí sinh hoạt 1 tháng của cô bạn du học sinh Pháp khiến ai nấy đều ngạc nhiên (Nguồn: @christiane.lee)
Được biết, trong video cô nàng đã liệt kê các khoản chi phí của mình bao gồm: tiền thuê nhà 10 triệu/tháng; tiền ăn uống 1,5 triệu/tháng; tiền điện thoại 260k/tháng; tiền học miễn phí chỉ đóng phí ghi danh cho cả năm là 4,5 triệu; tiền đóng cho đời sống sinh viên và cơ sở vật chất của trường 2,5 triệu/ năm; phí thẻ ngân hàng 150k/tháng. Nếu tính tổng ra thì trừ tiền nhà cố định, cả 1 tháng cô bạn này chỉ mất thêm có 4,5 triệu VNĐ cho tất cả các khoản chi tiêu khác.
Những khoản chi tiêu mà cô bạn liệt kê trong video
Đi du học là một thử thách của mỗi học sinh, sinh viên khi rời bỏ những thứ quen thuộc và đối mặt với những điều không thể biết trước được, đặc biệt là vấn đề chi phí sinh hoạt. Bởi ai cũng biết thì chi phí du học không hề rẻ chút nào, vậy nên khi cô bạn này tiết lộ mức chi tiêu tiết kiệm và vẫn hợp lý với mức sống đắt đỏ ở nước ngoài như vậy thì đều khiến nhiều người tò mò xem nữ TikToker này đã làm bằng cách nào?
Liên hệ với chủ nhân của video, cô bạn Lê Hoàng Nhi (22 tuổi) hiện đang là cử nhân ngành Kinh doanh Quốc tế trường Đại học RMIT và cũng là cử nhân Kinh tế và Quản lý tại trường đại học Lumière Lyon 2 ở Pháp cho biết: "Về mức chi tiêu của bản thân mình ở Pháp thì về cơ bản mình thấy khá rẻ.
Vì mình không mất tiền học phí nên cũng đã giảm đi được một khoản khá lớn rồi. Hàng tháng thì chủ yếu sẽ phải trả tiền nhà khoảng 465 Euro (hơn 11 triệu NVĐ); khoản tiền dịch vụ điện thoại 9,90 Euro (hơn 240k), tiền thẻ di chuyển với phương tiện công cộng 25 Euro (609k), tiền đi chợ...
Bản thân mình không phải một người hay đi chơi đi ăn hàng ở ngoài nên việc cân bằng mức chi tiêu không phải là 1 vấn đề với mình. Vậy nên ngoài những chi phí cố định hàng tháng ra thì hầu như mình không có phát sinh thêm những khoản tiền nào hết".
Lê Hoàng Nhi hiện đang là cử nhân Kinh tế và Quản lý tại trường đại học Lumière Lyon 2 ở Pháp
Hoàng Nhi cũng tiết lộ thêm trong khoảng thời gian ở Pháp cô bạn có đi làm thêm ở quán Châu Á để trang trải thêm chi phí sinh hoạt bên này. "1 tuần mình sẽ làm khoảng từ 8-10 giờ và lương hàng tháng sẽ là khoảng 300 Euro (hơn 7 triệu VNĐ) và mình nhận lương smic - lương tối thiểu ở Pháp là khoảng 8 Euro/tiếng", cô bạn nói.
Hoàng Nhi tiết lộ không tiêu vào những khoản không "cần thiết" đối với bản thân
Ngoài ra cô bạn cũng chia sẻ thêm về mức sống ở Pháp thì mỗi thành phố sự đắt đỏ sẽ dao động không đáng kể.
"Ví dụ như bạn sống ở Paris thì tiền thuê nhà hàng tháng trung bình sẽ cao hơn so với ở Lyon, và các loại phí khác cũng vậy. Đối với mình thì mức chi tiêu như vậy cũng không quá ít, mình chỉ đơn giản là không shopping mua sắm, không ăn ngoài, không đi bar club, không tiêu những gì mà không phải là 'cần thiết' đối với mình.
Một điều nữa mình không nhắc tới trong video chia sẻ chi phí sống ở Pháp của mình là du lịch. Trong 3 năm học ở Pháp mình cũng có đi du lịch ở rất nhiều nơi trong những dịp nghỉ lễ. Và tiền đi du lịch cũng thường sẽ là tiền mình tự đi làm thêm và săn vé giá rẻ. Mình nghĩ đó cũng là 1 trong những lợi ích của đi du học nói chung và du học Pháp - châu Âu nói riêng đó là được trải nghiệm du lịch rất nhiều đất nước khác nhau".
Từ câu chuyện chi phí sinh hoạt của cô bạn du học sinh trên, mỗi bạn học sinh, sinh viên nên học cách quản lý chi tiêu của bản thân thật tốt, tránh tiêu xài hoang phí để có thể đảm bảo được việc học tập của mình đạt được hiệu quả tốt nhất.
Ảnh: NVCC