Cách đây khoảng 2 năm, bà Nguyễn Thị Hường (Tư Hường) qua đời khiến không ít người thương tiếc. Nữ doanh nhân Tư Hường được biết đến là một trong những người giàu có và quyền lực nhất Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng, nhiều người trong giới kinh doanh đều phải kính nể.
Từ 2 bàn tay trắng, bà Tư Hường đã từng bước xây dựng nên “đế chế” kinh doanh hùng mạnh, với những khối tài sản, bất động sản trải dài ở nhiều tỉnh thành cả nước. Bà Tư Hường được coi là nhân vật quyết đoán, hiếm có trong lĩnh vực kinh tế trong nước.
Hai bàn tay trắng đến những thương vụ chục triệu USD
Bà Tư Hường được sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định năm 1936. Người phụ nữ này lớn lên phải chạy vạy đủ thứ nghề để kiếm sống lo cho bản thân và phụ giúp gia đình.
"Tôi học không hết lớp 5, phải đi ở, rồi đi học may, học nhuộm quần áo, đi bán hàng, từng bước đi lên", người phụ nữ trong một lần hiếm hoi chia sẻ với truyền thông.
Bước ngoặt đột phá trong kinh doanh của bà Tư Hường diễn ra khi đất nước mở cửa, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài. Bà nhanh chóng chớp cơ hội, thành lập công ty, xin cấp giấy phép kinh doanh một số ngành hàng, sau đó bán cho nước ngoài. Đặc biệt, bà là một trong những người tiên phong trong các thương vụ sang nhượng công ty nổi tiếng.
Chân dung bà Nguyễn Thị Hường (Tư Hường).
Cuộc sống dần ổn định hơn khi mà bà lấy chồng rồi lần lượt sinh 10 người con, 3 trai, 7 gái. Đến năm 1975, 5 người con ra nước ngoài định cư. Bà Tư Hường vẫn cùng chồng ở lại Việt Nam để mở rộng sự nghiệp.
Cũng trong thời gian lập gia đình, bà Tư Hường bắt đầu làm công nghiệp và lao vào lĩnh vực bất động sản. Ở độ tuổi 43, người phụ nữ này quyết định đưa cả gia đình chuyển vào Sài Gòn để làm ăn. Năm 1982, bà mở đại lý cung ứng thủy sản của Tổng công ty Thủy sản Seaprodex.
Đến năm 1991, bà thành lập Công ty TNHH Sơn Hải tại Gia Lai, chuyên khai thác, kinh doanh các mặt hàng quý hiếm như gỗ và trầm hương... Hai năm sau, bà Tư Hường sáng lập và làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàn Cầu với số vốn điều lệ 193 tỷ đồng...
Tuy nhiên, nhắc tới bà Tư Hường, người ta phải nói đến 2 thương vụ thu lời hàng chục triệu USD. Bởi giai đoạn này nhà nước mới mở cửa kinh tế, các thủ tục hành chính nhiều rắc rối khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn cách mua lại những công ty có sẵn thay vì xây dựng từ đầu.
Phi vụ đầu tiên của bà Tư Hường là đầu tư xây nhà máy bia ở Khánh Hòa với 45% phần vốn, chính quyền địa phương góp phần còn lại bằng đất đai. Sau vài năm, bà bán lại nhà máy cho hãng San Miguel với giá 24 triệu USD, lãi khoảng 5 triệu USD.
Ít lâu sau, bà xây dựng nhà máy Sài Gòn Cola ở quận Thủ Đức (TP HCM) sau đó chuyển nhượng lại cho Coca Cola với giá 15 triệu USD. Cũng với chiến lược trên, bà xây dựng và bán nhà máy cho hãng nước tăng lực Lipovitan với giá khoảng 17 triệu USD.
Bà trùm yến sào
Ngoài hoạt động mạnh trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng, bà Tư Hường nổi tiếng là một doanh nhân kinh doanh yến sào ở Khánh Hòa. Sau khi vững vàng tài chính sau những phi vụ bất động sản, bà Tư Hường chấp nhận đấu thầu, chi trả một lần các khoản phí trong 5 năm cho công ty yến sào Khánh Hòa.
Trong 15 năm từ năm 1994 đến năm 2009, bà Tư Hường mua toàn bộ sản lượng yến sào của tỉnh Khánh Hòa. Mỗi năm, nữ đại gia này thu mua của tỉnh Khánh Hòa ít nhất 2.000kg yến sào.
Chỉ riêng giai đoạn 2005 - 2009, bà Tư Hường mua yến sào của tỉnh Khánh Hòa với giá 1.266 USD/kg, trả trước cho tỉnh gần 13 triệu USD. Sau này, yến sào Khánh Hòa được bán đấu giá, bà Tư Hường không thu mua nữa.
Ông Nguyễn Chấn tố cáo con trai lạm dụng chiếm đoạt tài sản ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng. (Ảnh: V.D)
Sau hàng chục năm hoạt động và phát triển, Tập đoàn Hoàn Cầu đã có vốn điều lệ nghàn tỷ đồng cùng hàng chục công ty thành viên, 5.000 nhân sự trên khắp cả nước và trải dài trong các hoạt động từ tài chính – Ngân hàng tới Bất động sản với hàng loạt các dự án nổi tiếng.
Những dự án lớn của tập đoàn Hoàn Cầu là Khu nghỉ dưỡng Diamond Bay City và Nha Trang Center, dự án chung cư cao cấp Cantavil Hoàn Cầu ở TP HCM, trường Đại học Quang Trung (Bình Định), Đà Lạt Palace Golf Club (Lâm Đồng)...
Ngoài ra, Tập đoàn Hoàn Cầu của gia đình bà Tư Hường được xếp vào hàng uy tín hàng đầu về việc tổ chức các sự kiện, đây cũng là nhà tổ chức đầu tiên của cuộc thi danh giá Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) tại Việt Nam và mời được ca sĩ Lady Gaga đến biểu diễn vào năm 2008.
Chỉ với sự kiện này, bà Tư Hường và gia đình đã đầu tư 65 triệu USD đầu tư vào khu nghỉ dưỡng Diamond Bay ở Sông Lô (xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang) và các hoạt động khác của sự kiện. Nói về khu nghỉ dưỡng Diamond Bay, hồi năm 2001, công ty Hoàn Cầu được giao hơn 180 ha đất để thực hiện dự án này, sau đó phát triển lên đến 250 ha.
Dự án Diamond Bay được hoàn thành gấp rút chỉ trong 6 tháng để kịp tiến độ tổ chức sự kiện. Hiện dự án này vẫn đang tiếp tục được mở rộng bao gồm 15 resorts, hơn 15.000 phòng khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng và 4.000 biệt thự trên biển cùng nhiều hạng mục
"Lùm xùm" tranh chấp tài sản tại Ngân hàng Nam Á
Còn Ngân hàng Nam Á được bà Tư Hường mua cổ phần từ năm 1995 - chỉ 2 năm sau khi thành lập Tập đoàn Hoàn Cầu. Không trực tiếp điều hành nhưng doanh nhân gốc Bình Định với vai trò cố vấn cấp cao là người góp công lớn đưa ngân hàng này từ vốn điều lệ 5 tỷ đồng lên hơn 3.353 tỷ đồng.
Cơ cấu sở hữu của bà Tư Hường và những người liên quan trong gia đình biến động mạnh qua từng giai đoạn. Trong bản cáo bạch chào bán cổ phiếu ra công chúng của Ngân hàng Nam Á vào năm 2007, bà Tư Hường là cổ đông lớn thứ ba với tỷ lệ sở hữu 13,09%.
Ông Nguyễn Chấn (chồng bà Tư Hường) và con trai Nguyễn Quốc Mỹ cũng là cổ đông lớn nắm giữ lần lượt 5,14% và 7,31% vốn cổ phần. Tuy nhiên, sau đó cơ cấu này có sự thay đổi, cổ phần của bà Tư Hường, ông Nguyễn Chấn đều giảm mạnh.
Ngân hàng Nam Á phát đi thông báo cho rằng tranh chấp giữa các cổ đông (nếu có) chỉ là quan hệ dân sự.
Hiện nay, gia đình bà Hường tập trung kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản (tập đoàn Hoàn Cầu) và ngân hàng (Ngân hàng cổ phần Nam Á). Riêng Ngân hàng cổ phần Nam Á, ông Nguyễn Quốc Toàn (48 tuổi, con trai bà Tư Hường), người hiện đang giữ vai trò Chủ tịch HĐQT, điều hành mọi hoạt động của nhà băng này.
Ngày 16/3, Ngân hàng Nam Á đã phát đi thông báo thể hiện, thời gian qua, có nhiều thông tin liên quan đến các tranh chấp cổ phần, cổ phiếu giữa các cổ đông của ngân hàng.
"Các tranh chấp trên (nếu có) hoàn toàn là các quan hệ dân sự giữa cổ đông, không liên quan đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng - một công ty đại chúng hoạt động công khai, minh bạch và tuân thủ tuyệt đối các quy định pháp luật hiện hành", lãnh đạo ngân hàng khẳng định.
Trong buổi họp báo mới đây, ông Nguyễn Chấn trình bày rằng, vào giữa năm 2016, bà Tư Hường bệnh nên có giao cho con là Nguyễn Quốc Toàn quản lý ngân hàng và Tập đoàn Hoàn Cầu, nhưng quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về vợ chồng ông.
Theo ông Chấn, con trai ông đã lạm dụng sự tín nhiệm của gia đình, và cấu kết cùng một số cá nhân chiếm giữ hết tài sản của hai vợ chồng, ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng. Số tài sản này gồm: cổ phiếu do Ngân hàng Nam Á phát hành, cổ phần tại các công ty trong hệ thống Tập đoàn Hoàn Cầu, các khoản đầu tư vào doanh nghiệp...
Theo ông Chấn, ngày 25/7/2018, một số người đột nhập bất hợp pháp vào nơi cư trú của ông tại đường Võ Văn Tần (quận 3), mở tủ két sắt của gia đình do ông trực tiếp quản lý, tiếp tục lấy đi nhiều hồ sơ pháp lý, giấy tờ chứng minh tài sản của vợ chồng ông.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ông cho biết đã trình báo sự việc bị mất cắp các tài liệu trong két sắt lên Công an phường 6, quận 3, TP HCM.