Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, từ năm 1994 đến năm 2000, Mai làm tiếp viên của Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines trên các chuyến bay quốc tế. Mai biết pháp luật Hong Kong (Trung Quốc) không cấm việc mua vàng ra khỏi lãnh thổ, chỉ cần xuất trình chứng từ hóa đơn hợp lệ sẽ được xuất cảnh.
Trong thời gian làm tiếp viên hàng không, Mai biết hai công ty tại Hong Kong có bán vàng trang sức. So sánh giá vàng tại Việt Nam luôn cao hơn so với Hong Kong nên Mai nảy sinh ý định mua vàng từ Hong Kong mang về Việt Nam bán kiếm lời.
Từ năm 2014, Mai mua vàng tại Hong Kong và vận chuyển theo đường hàng không quá cảnh qua Thái Lan về Việt Nam.Việc mua bán vàng của Mai sẽ không có gì đáng nói nếu Mai tuân thủ quy định của pháp luật. Nhưng trong sự việc này, Mai không khai báo hải quan, nhằm trốn thuế để thu lợi nhuận cao từ việc mua bán vàng từ Hong Kong về Việt Nam.
Sau khi mua vàng, Mai không vận chuyển thẳng từ Hong Kong về Việt Nam. Vì Mai biết rõ nếu xuất cảnh từ Hong Kong phải xin cấp visa trong thời hạn sáu tháng, không được nhập cảnh quá ba lần và dễ bị cơ quan chức năng phát hiện.
Với ý định “qua mặt” cơ quan chức năng, Mai vận chuyển vàng từ Hong Kong quá cảnh vào Thái Lan về Việt Nam để ít bị kiểm tra hơn.
Do một mình không thực hiện được hành vi mua bán vàng từ Hong Kong về Việt Nam nên Mai đã rủ những người thân trong gia đình gồm: Nguyễn Anh Tuấn (anh rể), Bùi Xuân Thanh (em họ), Lê Trung Khánh (anh trai), Hoàng Thu Giang (vợ Khánh), Hoàng Văn Thắng (em họ) và Chu Thanh Long (cháu ruột) để thực hiện việc mua bán, vận chuyển vàng trang sức.
Mỗi khi có người tại Việt Nam đặt hàng đủ về số lượng, chủng loại vàng trang sức, Mai sẽ bỏ toàn bộ tiền để mua. Mai trực tiếp chọn mẫu, bán hàng, thu chi, tính toán lỗ lãi và trả công cho người tham gia vận chuyển.
Đối với các thành viên trong họ tham gia cùng, Mai phân công Giang đặt hàng, ghi chép sổ sách việc mua bán vàng, vé máy bay, đặt khách sạn tại Thái Lan, Hong Kong cho người đi vận chuyển.
Mỗi tháng Mai trả công cho Giang 1.300 USD. Khánh và Long sẽ sang Hong Kong nhận hàng, vận chuyển về Thái Lan, còn Thắng, Tuấn và Thanh đợi ở Thái Lan và chia vàng ra để vận chuyển.
Để tránh sự phát hiện, cả nhóm dùng băng dính quấn quanh bụng, để vàng bên trong. Mỗi lần vận chuyển trót lọt, Mai trả công 10 triệu đồng cho mỗi người tham gia. Riêng Mai hưởng lợi từ hành vi này khoảng 8.000 USD.
Đầu tháng 8-2017, Mai chỉ đạo Giang đặt mua vàng trang sức gần 23 tỷ đồng của một công ty tại Hong Kong. Ngày 20-8-2018, Khánh và Long bay sang Hong Kong để nhận vàng, vận chuyển về Thái Lan.
Ngày 25-8-2017, tại sân bay Bang Kok, cả nhóm chia nhỏ số vàng trang sức thành 5 phần, dùng băng dính quấn quanh bụng. Khoảng 20h45 cùng ngày, năm đồng phạm của Mai nhập cảnh vào Việt Nam từ Thái Lan tại Sân bay quốc tế Nội Bài và bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và bắt giữ.
Tang vật thu được là vàng quấn quanh bụng nhập cảnh từ Thái Lan về sân bay quốc tế Nội Bài. Số vàng trang sức được định giá là gần 20 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Mai còn khai, trước đó đã nhiều lần đặt mua vàng trang sức tại Hong Kong chuyển về Việt Nam. Cơ quan điều tra đã tách rút hành vi mua bán vàng lậu trước thời điểm bị bắt để tiếp tục điều tra, xử lý sau.
Tại phiên xử, bị cáo Mai và đồng phạm thừa nhận hành vi phạm tội như trên. Hội đồng xét xử tuyên phạt Mai 8 năm tù, Khánh 3 năm 6 tháng tù, Giang 3 năm tù (án treo). Các bị cáo khác tuỳ theo mức độ phạm tội mà bị tuyên phạt từ 2 năm tù đến 2 năm 6 tháng tù (án treo).