"Vậy đó mà cùi cụi à. Tôi chỉ bị trầy da chút ít, cái thai không hề hấn gì. Đứa nhỏ trong bụng sinh nhanh và khỏe re. Giờ nó còn mạnh hơn mấy em của nó nữa. Chắc nhờ leo dừa suốt nên trời cho tôi cái sức dẻo dai, không bị bệnh gì…" – cô Nguyễn Thị Mười Hai (57 tuổi, ngụ thị trấn Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cười tươi nhớ về một thời khốn khó.
Được mọi người thân thương gọi là "bà ngoại 12" bởi giờ đây cô Mười Hai đã lên chức bà ngoại của mấy đứa nhỏ.
Là con thứ 12, 12 tuổi biết leo lên ngọn dừa
Hỏi cái tên độc đáo của mình có sự tích gì không, cô Mười Hai cười toe toét, bảo thì nhà có mười mấy đứa con, đứa nào ra lần nào đặt tên theo số đó cho dễ nhớ. Vậy là không biết nhà ấy tổng cộng có bao nhiêu con, chỉ biết nhiều hơn cả một đội bóng đá.
Nhưng dường như cái tên nói lên số phận. Cũng là phận con gái như ai nhưng cô Mười Hai lại nghịch ngợm thích nhảy nhót khám phá như con trai từ nhỏ. Chẳng có ai dạy hết nhưng hứng lên là cô cứ hết leo đọt này, trèo cây kia dù lắm khi ăn đòn bầm mông mà cũng không chịu bỏ.
Cô Mười Hai biết leo dừa từ rất nhỏ.
Đúng 12 tuổi, cô Mười Hai cũng biết leo cây dừa, mà lại leo giỏi mới "sợ". Nhiều cuộc thi leo dừa nhanh cùng đám con trai, cô toàn giành phần thắng cuộc.
Cứ tưởng leo chơi đó, nào ngờ sau này cái nghiệp vắt vẻo trên cây nó bám riết lấy người phụ nữ đến giờ này.
Cô không ngờ nghiệp leo dừa lại gắn với mình đến giờ này.
Nghề "vắt vẻo trên cao" giúp cô có thu nhập nuôi sống gia đình.
17 tuổi, nhìn cảnh gia đình quá khó khăn, cha mẹ làm hoài mà không đủ ăn nên cô Mười Hai quyết định phải kiếm gì đó làm phụ giúp gia đình. Và nghề leo dừa thuê được cô lựa chọn.
"Ban đầu người ta trả có hai ngàn 1 cây à, rồi lên năm ngàn, bảy ngàn. Có nhiều khi chân sưng vù lên nhưng kiếm được tiền phụ được cho cha mẹ thì mình vui lắm. Mẹ tôi sau đó ngày càng yếu dần, đồng tiền leo dừa của tôi lại dần trở thành thứ nuôi sống gia đình" – cô Mười Hai kể.
24 tuổi, cô Mười Hai kết hôn với chú Lợi.
Gánh nặng chuyện áo cơm nên mãi đến năm 24 tuổi, cô Mười Hai mới lấy chồng. Thời điểm đó, chú Bùi Văn Lợi (56 tuổi, quê Bến Tre) vừa đi bộ đội về không có việc làm ổn định. Lần lựa mãi, cuối cùng cô Mười Hai nói với chồng về ý định trở lại nghề leo dừa.
Lấy chồng không bao lâu, người phụ nữ lại quay trở lại nghề "vắt vẻo trên cây".
Ban đầu chú Lợi ngạc nhiên, không tin vợ biết leo dừa. Nhưng khi cô Mười Hai "biểu diễn" qua vài cây thì người chồng cũng lắc đầu, đành chấp nhận sự thật.
Vậy là từ đó, vợ vắt vẻo trên ngọn hái dừa còn chồng ở dưới hứng. Họ sống qua những năm tháng khổ cực bằng cái nghề lắm gian nan và mạo hiểm này.
Nhờ cái nghề cao và nguy hiểm kia, gia đình họ đã qua được chuỗi ngày khó khăn.
Biến cố thực sự đến với cô Mười Hai là năm 25 tuổi, khi cô đang mang bầu đứa con gái đầu lòng.
Dù chỉ còn vài tháng nữa sanh nở nhưng cô vẫn lén đi hái dừa thuê để kiếm tiền.
Người phụ nữ gắn bó với công việc trên gần 40 năm trời.
"Hôm đó vì trượt chân, tôi trượt từ giữa thân cây té xuống đất. Người bình thường chắc sống không nổi. Vậy đó mà cùi cụi à. Tôi chỉ bị trầy da chút ít, cái thai không hề hấn gì. Đứa nhỏ trong bụng sinh nhanh và khỏe re. Giờ nó còn mạnh hơn mấy em của nó nữa…", cô Mười Hai thuật lại.
Tin rằng "tổ nghề" leo dừa phù hộ cho mình, cô Mười Hai càng nhất quyết sẽ không bỏ cái nghiệp đã đeo đẳng mình từ hồi còn con gái. Leo hoài rồi kinh nghiệm lên cao chót vót như ngọn dừa, có thời điểm một ngày cô leo đến 70 cây dừa. Cô nhớ cây dừa cao nhất mình từng leo dài đến… 32 mét.
Mua được nhà, nuôi cả con cả cháu bằng nghề leo dừa
Cứ vậy mà chớp mắt đã 20, rồi 30 năm. Cô gái leo dừa ngày nào giờ trở thành bà ngoại, có 4 người con cùng những đứa cháu kháu khỉnh.
Lâu lâu nhớ nghề, cô Mười Hai lại lên cây.
Nhưng cái nghèo vẫn không chịu buông tha cô Mười Hai. Các con sớm nghỉ học, không có công việc ổn định, bà ngoại leo dừa lại cắm mặt trên những ngọn cây để bươn chải lo cho các cháu. Chắc vì vậy, cô Mười Hai nhìn già hơn so với tuổi thật của mình.
Đứa cháu cũng được thừa kế khả năng leo trèo giống bà.
"Tôi nhớ ngày đó, chỉ mới hơn 10 năm trước, mấy đứa cháu tôi phải ăn cơm dưới mái nhà dột. Đứa con trai lớn của tôi theo nghiệp hái dừa giống mẹ rồi bị ong đốt. Từ lần đó nó nghỉ, bỏ đi làm hồ. Được một thời gian rồi giờ cũng quay trở về nghề bán dừa. Cái nghề này coi vậy mà dễ sống" – cô Mười Hai chia sẻ.
Đã "nghỉ hưu", cô làm thêm những mẻ dầu dừa để bán cho khách.
Tằn tiện tích cóp trong một thời gian dài, đến năm 2013, cô Mười Hai đủ tiền xây cái nhà tường lợp tôn để che mưa che nắng. Rồi cô cũng bắt đầu nuôi gà vịt để bán kiếm thêm thu nhập.
6 năm trước khi con trai út đi nghĩa vụ quân sự về chưa biết làm gì, cô Mười Hai lại hướng chàng thanh niên vào nghề vắt vẻo trên trời.
Con trai út hiện đang nối nghiệp mẹ Mười Hai.
Đến nay, mỗi ngày anh Bùi Minh Tưởng (29 tuổi) leo 40-50 cây dừa hái thuê cho bà con xung quanh, kiêm luôn việc chở dừa mướn. Cuộc sống của gia đình họ ngày một ổn định hơn.
Cách đây hai năm thấy tóc mẹ đã bạc gần hết, mấy người con của cô Mười Hai bỗng dưng lo sợ, không cho cô lên cây nữa. Vậy là "hưu non" từ đó.
Nghề leo dừa thường đối mặt với côn trùng và phải chui vào những tàu lá rậm nên sau mỗi buổi sáng làm việc, anh Tưởng con cô Mười Hai lại tắm rất kỹ.
Để khuây khỏa nỗi buồn, người phụ nữ bắt đầu làm dầu dừa để bỏ mối cho mấy bạn hàng mang lên thành phố.
Ngày nào cô Mười Hai cũng đi ra đi vào ngắm nhìn những cây dừa cô tự tay trồng quanh nhà. Chúng so về độ cao không thể sánh bằng những cây cô từng leo khi trước, nhưng nó đôi lúc cũng khiến chân cô cuồng lên và bám vào.
Nghề leo dừa giúp cô Mười Hai có một căn nhà vững chãi.
Nhất là khi có những đoàn khách du lịch, khách Tây tìm đến hỏi thăm cô. Sôi động nhất có lẽ là từ sau bộ phim Bà ngoại leo dừa do cô làm nhân vật chính nhận giải Cánh diều bạc 2009.
Quá trưa, anh Tường chạy chiếc xe ba gác trở về nhà. Mắt cô Mười Hai sáng lên khi thấy những vật dụng ngày cũ: Chiếc liềm, nón tai bèo và sợi dây thừng.
Cô Mười Hai khoe thành tích chạy việt dã làm niềm vui tuổi già.
Tôi hỏi cô có thấy vui khi con nối nghiệp mẹ, người phụ nữ gật đầu nhưng khựng lại: Vui đó, mà cũng buồn đó. Cô nói rằng không muốn các cháu sau này theo nghiệp gian khổ này. Để một mình cô dãi nắng dầm mưa bám lấy cây dừa cả đời là đủ lắm rồi.
Mời độc giả đón xem những câu chuyện bình dị của xứ miền Tây sông nước được chúng tôi ghi lại qua góc nhìn chân thật, đậm nét nhất ở các bài viết tiếp theo.
Đọc lại bài 1: Về miền Tây nghe những câu chuyện nhỏ xíu, nhìn nụ cười hiền khô của dì Bảy, thím Ba, thấy thứ gì cũng ngọt vị tình người.