Không khí thân thiện
Tối ngày 11/11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam. The New York Times (NYT - Mỹ) nhận định, so với những cuộc gặp trong bầu không khí căng thẳng trước đây, lần này nhà lãnh đạo Trung Quốc đã mỉm cười bắt tay Thủ tướng Nhật Bản.
Trong cuộc họp, hai ông đã thảo luận các biện pháp cải thiện quan hệ song phương cũng như cách thức đối phó với chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
"Kết thúc cuộc đối thoại, Chủ tịch Tập Cận Bình nói cuộc gặp này đánh dấu một khởi đầu mới cho quan hệ Trung-Nhật. Tôi cũng nghĩ như vậy", Reuters dẫn lời Thủ tướng Abe.
Truyền thông Nhật Bản bình luận, đây là dấu hiệu ấm lên của mối quan hệ giữa hai nước đối địch lâu dài.
Quan hệ Trung-Nhật được cho sẽ "ấm lên" sau màn bắt tay thân thiện giữa hai ông Abe, Tập Cận Bình tại Đà Nẵng. Ảnh Tân Hoa Xã
Theo NYT, hai nước Trung-Nhật có khả năng từng bước tiến tới hòa giải nhờ đều nhận thức được rằng, tình hình tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đang thay đổi.
"Động thái thân thiệt của Nhật Bản là sự thừa nhận Trung Quốc đang thay thế Mỹ, trở thành nước đi đầu về thương mại tự do ở khu vực, cũng như lo lắng Mỹ-Trung có thể phát triển mối quan hệ thân thiết hơn nhờ chuyến công du Bắc Kinh của Tổng thống Donald Trump.
Trong quá trình tìm cách tiếp tục củng cố sức mạnh, Trung Quốc nhận ra rằng, nếu Nhật Bản có thể trở thành đối tác chứ không hoàn toàn là đối thủ thì Bắc Kinh sẽ càng thành công hơn trong ảnh hưởng tới khu vực", NYT nhận định.
Báo Mỹ đánh giá, mối đe dọa đến từ Triều Tiên cũng là nguyên nhân khiến Trung-Nhật xích lại gần nhau.
Rào cản lịch sử
Tuy nhiên, NYT cũng cho rằng, do rào cản lịch sử và tồn tại tranh chấp lãnh thổ lâu dài cũng như tranh giành ảnh hưởng tại khu vực nên những cái bắt tay hay một nụ cười chưa đủ để mang lại những điều chỉnh thực sự của quan hệ song phương Trung-Nhật. Hai nước hiện đang tồn tại tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Giáo sư danh dự Đại học Harvard Ezra Vogel cho rằng, quan hệ hai nước sẽ không được cải thiện đáng kể do độ tin tưởng giữa nhân dân hai nước chưa đạt 10%.
Nhưng giới phân Trung Quốc chỉ ra, sau 5 năm lạnh nhạt, ông Tập nhận thấy làm ấm mối quan hệ với Nhật Bản sẽ có lợi hơn cho sự thịnh vượng của Trung Quốc.
"Chúng tôi rất chú trọng đến mối quan hệ với Nhật Bản", Giáo sư Nhậm Hiểu thuộc Đại học Phúc Đán Thượng Hải nói, "Hiện nay hai nước đều mong muốn thiết lập mối quan hệ tốt đẹp".
Thủ tướng Nhật Bản và Chủ tịch Trung Quốc từng thể hiện thái độ "thờ ơ" trong những cuộc gặp trước đó. Ảnh Reuters
Trong khi, chuyên gia quan hệ Trung-Mỹ, Giáo sư lịch sử Đại học Oxford Rana Mitter cho rằng, ông Tập "cần đảm bảo rằng Nhật Bản sẽ không trở thành cường quốc thứ ba trong khu vực".
"Thái Bình Dương đủ rộng cho cả Trung Quốc và Mỹ", ông Tập nói trong cuộc họp báo hôm 9/10 với Tổng thống Trump.
Chuyên gia chiến lược người Australia Hugh White cho hay, thông qua việc thân thiện với ông Abe, ông Tập muốn lãnh đạo Nhật làm quen với quan điểm "Trung Quốc là nước lớn quan trọng hàng đầu ở Đông Á".
Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, ông Abe có thể đang chịu áp lực từ các doanh nghiệp Nhật Bản, họ kỳ vọng hợp tác với Trung Quốc trong các dự án phát triển khu vực.
"Các doanh nghiệp Nhật Bản hy vọng sẽ có cơ hội tham gia vào các hạng mục của Trung Quốc ở châu Âu", Giáo sư Shin Kawashima, Đại học Tokyo nhận định, "Vì thế, các doanh nghiệp Nhật Bản yêu cầu ông Abe cải thiện quan hệ với Trung Quốc".
Trong cuộc hội đàm ở Đà Nẵng, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã đề nghị hai nước nên tiến hành các chuyến thăm song phương chính thức vào năm sau. Đồng thời, nụ cười của ông Tập trong khoảng khắc bắt tay với ông Abe được bình luận viên của Đài truyền hình Fuji đánh giá "là phản ứng rất khác so với thái độ thờ ơ trong 4 lần gặp gỡ trước đây giữa hai ông".
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật nói trong cuộc họp báo rằng, "cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Tập Cận Bình đã mở ra một trang mới trong quan hệ Trung-Nhật". Hai ngày sau, ông Abe đã nói chuyện với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một cuộc họp khác ở Philippines.
Bà Kristi Govella, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Nhật, Đại học Harvard cho hay "dù việc tái điều chỉnh quan hệ Trung-Nhật chắc chắn sẽ được hoan nghênh nhưng viễn cảnh chưa hoàn toàn tốt đẹp, hai ông Abe, Tập Cận Bình muốn đạt được tiến bộ cần có ý chí chính trị mạnh mẽ".
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Đà Nẵng tối ngày 9/11/2017