"Du lịch là thứ bạn phải bỏ tiền mua nhưng lại khiến bạn giàu có hơn."
Bỏ tiền cho những chuyến ngao du dường như chẳng bao giờ là lỗ. Không chỉ những món quà lưu niệm hay loạt ảnh đẹp để khoe với bạn bè, những chuyến đi đúng nghĩa còn mang về cho chủ nhân của nó 1001 trải nghiệm đáng nhớ, những bài học khắc ghi trong đời.
Vậy những trái tim yêu xê dịch đã LÃI gì sau mỗi chuyến đi? Cùng theo dõi series Du Lịch Lãi để lắng nghe, khám phá và được truyền cảm hứng qua lăng kính cởi mở và đầy sắc màu.
Nhân vật: Phạm Dung
Tuổi: 3X
Nghề nghiệp: Chuyên viên kế hoạch - đầu tư bất động sản
"Là một chuyên viên kế hoạch đầu tư tại một tập đoàn lớn chuyên về lĩnh vực bất động sản, công việc hàng ngày phải đối mặt với những con số đau đầu cùng rất nhiều thủ tục phức tạp, rắc rối, điều gì đã giúp Dung cân bằng lại cuộc sống của mình?", câu chuyện của tôi với Dung đã bắt đầu như vậy.
"Có lẽ là đi du lịch...", Dung trả lời.
Và thế là, cuộc nói chuyện của chúng tôi đã mở ra vô số những điều bất ngờ và ý nghĩa, cũng giống như những hành trình du lịch qua 15 quốc gia trên thế giới (Lào, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Hungary, Áo, Liechtenstein) mà Phạm Dung từng trải qua vậy.
Dung tốt nghiệp đại học năm 2008, và 2 năm sau, khi tài chính hòm hòm, cô đã bắt đầu thực hiện các chuyến đi đầu tiên của mình. Thế nhưng, nếu nói về chuyến đi đã tạo ra sự thay đổi lớn trong cô thì không thể không nói đến chuyến đi tới Lào vào năm 2013.
Nói đến Lào, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh về một đất nước nhỏ bé, xinh đẹp với những con người hiền hòa, thân thiện. Còn với Dung, ấn tượng tốt đẹp của cô còn hơn cả như thế.
(Ảnh: NVCC)
Hôm đó, Dung và nhóm bạn của mình đã chơi được ở Lào vài ngày. Đến ngày cuối cùng, họ đã tới một phiên chợ ở thủ đô Viêng Chăn để mua quà lưu niệm. Lang thang khắp rất nhiều cửa hàng để mua đồ linh tinh trong 2 tiếng đồng hồ, từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa, Dung và các bạn không nhớ đã ghé qua bao nhiêu cửa hàng nữa. Thế nhưng, chính lúc đó thì rắc rối xảy ra.
Đang mua hàng, cô bỗng giật mình vì không thấy cái máy ảnh Canon EOS 600D của mình đâu nữa. Cô chỉ nhớ có lúc đã đặt tạm nó xuống ở đâu đó để xem hàng, thế rồi đãng trí mà quên cầm nó lên. Vấn đề là đã ghé qua quá nhiều cửa hàng và cô không thể nhớ nổi là đã để chiếc máy ảnh ở cửa hàng nào nên cũng chẳng biết phải bắt đầu đi tìm từ đâu.
Chiếc máy ảnh Canon EOS 600D, nhờ lòng tốt của người xa lạ đã trở về với Dung. (Ảnh: NVCC)
Nói về giá trị, chiếc máy ảnh Canon 600D lúc đó tầm khoảng 12 - 14 triệu, là một tài sản không nhỏ với người mới ra trường chưa được bao lâu và chưa có nhiều sự tích lũy như Dung. Hơn thế nữa, đối với người yêu du lịch, chiếc máy ảnh còn giống như một người bạn đường trung thành, tận tụy, giúp cô ghi lại những kỷ niệm của các chuyến đi. Vì thế, nghĩ đến việc mất nó, lòng cô như thắt lại...
"Cái nắng nóng của buổi trưa mỗi lúc càng trở nên gắt hơn, lại đã gần đến giờ phải lên xe trở về nhà. Bỗng dưng có 1 cô bé đập đập vào người mình, trên tay là chiếc máy Canon 600D. Mình còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, phải nhờ người phiên dịch, vì cô bé không nói được tiếng Anh, thì mới hiểu ra tất cả", Dung hồ hởi kể với tôi.
Hóa ra, chủ của một trong các cửa hàng Dung và nhóm bạn ghé qua đã thấy cô cầm cái máy ảnh nên nhớ và sau khi họ rời đi, biết ngay là cô để quên. Người này liền sai nhân viên đi vòng quanh chợ tìm Dung để trả lại. Cô bé nhân viên đó đã phải đi lòng vòng trong chợ cả tiếng đồng hồ, đến khi tìm thấy Dung thì mồ hôi đã nhễ nhại. Dung gần như phát khóc, muốn ôm chầm cô bé ấy, vì xúc động.
Cô bé nhân viên Lào đi lòng vòng trong chợ cả tiếng đồng hồ để tìm du khách Việt quên máy ảnh, mồ hôi nhễ nhại..."
Dung có đề nghị tặng cô bé một chút tiền để bày tỏ thành ý, nhưng em nhất định không nhận. Vì phải đi ngay mà cửa hàng của cô bé lại cách đó khá xa nên cô cũng chỉ còn biết gửi thêm lời cảm ơn tới người chủ cửa hàng tốt bụng và thật thà của cô bé nữa thôi.
Trong công việc, Dung là người làm việc rất cẩn thận, tỉ mỉ và rất ít khi sai sót. Thế nhưng không hiểu sao, khi lên đường đi du lịch, cô rất hay gặp phải những tình huống ngoài dự đoán, lúc thì quên đồ, lúc thì lạc đường... Và dưới đây sẽ có thêm một câu chuyện về "domino lòng tốt" trong những hành trình du lịch của Dung.
Đó là năm 2018, khi đó Dung có chuyến đi châu Âu kéo dài 30 ngày, trong đó ưu ái dành ra hẳn 12 ngày cho Ý - đất nước nằm trên bờ biển Địa Trung Hải mà cô rất yêu thích và đã có một kỷ niệm không thể nào quên ở Venice.
Đối với những người khác, Venice có thể là thành phố xinh đẹp, lãng mạn và nổi tiếng bậc nhất của nước Ý, của châu Âu, còn với Dung, ngoài vẻ đẹp ấy ra, Venice còn để lại ấn tượng cực kỳ sâu sắc về lòng tốt của những người dân nơi đây vào lúc... đêm khuya.
Dung kể, phương tiện đi lại chủ yếu ở Venice là Water Bus (xe buýt đường thủy). Hôm đó, cô và một người bạn gái cùng đứa con 5 tuổi của người này cùng nhau ra đảo chơi, đến tối mới trở về khách sạn. Thế nhưng lúc đó, điện thoại hết pin, họ đã lên nhầm xe buýt. Lẽ ra cần đến ga Venezia-Mestre nhưng khi phát hiện ra, họ đã đi quá điểm này khoảng 2 trạm. Lúc đó đã 10 giờ đêm, cũng chẳng còn xe nào chạy nữa mà đi về.
Điểm cuối bến đó chỉ còn bác tài xế và 3 vị khách người Ý cùng 3 người bọn Dung. Trong 4 người Ý đó chỉ có một cô nói được tiếng Anh và nói với nhóm Dung là "Cứ yên tâm, họ sẽ bàn cách đưa chúng tôi về đến tận chỗ ở".
Vậy là giữa đêm khuya, Dung cùng bạn mình đã được chứng kiến cảnh tượng có 1-0-2 ở Venice: 4 người Ý "xì xồ họp bàn" suốt 15 phút để làm sao để đưa 3 người Việt Nam về khách sạn an toàn! Không biết họ đã nói với nhau những gì trong tận 15 phút ấy, nhưng Dung có thể cảm nhận được sự lo lắng và chu đáo đến khó tin từ những người mà cô mới chỉ gặp lần đầu.
4 người Ý "xì xồ họp bàn" suốt 15 phút để làm sao đưa 3 người Việt Nam về khách sạn an toàn."
"Cuối cùng, họ đã đưa ra quyết định là cái cô biết tiếng Anh sẽ đưa bọn mình về. Phải đi bộ một quãng đường dài trong đêm, bọn mình cũng thấy ái ngại thay cho cô người Ý, và nói chỉ cần chỉ đường, bọn mình sẽ tự về được, nhưng cô ý không nghe, nói như thế không an toàn. Rồi trên đường về, bọn mình lại gặp một người phụ nữ Ý sống ở gần nhà trọ và được cả bà này đưa về đến tận cửa khách sạn", Dung kể tiếp.
Khi về tới khách sạn đã 11 rưỡi đêm, Dung và cô bé 5 tuổi con của bạn Dung đã khóc luôn vì một buổi tối mệt nhoài với quá nhiều cảm xúc lẫn lộn, hoang mang, sợ hãi, cho đến vui mừng, và trên hết là xúc động vì sự tử tế của những con người mà họ vô tình chạm mặt trên đường đi. Họ đã để lại địa chỉ email và số điện thoại của mình, nhắn nhủ các ân nhân khi nào đi du lịch đến Việt Nam thì liên lạc...
Dung còn kể với tôi nhiều câu chuyện được giúp đỡ tương tự như vậy ở Trung Quốc, Pháp hay Bồ Đào Nha nữa. Phần lớn chúng đều là những khoảnh khắc nguy cấp, vội vã đến mức có khi còn chẳng kịp cảm ơn hay chụp một bức ảnh với người đã giúp mình.
Dung bảo, cuộc sống này là một vòng tròn tiếp nối, những người đã giúp cô chắc hẳn cũng không mong được cô trả ơn, mà có lẽ muốn cô sẽ giúp lại những người khác nữa, để sự tử tế được lan tỏa, để bất kỳ một lữ khách nào lỡ bước cũng luôn nhận được những sự trợ giúp...
Chỉ vài tháng sau chuyến đi châu Âu vào tháng 5/2018, Dung đã có cơ hội "trả ơn" những sự tử tế mà mình đã gặp trên đường.
Hôm đó, khi đang đi qua một chỗ dừng chờ đèn đỏ trước cổng Văn Miếu, Dung nhìn thấy một phụ nữ nước ngoài tầm 50 tuổi đang tìm đường trên map rồi nhìn trước, nhìn sau có vẻ rất sốt ruột, như thể đang tìm xe taxi vậy.
Thấy thế, Dung đã dừng lại hỏi chuyện, xem có thể giúp đỡ được gì không. Bằng vốn tiếng Anh cũng chỉ đủ giao tiếp thông thường của mình, lại qua giọng nói lơ lớ của người phụ nữ, Dung chỉ biết bà là người Pháp, sang Việt Nam công tác và có một cuộc họp quan trọng ở Khách sạn Melia, Lý Thường Kiệt. Tuy nhiên, vì mải thăm thú Văn Miếu, khi nhìn đồng hồ mới biết là sắp đến giờ họp, người phụ nữ mới nháo nhào đi tìm taxi thì không thấy có chiếc nào đỗ ở đây.
Thấy Dung đỗ lại hỏi, người phụ nữ rối rít cảm ơn và hỏi cô là có biết phải gọi taxi ở đâu không. Nhìn vẻ mặt lo lắng của vị khách nước ngoài, Dung đã không ngần ngại bảo "bà ngồi lên xe máy đi, tôi chở bà đi cho nhanh" trước ánh nhìn vừa ngạc nhiên, vừa bất ngờ và quá đỗi vui mừng của người được giúp đỡ.
Sau khi đến được khách sạn Melia, người phụ nữ Pháp đã nắm chặt tay Dung, cảm ơn đi cảm ơn lại và ngỏ ý muốn trả tiền cho "cuốc grab bất chợt", nhưng tất nhiên là Dung từ chối.
"Bà ấy đã hỏi tôi là, tại sao lại tốt như thế?" - Dung bất giác mỉm cười tươi tắn.
"Và tôi đã trả lời rằng, tôi cũng từng đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có Pháp - quê hương của bà ấy, và đã được giúp đỡ rất nhiệt tình và vô tư bởi những người xa lạ, và bây giờ, tôi cũng muốn làm điều tương tự như thế, không vì mục đích gì cả".
Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, đã được giúp đỡ rất nhiệt tình và vô tư bởi những người xa lạ, nên bây giờ, tôi cũng muốn làm được như thế".
Tuy nhiên, cũng cần phải nói là thế giới này nhiều người tốt, nhưng cũng không ít kẻ xấu. Khi xác định đã 'xách balo lên và đi' thì cũng cần phải hết sức cảnh giác. Dung nói cứ đi nhiều sẽ luyện được phản xạ bảo vệ bản thân, ví dụ như biết tìm nơi đông người để đi, tránh đi vào những chỗ quá vắng vẻ, hay sẽ có phản xạ 'nhìn người' để đoán biết tốt - xấu, từ đó đưa ra phương án ứng xử.
Dung nói, điều này là cực kỳ quan trọng với những người hay đi du lịch một mình, hoặc đi với vài người bạn gái giống như cô. Dung lấy ngay ví dụ về một tình huống cô gặp phải cũng trong chuyến đi Ý năm 2018.
Hôm ấy, Dung đi cùng 2 mẹ con người bạn trên một chuyến tàu đi từ thành phố Verona - quê hương của câu chuyện tình huyền thoại Romeo và Juliet, về Venice. Lúc đầu thì toa tàu họ ngồi cũng khá đông, nhưng khi chỉ còn 2 đến 3 trạm nữa là đến bến cuối, mọi người xuống hết, chỉ còn lại 3 người họ và một người đàn ông nước ngoài đeo kính râm với bộ dạng đáng nghi, liên tục để ý họ.
Ban đầu, dù chỉ là linh cảm, nhưng Dung đã ra hiệu với bạn mình phải bằng mọi cách phải quan sát được hành vi của người đàn ông kia, không để bản thân rơi vào tình thế nguy hiểm bị động.
Vậy là, họ đổi chỗ ngồi sang một vị trí khác có ánh nắng chiếu vào, và đã có cớ để đeo kính râm, từ đó có nhiều điều kiện quan sát hơn.
Sau đó, khi đã gần như chắc chắn anh ta không bình thường chút nào, họ di chuyển đến vị trí gần người lái tàu, để nếu người đàn ông kia có định "gây chuyện" thì cũng còn phải e ngại phần nào. Và Dung cho biết, có lẽ họ đã hành động đúng, vì ngay sau khi họ chuyển vị trí thì người đàn ông đầy vẻ bất lương kia cũng lập tức rời khỏi toa tàu.
*******
"Đi nhiều, lại được tôi luyện khả năng 'mắt sắc' thế này thì anh nào muốn lọt vào 'mắt xanh' của Dung chắc cũng khó đấy nhỉ?", tôi bất ngờ hỏi dò Dung.
"Cái này phải tùy duyên thôi. Việc yêu đương và lập gia đình rất quan trọng, nhưng tình yêu thì không thể miễn cưỡng, cho đến khi gặp được định mệnh thì mình vẫn luôn sống hết mình, tận hưởng những niềm hạnh phúc đang có, và đặc biệt là luôn sẵn sàng lên đường, đi nhìn ngắm thế giới rộng mở trước mắt", Dung trả lời tôi với nụ cười dí dỏm, không quên nhắc đến chuyến đi Bắc Âu dự định sẽ diễn ra vào đầu năm sau.
Xin chúc cho chuyến đi của cô bạn nhỏ nhắn nhưng đầy quyết đoán và tự tin này được may mắn, suôn sẻ, và biết đâu, sau chuyến đi ấy, tôi sẽ lại được nghe thêm nhiều câu chuyện tuyệt vời nữa của Dung.