Tại Hội nghị APEC 2022, đại diện công ty Việt Nam đã có bài phát biểu truyền cảm hứng về cách họ táo bạo lao vào hành trình góp phần làm “xanh hóa” ngành thời trang, lĩnh vực bị nhiều ý kiến cho rằng gây ô nhiễm top 2 chỉ sau ngành khai thác dầu mỏ. Đằng sau chất liệu sợi-bền-vững làm từ bã cà phê có tính khử mùi cao, làm từ sen giàu ion âm và mát cho da, làm từ chuối, dứa, bắp… mà công ty này đang cung cấp, là một “quy trình tỷ đô” xuất phát từ nền kinh tế có ngành dệt may hàng đầu thế giới: Đài Loan (Trung Quốc). Đó là công ty Faslink - gần 20 năm trước khởi nghiệp bằng 4 chiếc máy may cũ để làm đồng phục.
“Dấu ấn tiên phong” về mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn này bắt đầu từ CEO Trần Hoàng Phú Xuân, vốn là một nữ sinh yêu thích đặc biệt với môn… lịch sử, từng ứng tuyển xin việc 5 lần vào một đơn vị nhưng đều bị đánh trượt.
- Những ngày đầu khởi nghiệp của chị ra sao?
CEO Trần Hoàng Phú Xuân: Từ bé, nhà tôi có cái vườn nhỏ, tôi hay chơi đồ hàng “mua mua, bán bán”. Mẹ tôi có một cái quán nhỏ, tôi thường xuyên được đi chợ giúp bà. Bà nội, bác và mẹ của tôi cũng là người làm vải. Có lẽ là vậy, tôi yêu thích nghề buôn bán từ nhỏ mà không hay, và đặc biệt là “nhân duyên” với ngành thời trang.
Nhìn lại thời đi học thì tôi không có vẻ gì của dân làm thời trang cả (cười). Tôi học khoa Đông Phương học và tôi yêu thích ngành học của mình đến độ mỗi lần có dịp tiếp xúc với người nước ngoài qua, tôi đều giới thiệu chuyên ngành của mình là “Khoa học Xã hội và Nhân văn”.
Nhưng thật ra, phải nhờ học ngành này mà rồi đi làm kinh doanh, tôi mới có tư duy tiếp cận khác biệt, đó là hướng đến con người. Từ sản phẩm đến cách tiếp cận thị trường, tiếp cận khách hàng, tôi và cộng sự đều chọn làm sao hướng tới tác động xã hội nhiều hơn chứ không chỉ thuần túy là chỉ để tăng doanh thu.
Suốt thời đi học, có một lĩnh vực tôi đặc biệt yêu thích đó là lịch sử. Tôi thấy mình học được tư duy logic khi nhìn lại quá trình vận hành của các nền văn minh và văn hóa từ bao nhiêu đời nay, và có một khát khao dường như tự nhiên về những xu hướng phát triển “bền vững”.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi nộp đơn xin vào một công ty về ô tô. Tôi còn cẩn thận tìm đọc và nghiền ngẫm toàn bộ lịch sử và văn hóa làm việc hai đơn vị đó. Thậm chí, tôi đã từng ứng tuyển 5 lần vào một vị trí, nhưng đều… bị trượt. Thế là quay về, khởi nghiệp!
Mãi về sau, tôi mới nhận ra bản thân chưa có đủ năng lực và sự phù hợp với những nơi đó, nhưng có lẽ quan trọng hơn vẫn là “cái duyên” đã dẫn tôi đến với ngành thời trang.
Cách khởi nghiệp của tôi rất… buồn cười. Năm 2003, ở Việt Nam khái niệm “Uniform” (đồng phục) còn khá lạ lẫm. Hầu như ai cũng tìm đến một nhà may để đặt mẫu áo chung cho đơn vị, tập thể của họ. Một số đơn vị chuyên may đồng phục cũng đã bắt đầu xuất hiện, nhưng nhìn chung cái nhìn của đa số vẫn gọi chung họ là “nhà may”.
Tôi phát hiện ra mô hình “uniform company” (công ty đồng phục) thật ra là một ngành công nghiệp chuyên biệt phát triển ở Mỹ, Châu Âu và Nhật.
Từ đó, tôi định vị Faslink là một công ty đồng phục. Ai gọi chúng tôi là “nhà may” thì tôi giận lắm đấy! (cười)
Cũng phải nói thêm là khi làm khởi nghiệp, tôi quan điểm là đứng trên đôi chân của mình, cho nên tôi ít khi vay tiền hoặc là vận động vốn của ai đó. Tôi tự nhủ “Ok mình có bao nhiêu thì mình sẽ làm bấy nhiêu”. Trong nhà có bao nhiêu vàng tôi bán sạch, dù trong lòng rất lo lắng, nhưng cũng không nói với ai. Tôi đã sẵn sàng tâm thế “chơi tất tay".
Những ngày đầu, chúng tôi chỉ có 4 chiếc máy may mua trả góp, đều là hàng second-hand của Nhật. Đơn hàng đầu tiên là 60 chiếc áo. Chuyện kinh doanh ngày xưa không tiện như bây giờ. Chúng tôi vừa sản xuất vừa tự đi ship hàng. Thậm chí, chúng tôi phải gọi điện, gửi fax đến từng phòng ban của một công ty nhiều lần mới có thể tìm thấy đối tác.
Nhưng nhiều đơn hàng rồi thì chỉ với 4 máy, phải làm sao? Người xung quanh bắtbăt đầu hoài nghi, cho rằng tôi quá mơ mộng và phi thực tế. Nhưng thật ra bí quyết là ở cách tổ chức công việc, nó quan trọng hơn việc bạn có bao nhiêu nguồn lực nằm trong tay.
Faslink dần có đối tác làm đồng phục với nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia hoạt động ở Việt Nam như Unilever, LG, Abbott... Để có thể vững vàng trong ngành đồng phục, chúng tôi biết rằng phải luôn tạo ra những thiết kế đẹp hơn và có tính ứng dụng cao hơn. Khách hàng đồng phục của Faslink mở rộng từ trong ra ngoài nước.
Tất cả kết quả đó diễn ra chỉ trong 5 năm đầu tiên. Tôi thấy mình thật sự đã gặp nhiều may mắn.
- Đang làm ăn thuận lợi trong ngành đồng phục thông thường như thế, nguồn cơn nào khiến chị rẽ hướng sang làm sản phẩm từ các loại sợi-bền-vững có quy trình không gây hại môi trường - hay còn gọi là “sợi xanh”?
CEO Trần Hoàng Phú Xuân: Sau 7 năm làm đồng phục, tôi quyết định mình sẽ tìm những nguồn nguyên liệu mới. Vì thực sự, lúc đó nguyên liệu làm thời trang ở Việt Nam quá cũ. Lúc đó, Google cũng mới bắt đầu phổ biến thôi, tôi cặm cụi tìm kiếm thông tin và nghiền ngẫm với từ khóa “new fabric” (vải mới).
“A, thì ra trên thế giới có một hội chợ rất lớn ở Thượng Hải!” - tôi nhớ như in cái tiếng reo trong đầu mình khi đó. Càng tìm hiểu, tôi càng biết thông tin về nhiều hội chợ lớn khắp toàn cầu, thậm chí có hội chợ có tuổi đời 80 - 90 năm.
Tôi xách vali lên và đi! Lần đầu tiên đến hội chợ tại Thượng Hải, tôi choáng ngợp vì quy mô quá lớn, rất nhiều người đổ về. Xung quanh mọi người mặc những bộ trang phục tôi chưa từng được thấy. Các gian hàng ở đó quá “xịn”, đến nỗi nhiều lúc tôi phân vân không biết là mình có nên bước vào hay không.
Ngày đầu tiên, tôi không làm gì cả, chỉ đi ngắm thôi. Đến ngày thứ hai, tôi đi vào gian hàng lớn nhất. Thì ra đó là của một nhãn hàng cực kỳ nổi tiếng, bấy giờ là tập đoàn đứng thứ 2 ở Trung Quốc về may mặc. Họ chỉ tiếp khách hàng được mời, nên mình chỉ đứng ngoài nhìn thôi. Rồi tôi thuyết phục một lúc lâu, họ mới đồng ý trao cho thư mời…
Cứ thế, sau một thời gian “mày mò” và tiếp xúc, cơ duyên với đối tác sợi lớn nhất của chúng tôi cho đến tận ngày nay dần mở ra. Đó là một tập đoàn chuyên làm “sợi vải xanh” của Đài Loan.
- Nhà máy của đối tác thì ở Đài Loan, vậy thực sự thì làm thế nào để Faslink nắm rõ, kiểm soát được rằng sợi của họ là “xanh”, “bền vững”?
CEO Trần Hoàng Phú Xuân: Thật ra, chuỗi cung ứng của ngành dệt may trong 60 năm gần nhất là những mắt xích toàn cầu. Nhưng trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) là đóng vị trí rất đáng nể vì họ có thể tự chủ, sở hữu nhiều công nghệ, bằng sáng chế… Đài Loan thường xuyên đứng vị trí thứ nhì thế giới về sợi vải, thậm chí có thời điểm họ còn được các tổ chức uy tín xếp thứ nhất. Có những sản phẩm sợi-bền-vững của họ, dù có đổ nhiều tiền cũng không thể copy được!
Bạn có thể hình dung thế này, ở Việt Nam sợi từ thực vật như sợi cà phê, sợi dứa, sợi chuối... cũng có thể tự làm được, nhưng những loại đó còn rất là thô, không ứng dụng vào nhiều kiểu quần áo. Kể cả khi ứng dụng được vào một vài kiểu quần áo, thì giá thành rất cao, chưa kể việc bảo quản cũng đòi hỏi cầu kỳ hơn.
Còn với công nghệ như của Đài Loan, những loại nguyên liệu đó có thể tạo ra sản phẩm sợi với quy trình công nghiệp, làm số lượng rất lớn, vừa phải thân thiện với môi trường vừa phải đầy đủ tính năng thật tốt cho cuộc sống thật.
Lấy ví dụ về loại sợi vải chúng tôi tâm đắc nhất là từ bã cà phê. Quy trình sản xuất sợi vải từ bã cà phê có thể tạm miêu tả như sau.
Nhà máy thu gom bã cà phê, làm sạch, sấy khô, rồi tách tinh dầu. Bã cà phê còn lại sau khi ép tinh dầu sẽ trở thành dạng bột trắng. Sau đó, nghiền bột cà phê này ra và trộn với dung dịch nung chảy từ chai nhựa tái chế.
Kết quả thu được là hỗn hợp gọi là cà phê poly. Từ đây, tạo ra những “con chip”, nguyên liệu để kéo thành sợi. Từ những sợi sơ cấp này, nhà máy sẽ ghép lại để tạo thành những sợi lớn hơn tùy vào mục đích là tạo ra sản phẩm ví dụ như sơ-mi hay polo, hay vải bò…
Loại sợi vải này có những tính năng là thấm hút, chống nắng, và khử mùi rất tốt. Thời điểm Faslink bắt đầu mang sợi cà phê về là quãng năm 2015-2017, khi đó ở Việt Nam hầu như chưa mấy có ai nói về loại sợi này.
Quá trình nghiên cứu và phát minh ra công nghệ làm “sợi xanh” trước đó phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và uy tín. Nhà sản xuất muốn đăng ký bằng sáng chế thì họ phải cung cấp công thức, quy trình làm sợi để và chờ đợi kiểm nghiệm nghiêm ngặt. Đối tác ở Đài Loan của Faslink đã có bằng sáng chế về công nghệ làm sợi-bền-vững ở rất nhiều quốc gia lớn trên thế giới.
Nhà máy của họ có đầy đủ các chỉ số để đo lường và giám sát về việc họ cắt giảm được bao nhiêu lượng nước, bao nhiêu lượng khí thải carbon, tiết kiệm được bao nhiêu năng lượng. Ước tính, công nghệ và quy trình đó giúp nhà máy này giảm được 30% lượng khí thải carbon ra môi trường, giảm 50% lượng nước và giảm 70% năng lượng so với sản xuất sợi vải kiểu cũ. Họ cũng có chứng chỉ Recycled Content Standard. Toàn bộ những nhà máy sản xuất dòng vải sợi từ nguyên liệu tái chế đều phải có chứng chỉ này.
Thực tế nhiều năm qua đội ngũ của Fastlink cũng đã đến Đài Loan nhiều lần để quan sát thực tế và thực nghiệm ở nhà máy của họ.
- Nghiên cứu thành công là một chuyện. Chọn được đối tác “xanh” là một chuyện. Nhưng làm thế nào để chị thuyết phục được khách hàng, đối tác ở Việt Nam, khi ngày đó, và kể cả bây giờ, gắn liền với “xanh” thì vẫn là chi phí đắt đỏ, lợi nhuận chưa cao?
CEO Trần Hoàng Phú Xuân: Quả tình là hồi trước khi giới thiệu các dòng sản phẩm từ sợi-bền-vững, chúng tôi thường nhận được phản ứng kiểu “thế thì đắt lắm”! Khách nghe xong băn khoăn nhiều lắm. Chúng tôi phải kiên trì thuyết phục. Việc thuyết phục đối tác ít nhất 70% kết quả đạt được phải từ những giá trị thực có vượt lên trên sản phẩm.
Hiểu được điều đó, chúng tôi luôn chú trọng tái đầu tư vào công việc. Có những năm, kinh doanh lời bao nhiêu, chúng tôi dành tất cả đầu tư ngược lại. Để thay đổi được thói quen của người tiêu dùng theo hướng ngày càng “xanh”, “bền vững” hơn, chỉ có cách đầu tư phát triển công nghệ mới. Nhờ đó, năng lực làm chủ công nghệ, quy trình của Faslink không ngừng được củng cố.
Chúng tôi chọn phương pháp “raw and real", nghĩa là sản phẩm có gì thì mọi người sẽ thấy cái đó. Khách hàng tự nhận thức, thích và mua. Kiểu truyền thông này sẽ cần thời gian, nhưng tôi tin rằng khi người ta hiểu người ta biết người ta sẽ nhớ rất lâu.
- Hẳn là chị đã bị rất nhiều đối tác từ chối rồi ấy chứ?
CEO Trần Hoàng Phú Xuân: Có một câu tôi vui vui nhưng tôi thấy rất đúng với việc làm thời trang từ sợi-bền-vững đó là: “Hà Nội không vội được đâu". Nó đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - nghĩa bóng tức là cần rất lâu để chúng ta có thể có được tín nhiệm của ai đó.
Tôi luôn tâm niệm để có được cái gật đầu của đối tác, mình phải “gieo duyên”. Làm sao để có lòng tin của đối tác rất quan trọng. Câu chuyện ứng tuyển 5 lần giúp tôi hiểu được mình không được chấp nhận vì chưa đủ năng lực. Cho nên khi sản phẩm của mình đi chào mà chưa được thành công, bởi vì “profile" chưa thuyết phục. Tôi có tư duy mọi thứ không như ý là do mình chứ không phải do ai khác. Mình chính là vấn đề.
Faslink đã nhận không biết bao nhiêu lời từ chối. Mỗi lần bị như vậy, chúng tôi quay lại hoàn thiện bộ hồ sơ. Khi còn trẻ, nếu bị từ chối tôi sẽ thấy “quê" lắm. Trẻ mà, lúc đó lòng tự ái cao nên thường cho rằng “họ chẳng hiểu gì cả".
Khi ngưng đổ lỗi, chúng ta sẽ tìm ra cách.
Từng có nhãn hàng hàng chúng tôi phải gặp đến 9 lần. Mỗi lần hẹn gặp là một lần Faslink hoàn thiện hồ sơ của chính mình thêm một chút. Và nay, đơn vị này - tôi không tiện nêu tên - là đối tác lớn bậc nhất ở Việt Nam phối hợp làm sản phẩm từ sợi-bền-vững cùng chúng tôi.
- Đến nay, Faslink đã đạt được những con số ra sao, thưa chị?
CEO Trần Hoàng Phú Xuân: Từ 4 chiếc máy may và khoảng 20 nhân sự, hiện chúng tôi đã tồn tại và phát triển được gần 2 thập kỷ. Vài năm trước, đi qua đại dịch Covid-19 với những dư chấn của nó, việc Faslink có thể tồn tại đã là niềm hạnh phúc.
Hiện nay, chúng tôi có 250 máy may, 450 nhân sự. Mỗi năm, Faslink kinh doanh khoảng 7 triệu mét vải.
Chúng tôi không có tăng trưởng theo cấp số nhân, nhưng bù lại tự chúng tôi rất “bền và vững".
Chúng tôi đã có những đơn hàng đi Đức, đi Mỹ, Nhật, Úc… Và tôi rất vui vì có một số tập đoàn lớn dệt may lớn của thế giới đồng ý sẽ kết nối vì họ đứng ở vai trò là người giới thiệu nguồn hàng. Họ đã lấy các cái sợi vải chúng tôi nghiên cứu để chào khách hàng.
Hiện nay, Faslink vẫn đang tiếp tục mở rộng hợp tác với các tập đoàn lớn, trong đó, có những tập đoàn hơn 50 năm tuổi, với kỳ vọng sau này sẽ thu được quả ngọt. Tôi hay dùng từ “gieo hạt”, tìm những mảnh đất tốt, làm việc chăm chỉ và sáng tạo, thì mới thu về được nhiều trái ngọt.
Chúng tôi có những đối tác gắn bó trên 10 năm. Nhờ họ, tôi học hỏi được rất nhiều. Chẳng hạn, một người chị có ảnh hưởng trong ngành dặn tôi “em phải luôn tỉnh táo khi ở trên đỉnh cao”. Hay một người anh có nhà máy rất lớn trong miền Nam sau một lần nghe tôi than thở khá nhiều, anh nói: “Em chỉ cần làm tốt trong thời gian này, em sẽ lên một tầm cao mới". Kể từ đó, tôi “nín than", thay vào đó tập trung vào làm việc.
- Có vẻ như, ngoài “lãi” về kết quả kinh doanh, hành trình với Faslink còn mang lại cho chị rất nhiều giá trị về tinh thần?
CEO Trần Hoàng Phú Xuân: Với tôi, điều làm cho mình hạnh phúc đó là được làm đúng với triết lý sống của bản thân, từ công việc cho tới những mối quan hệ trong đời sống.
Tôi kỳ vọng những sản phẩm của mình có thể giải quyết những vấn đề thiết yếu, phát triển ra những tính năng mới phục vụ cho nhu cầu của xã hội.
Tôi rất ngưỡng mộ tư tưởng của Chủ tịch Uniqlo, ông Tadashi Yanai. Một trong những điều tôi muốn học hỏi được từ Tadashi Yanai đó là ông một tư duy kinh doanh tạo ra sự khác biệt với thế giới dựa trên việc đặc biệt ưu tiên phát triển các nghiên cứu và công nghệ, tin vào điều đó và làm đúng với định hướng đã đề ra.
Faslink cũng đang theo đuổi con đường tạo ra sự tác động tốt với xã hội và đầu tư vào công nghệ mới, mở phòng lab... Điều này đòi hỏi việc tính toán rất cẩn thận. Chúng tôi phải nắm được hiện tại xã hội đang gặp vấn đề gì, mình nên có thể đóng góp về chi phí hoặc là hiểu biết để thay đổi ra sao? Đây cũng là động lực thúc đẩy chúng tôi làm việc với nhiều đối tác, thậm chí với những người không cùng trong ngành.
Bên cạnh đó, Faslink cũng muốn phát triển khái niệm gọi là “universal language". Tôi cảm thấy nó rất lý tưởng để mà đi lâu dài.
Universal language có thể hiểu là những ký hiệu, ngôn ngữ mà cả nhân loại người ta đều có thể hiểu, không phân biệt là ở đâu. Ví dụ như cử chỉ nhân ái, đó là một thứ “universal language” mà dù là người dân tộc nào cũng hướng tới, tôn vinh. Hay như, chúng ta là người Việt tóc đen, da vàng… nhưng chúng ta hoàn toàn có thể yêu thích một bộ phim hoạt hình của nước Mỹ - là nhờ bộ phim đó đang nói bằng nhiều “universal language".
Chúng tôi cũng muốn tạo ra ngôn ngữ chung như thế trong ngành thời trang - đó là sợi-bền-vững, làm chủ công nghệ và tiếp tục mang sợi vải xanh đi xuất khẩu. Có thể chắc chắn rằng sợi-bền-vững là một thứ “universal language” trong ngành thời trang hiện nay.
- Xin cảm ơn chị rất nhiều về buổi chia sẻ này!
"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Với sự đồng hành tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; đơn cử như ngân hàng quân đội MBBank với dự án ứng dụng thiện nguyện minh bạch; trong quá trình truyền thông và tổ chức sự kiện, Human Act Prize sẽ tiếp sức tinh thần và những giá trị tri thức để mọi hoạt động cộng đồng tại Việt Nam được kiến tạo minh bạch, khoa học, hữu hiệu và nhân văn.
Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org/