Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, lý do là bà Inada phải công du bốn ngày đến Djibouti, bắt đầu từ ngày 13 đến 16-8. Hiện vẫn chưa rõ liệu bà Inada có quyết định gửi lễ vật đến ngôi đền vào ngày 15-8 hay không, tờ Straits Times cho biết.
Quyết định không đến viếng đền Yasukuni của bà Inada lần này thu hút sự chú ý rất lớn của các quốc gia trước nay không mấy thiện cảm với ngôi đền.
Việc các quan chức và chính trị gia Nhật Bản đến viếng thăm ngôi đền luôn vấp phải chỉ trích từ Trung Quốc, Triều Tiên và Hàn Quốc, do nơi này còn thờ nhiều nhân vật bị xem là tội phạm chiến tranh của phát xít Nhật.
Các nước này cho rằng việc viếng thăm ngôi đền không khác gì ca ngợi chủ nghĩa quân phiệt một thời của Nhật Bản.
Trong khi đó, bà Inada lại nổi tiếng là một chính trị gia có quan điểm cánh hữu, ủng hộ việc cải thiện vị thế của Nhật trong các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế. Bà cũng là một trong những gương mặt chính trị thường xuyên đến thăm ngôi đền Yasukuni trong nhiều năm qua.
Tờ Straits Times cho biết trước khi được Thủ tướng Shinzo Abe chỉ định làm bộ trưởng Quốc phòng, bà Inada thường đến viếng ngôi đền này những hai lần/năm.
Việc bà Inada sắp xếp chuyến công du trùng với dịp kỷ niệm quan trọng này có thể nhằm tránh gây căng thẳng ngoại giao trong giai đoạn bà vừa nhậm chức không lâu.
Trước đó, trong buổi trả lời phỏng vấn đầu tiên với cương vị bộ trưởng Quốc phòng, bà Inada từng lấp lửng về khẳng định tiếp tục thói quen viếng ngôi đền Yasukuni.
“Đây là một vấn đề về tình cảm. Tôi không thể nói tôi sẽ đi hay không, hay tôi có nên đến thờ cúng tại ngôi đền nữa hay không. Tôi sẽ hành động với sự cân nhắc kỹ lưỡng ở cương vị là một thành viên của nội các Nhật Bản”.