Nữ bộ trưởng dùng xe công đi nghỉ bị mất trộm

Đinh Duy Hòa |

Việc sử dụng xe công và đi máy bay công tác ở Đức thỉnh thoảng cũng dẫn đến sự cố.

Khởi động của Bộ Tài chính khoán xe công từ 1/10 chưa biết kết quả ra sao, nhưng riêng cách nghĩ và cách làm là đáng hoan nghênh.

Vấn đề nhức nhối lâu nay chính là nhiều xe công quá. Cả nước đang có 40.000 xe, so với nhu cầu thừa 7.000 xe, mà vẫn tiếp tục mua mới. Tiếp đến là tình trạng sử dụng xe công không đúng tiêu chuẩn.

Đây là vấn đề người dân bức xúc. Xe đưa đón cục trưởng, viện trưởng và tương đương ở trung ương, rồi lãnh đạo sở, ban, ngành ở tỉnh không còn là cá biệt.

Và cuối cùng là lạm dụng xe công vào việc tư. Trong bối cảnh như vậy, việc tìm ra giải pháp sử dụng và quản xe công hợp lý là hết sức cần thiết.

Cứ đơn giản tính hiện có 22 bộ, cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, vị chi là 30 cơ quan nhân với trung bình một cơ quan 5-8 thứ trưởng, cộng với một số bác tương đương thứ trưởng, cuối cùng ra con số khoảng 350 vị quan chức sẽ áp dụng khoán xe.

Rồi sau đó là cơ quan đảng, đoàn thể, quốc hội... và sau rốt là địa phương.

Con số chính xác tính ra không khó. Điều đáng nói ở đây là việc khoán này chỉ nhằm vào việc hàng ngày đưa đón, nghĩa là cái xe của các vị này được “tiết kiệm” không sử dụng vào giờ này, xe và lái xe ở tại cơ quan, thì chỉ riêng khía cạnh kinh tế đã có chuyện: vẫn phải chi tiền lương cho lái xe vào thời gian này, vẫn phải khấu hao tài sản công...

Nhìn rộng ra, vấn đề chống lãng phí trong sử dụng tài sản công không đạt được, nhất là sử dụng xe công nói chung, tức là xe công của cả cơ quan theo kiểu: đi công tác kết hợp du lịch, đám cưới, đám tang... cũng gây lãng phí ghê gớm.

Giả sử tất cả các vị thứ trưởng và tương đương trong cả nước đều thực hiện khoán đưa đón, nhưng việc sử dụng vẫn như trước đây, tức là cả công tư kết hợp thì cái gọi là tiết kiệm được qua khoán chẳng thấm vào đâu so với cái lãng phí sử dụng xe công không phù hợp.

Hệ thống hành chính chuyển từ thời bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường nhiều thứ vẫn theo kiểu vừa tình vừa lý.

Cuối tuần nhà em cưới con trai, mượn một xe của cơ quan. Mấy chục năm cùng làm việc, nói không cho mượn cũng khó.

Tây khoán xe công thế nào?

Có một số người nêu ở nước ngoài cũng đã thực hiện khoán xe công, ta nên học theo.

Việc sử dụng xe công và đi máy bay công tác ở Đức thỉnh thoảng cũng dẫn đến sự cố chính trị, thậm chí có trường hợp cá biệt phải từ chức.

Sự cố “Dặm thưởng máy bay” 2002: ai đi máy bay phần lớn đều biết chuyện tích điểm lấy dặm thưởng của các hãng hàng không nhằm thu hút khách hàng.

Năm 2002, nhiều quan chức Đức đã phải từ chức vì việc này. Lý do: các bác đi công vụ bằng máy bay, như vậy là từ tiền công, nhưng điểm thưởng lại cộng dồn cho mình để sau này mua vé máy bay cho mục đích tư, trái quy định.

Sự cố “Xe công vụ nữ Bộ trưởng Y tế liên bang 2009 Ulla Schmidt”: Bộ trưởng này mang xe công đi nghỉ tư ở Tây Ban Nha.

Chẳng may, xe bị mất trộm và câu chuyện rộ lên trên báo chí: vi phạm hay không vi phạm quy định. Cuối cùng phải lấy quy định ra và kết luận là không vi phạm.

Nữ bộ trưởng dùng xe công đi nghỉ bị mất trộm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ulla Schmidt trở về Đức sau chuyến đi nghỉ gây tranh cãi ở Tây Ban Nha. Ảnh: EPA

Chính phủ liên bang Đức có quy định cho bộ ngành trung ương về xe công theo những điểm chính như sau:

- Tiêu chuẩn có xe công vụ riêng: thành viên Chính phủ liên bang, bao gồm Thủ tướng, Phó Thủ tướng, bộ trưởng và quốc vụ khanh (quốc vụ khanh là từ gọi khác đi của thứ trưởng).

- Phạm vi sử dụng: theo quy định là “sử dụng riêng và sử dụng không hạn chế”. Đây là điểm quan trọng khi xem xét bà Bộ tưởng Y tế có vi phạm quy định trong ví dụ nêu ở phần trên.

Sử dụng không hạn chế là sử dụng cả vào việc công lẫn việc tư, kể cả đi nghỉ ở nước ngoài. Riêng quốc vụ khanh thì sử dụng xe công vụ ở nước ngoài phải được sự đồng ý của bộ trưởng.

- Ngoài ra, còn có một loạt các quy định khác về sử dụng và quản lý xe công trong các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có 2 điểm đáng chú ý là:

Khi nào thì sử dụng xe công? Ví dụ như bộ cử đoàn công tác gồm cấp vụ và chuyên viên đi địa phương cách thủ đô 300km thì bắt buộc bố trí xe công hay không?

Câu trả lời là: nếu đi bằng các phương tiện giao thông khác như tàu hỏa, xe buýt... mà không ảnh hưởng tới công tác, chi phí lại ít hơn so với xe công thì dứt khoát không dùng xe công.

Trường hợp cho phép là đi phương tiện khác không bảo đảm thời gian họp hành, làm việc hoặc chi phí dùng xe công xấp xỉ bằng dùng phương tiện khác. Nguyên tắc mấu chốt ở đây là kinh tế, tiết kiệm.

Sổ sách kiểm soát sử dụng xe công: mỗi xe công đều có sổ theo dõi, ghi chép đi đâu, thời gian, số km chạy, thậm chí dọc đường hỏng, vào xưởng sửa chữa ra sao...

Đây là công cụ để kiểm tra hữu hiệu việc sử dụng xe công đúng mục đích, chống lãng phí.

Trọng tình chuyển sang trọng lý

Số người ở ta có tiêu chuẩn sử dụng xe công vụ cho riêng mình là quá nhiều, đặc biệt là số lượng người được sử dụng xe riêng theo tiêu chuẩn “tương đương thứ trưởng”.

Việc khoán đưa đón cho thứ trưởng chỉ là một giải pháp rất nhỏ trong cái vấn đề lớn hơn rất nhiều là sử dụng tiết kiệm, đúng quy định xe công vụ. Nếu quản lý chặt, không nể nang và ý thức được nâng cao thì không cần biện pháp này.

Quan trọng hơn nhiều là việc quản lý xe công trong cả hệ thống, không chỉ nhằm vào khoán kiểu này. Có quy định phù hợp, có kiểm tra thường xuyên và cơ quan nào làm trái thì trước hết thủ trưởng cơ quan đó chịu trách nhiệm.

Làm được sẽ tiết kiệm được một đống tiền. Nếu không làm được thì câu chuyện khó hơn là chống tham những, càng khó làm.

Bằng cách này góp phần chuyển cách quản lý hành chính từ trọng tình, trọng quan hệ sang trọng lý, coi trọng pháp luật trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại