Phản ứng của chính quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel đối với cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu đã giúp cho nhà lãnh đạo Đức có được danh tiếng trên toàn thế giới như một nữ anh hùng thời hiện đại.
"Tôi dành sự tôn trọng lớn cho thủ tướng Angela Merkel", cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore nói trong một chuyến thăm Berlin, "Tôi nghĩ rằng bà là một nhà lãnh đạo xuất sắc khi thường xuyên đối mặt với một loạt thách thức đầy khó khăn".
Mặc dù quan điểm ấy phổ biến trong phần lớn các lãnh đạo phương Tây nhưng bà Merkel lại không nhận được sự ủng hộ từ các đảng phái trong nước. Ngoài ra, ngày càng có nhiều đồng minh cũ của bà Merkel đang tự hỏi: Liệu có phải bà đang khiến cho châu Âu chia rẽ không?
Vết rạn trong lòng EU
Theo Politico, dù giữ quan điểm như thế nào về Thủ tướng Merkel và động cơ của bà thì người ta cũng phải công nhận, có thể chính bà Merkel đã chia rẽ châu Âu, đẩy châu lục này đến bên bờ vực gần hơn bao giờ hết. Chỉ cần nhìn vào 2 thách thức mà bà Merkel phải đối mặt trong cương vị thủ tướng: Cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng Euro và vấn đề người tị nạn.
"Chính bà Merkel đã đưa bản thân vào tình huống này", Timo Lochocki, một chuyên gia tại Quỹ Marshall, Đức nhận định.
"Những quyết định của bà Merkel về các vấn đề của khu vực đồng euro và khủng hoảng người tị nạn đã làm phật lòng nhiều đồng minh châu Âu. Và sự chia rẽ ngay bên trong đảng của bà về các vấn đề tị nạn đã đẩy phe bảo thủ trong liên minh ngày càng xa hơn, trước hết là đảng CSU".
Việc chính quyền Berlin khăng khăng cho rằng, bất chấp hậu quả lâu dài của các biện pháp thắt lưng buộc bụng, các nước Châu Âu đang mắc nợ nhiều như Hy Lạp cần phải thực thi các biện pháp cắt giảm chi tiêu khiến khoảng cách kinh tế giữa các nước trong khu vực đồng euro, cũng như sự chống đối với chính quyền Đức ngày càng gia tăng.
Và không chỉ ở các nước nhận cứu trợ như Hy Lạp. Tại Italia, những đòi hỏi của EU và ngân hàng TW Châu Âu buộc nước này tiến hành cải cách nền kinh tế đều được cho bắt nguồn từ chính phủ Đức.
Ngay cả khi bà Merkel coi Đức là cánh tay phải hỗ trợ châu Âu thì nhiều người dân tại đây lại cho rằng chính quyền Berlin phải gánh chịu hậu quả về mặt tài chính khi EU ngày càng sa sút.
Chia rẽ sâu sắc
Nếu cuộc khủng hoảng đồng tiền chung khiến châu Âu rạn nứt thì cuộc khủng hoảng người tị nạn lại gây chia rẽ sâu sắc. Lần này, Đức không đề nghị mà yêu cầu được giúp đỡ nhưng câu trả lời từ các nước châu Âu còn lại là "Không".
Khi quyết định tiếp nhận hàng ngàn người tị nạn mắc kẹt tại ga xe lửa của Hungary vào mùa hè cách đây 3 năm, bà Merkel coi đó là một hành động nhân đạo và một cử chỉ thể hiện sự đoàn kết châu Âu.
Kỳ vọng của bà là các nước EU khác sẽ "thực hiện trách nhiệm của mình" và tiếp nhận một số người tị nạn. Khi các nước này từ chối, bà Merkel gây áp lực buộc EU để công bố mức hạn ngạch tiếp nhận tị nạn cho các quốc gia khác trong khối nhưng điều này cũng không thành công.
Khi số người tị nạn nhập cảnh vào Đức đạt đến mức kỷ lục, các nước châu Âu càng tin tưởng rằng họ không dính dáng gì đến sứ mệnh nhân đạo của Đức.
Đồ tiếp tế được đặt trước ga chính Frankfurt để đón người tị nạn. Ảnh: EPA
Sau nhiều năm không nhận được sự giúp đỡ trong vấn đề người tị nạn tại nước mình, chính phủ Tây Ban Nha và Italy, hai đầu tàu kinh tế tại EU, đều cảm thấy không có động lực giúp đỡ Đức. Ở Đông Âu, các quốc gia có ít kinh nghiệm giải quyết với vấn đề di cư hoặc Hồi giáo, cũng đều tự hỏi tại sao họ cần phải hy sinh sự đồng nhất văn hóa của nước mình để hỗ trợ bà Merkel.
Theo những người chỉ trích bà Merkel thì mặc dù tuyên bố chống lại các hành động đơn phương, bà Merkel đã có 1 quyết định đơn phương hồi năm 2015 khiến cho cả châu Âu phải lâm vào tình trạng khó khăn như hiện tại.
Trong cuộc trưng cầu dân ý của Anh về tư cách thành viên EU vào năm 2016, các nhà vận động Brexit đã sử dụng hình ảnh của những người tị nạn trên đường vượt biên đến Đức như một ví dụ về các khó khăn đang xảy ra ở châu Âu.
Thực tế, chính sách tị nạn của bà Merkel không chỉ gây chia rẽ trong các nước đồng minh của Đức mà còn trong nội bộ liên minh của bà. Gần như biến mất trước cuộc khủng hoảng tị nạn, Đảng Sự thay thế cho nước Đức ( Euroskeptic Alternativ for Germany) đã hồi sinh với một thông điệp tranh cử cứng rắn chống lại người tị nạn.
Điều khiến nhiều quan sát viên thấy khó hiểu chính là phản ứng của bà Merkel trước sự bất hòa ngày càng tăng của châu Âu. Bà có vẻ không quá bận tâm.
Trong những cuộc cãi vã của cuộc khủng hoảng đồng tiền chung Châu Âu, bà Merkel đã gợi ý rằng một khi Châu Âu ổn định trở lại, bà mong muốn triển khai 1 kế hoạch tham vọng hơn cho khu vực đồng euro, hợp nhất về chính trị của các thành viên trong khối.
Vì vậy, khi ứng viên Emmanuel Macron với quan điểm ủng hộ châu Âu được bầu làm Tổng thống Pháp, người ta lại hi vọng dưới sự lãnh đạo của bà Merkel, Đức sẽ vượt qua cái bóng của mình, chấp nhận nhiều rủi ro hơn và nới lỏng kiểm soát ngân sách để tạo ra sự đoàn kết trong EU.
Tuy vậy, bà Merkel đã đợi 1 năm mới mời tổng thống Macron tham gia quá trình cải cách châu Âu. Ngay cả với những người ủng hộ bà Merkel nhiệt tình nhất, thì những gì bà đề xuất cũng quá ít ỏi so với mức kỳ vọng của nhiều người - một lời hứa mơ hồ về "khả năng tài chính" cho khu vực đồng euro.