Là khách mời trong chương trình Đời nghệ sĩ số mới nhất, NSƯT Kim Tử Long đã bất ngờ chia sẻ những khó khăn thuở mới vào nghề.
Tại chương trình, NSƯT Kim Tử Long bật mí về những thăng trầm trong cuộc đời của một người nghệ sĩ. "Tôi nói thật, làm nghệ sĩ thì ai cũng phải trải qua một lần bị đì, không ai là không bị cả. Tuy nhiên, khi bản thân vượt qua được thì nghĩ rằng sân khấu là thánh đường", anh nói .
Được biết đến là một trong những nghệ sĩ cải lương thuộc "hàng top" của làng giải trí Việt, song NSƯT Kim Tử Long cũng có lúc rơi vào trường hợp "bị đì".
Thuở còn học tại trường nghệ thuật Trần Hữu Trang, nam nghệ sĩ được cố nghệ sĩ Đức Lợi "chọn mặt gửi vàng" vào vai hoàng tử trong vở "Tấm Cám" . Thế nhưng, đến sát giờ lên sân khấu, anh hốt hoảng khi người trưởng đoàn báo thông tin "chấn động".
Nam NSƯT kể: " Trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi, lần tôi bị đì mà nhớ nhất là lúc học trường Trần Hữu Trang. Đến năm thứ 2, nghỉ hè thì tôi trốn đi hát, gia nhập đoàn cải lương Huỳnh Long.
Vô được chừng 2 tuần. Nghệ sĩ Đức Lợi là ba của Bình Tinh nói, tuần sau sẽ cho tôi hát vai hoàng tử trong vở Tấm Cám. Tôi hãnh diện vô cùng nên về nhà học tuồng để chuẩn bị hát cho đêm diễn đó.
Ông trưởng đoàn nói: "Đêm nay em không được hát vai này" mà mình đã mời cha mẹ, rồi báo bạn bè mua vé đến xem hết rồi. Ông trưởng đoàn bảo, muốn gì thì muốn cũng phải sau đêm diễn này.
Không ngờ, trong đêm diễn đó, ông trưởng đoàn bắt tôi đóng quân lính, đứng cầm cây giáo hầu hoàng tử trong khi vai hoàng tử đó lẽ ra là mình được đóng.
Đó là điều tôi nhớ nhất trong đời. Khi mà tôi cầm cây giáo đóng vai quân sĩ, tôi khóc và nghĩ tại sao người ta lại đối xử với mình như vậy. Lúc đó mới 19 tuổi. Mình đã học tuồng hết rồi, mời cha mẹ, bạn bè đến ủng hộ.
Đêm diễn đó, ba mẹ tôi ngồi dưới đó. Ba mẹ tôi cứ ngóng xem tôi đâu mà gần hết tuồng chưa thấy con ra. Khi về nhà, tôi mới bảo, con là quân sĩ đứng kế bên hoàng tử.
Sau đó tôi mới biết là mình chưa đủ "thủ tục" với trưởng đoàn. Sau đó về, tôi quyết tâm học tới 4 năm sau ra trường.
Thêm 1 điều dở khóc dở cười nữa. Ra trường rồi, má Bảy Phùng Há giao cho tôi 1 vai mà khi cầm kịch bản, tôi khóc lần nữa. Tôi hỏi má "Má ơi, má vẫn nói con là anh kép hát chuẩn nhất, sáng nhất, giỏi nhất. Vậy tại sao khi con tốt nghiệp, má lại đưa con vai này"?
Má Bảy nói tôi một câu mà tới giờ phút này, qua bao nhiêu thăng trầm, tôi mới thấy lời má Bảy nói là đúng.
Má Bảy nói là: Trong một tuồng không có vai nào nhỏ hết mà chỉ là khi con thể hiện vai đó, khán giả có chú ý đến con hay không, khi con hát vai đó, khán giả có nhớ tới con hay không. Đó mới là điều một nghệ sĩ cần làm.
Sau khi diễn vở đó, khán giả chỉ nhắc tới "thằng da đồng". Đến giờ phút này, ai biết tới Kim Tử Long thì đều nhớ chú da đồng trong vở "Nàng tiên mẫu đơn" và hát hơi dài lần đầu tiên" .
Ở thời điểm hiện tại, NSƯT Kim Tử Long đã có sự nghiệp và chỗ đứng trong lòng công chúng khiến nhiều người nể trọng. Nam nghệ sĩ cũng không màng vai chính vai phụ. "Một người diễn viên giỏi, họ có thể hóa thân nhiều nhân vật khác nhau và mỗi lần xuất hiện đều để lại dấu ấn với khán giả" , anh nói.
Nam nghệ sĩ cũng thừa nhận, bản thân tham gia nhiều thể loại nhưng những vai diễn mang tính "tấu hề" lại rất được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
"Nghệ sĩ Vũ Linh từng mời tôi vào vai Tứ cụ trong vở Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài nhưng vì đây không phải là kép chính nên anh ấy ngại khi mời tôi diễn.
Tuy nhiên, anh bất ngờ khi tôi sẵn sàng mà không chút suy nghĩ. Sau khi tôi hát xong, khán giả rất thích vai Tứ cụ và nghệ sĩ Vũ Linh cũng đã dành nhiều lời khen đến tôi" , nam nghệ sĩ kể lại.
Ngoài ra, giọng ca 6x cũng nhắc lại một vai phụ làm nên tên tuổi của mình là thằng hầu hột vịt lộn trong vở " Bến phà kỷ niệm" .
Trong chương trình, anh hồi tưởng: "Khi anh Hoàng Song Việt giao vai diễn này, tôi dành thời gian nghiên cứu, sáng tạo và may mắn trở thành một vai diễn rất được khán giả yêu mến. Cũng từ vai diễn này mà tôi gặt hái được nhiều thành công, đem về rất nhiều show diễn, "chạy show mệt nghỉ" ở những năm 90".