Thành danh vào thời kỳ cải lương đi vào giai đoạn thoái trào là một sự nỗ lực không hề dễ dàng của NSƯT Nguyễn Hữu Quốc. Anh từng đi qua rất nhiều thăng trầm trong sự nghiệp nhưng hạnh phúc vì được sống là chính mình dù không cưới vợ.
Sự nghiệp thăng trầm
Hữu Quốc sinh năm 1974 trong một gia đình lao động nghèo ở Sài Gòn. Sau năm 1975, ba mẹ dắt theo 10 anh chị em Hữu Quốc lên vùng kinh tế mới ở Tây Ninh, giáp ranh biên giới Campuchia để lập nghiệp. Vì không biết làm ruộng nên năm nào cũng mất mùa, cả nhà lại dắt díu nhau quay ngược về Sài Gòn tìm kế mưu sinh.
Ba của Hữu Quốc làm công nhân ở một hãng giấy. Vì ngâm lồ ô nhiều nên chân tay ông bị lở nhưng cũng không dám nghỉ việc vì sợ các con chết đói. Mẹ anh thì làm đủ thứ nghề, từ mở lò bánh bông lan đến bán cháo lòng để nuôi các con.
Nhà nghèo nhưng Hữu Quốc học rất giỏi, anh từng được chọn vào lớp chuyên văn của quận khi mới học lớp 5. Hữu Quốc mê cải lương từ nhỏ. Năm lớp 7, anh đi học cổ nhạc của thầy Út Trong. Lớp 9, Hữu Quốc đậu lớp chính quy, được cấp học bổng học trường Trần Hữu Trang. Dù vậy thì anh cũng khá vất vả mới thuyết phục được ba mẹ cho mình theo học.
Hữu Quốc tốt nghiệp trường Trần Hữu Trang với tấm bằng loại giỏi và chính thức bước chân theo nghiệp cải lương với nhiều dấu ấn đặc biệt – chuyên trị vai già dù tuổi đời mới 16,17. Các huy chương bạc, huy chương vàng mà Hữu Quốc đạt được ở các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đều nhờ dạng vai này.
Theo đó, năm 21 tuổi, Hữu Quốc đạt huy chương vàng hội diễn sân khấu chuyên nghiệp đầu tiên với vai giáo sư Vinh trong vở "Bản tình ca quê mẹ" (1995). Rồi lần lượt các năm 1996, 1998, 2003, 2005, 2009, 2015 anh tiếp tục nhận các huy chương vàng khác nhờ thể hiện vai già.
Năm 2007, Hữu Quốc được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cùng nhiều nghệ sĩ lớn trong nghề như Minh Vương, Thanh Tuấn, Phượng Loan, Thoại Mỹ, Thanh Ngân, Tuấn Giao... Hữu Quốc là người trẻ nhất được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú trong đợt đó.
Sau khi đạt danh hiệu, vì hiểu lầm mà Hữu Quốc vướng vào scandal "đánh nhau" với tiền bối nkhiến anh 7 năm sống trong tuyệt vọng khi mọi cánh cửa đều đóng sầm lại trước mắt.
Hữu Quốc từng chia sẻ trên tờ Trí thức trẻ: "Vì sự cố này, 7 năm trời, tôi không được biểu diễn trên sân khấu chính thống, bị cắt hẳn ra khỏi Vầng Trăng Cổ Nhạc là chương trình danh giá bậc nhất thời điểm đó. Nhà hát Trần Hữu Trang có 3 đoàn nhưng điều về đoàn nào cũng không nhận tôi. Vậy là sau 17 năm biên chế Nhà hát Trần Hữu Trang, tôi buộc phải làm đơn xin nghỉ việc.
Lúc đầu tôi nghĩ, mình không được đứng trên sân khấu chính thống thì phải làm sao đừng để ăn bám gia đình. Và để kiếm tiền mưu sinh, trong 7 năm cay đắng đó, có những lúc tôi phải làm show diễn dành cho người thuộc thế giới thứ ba và một lần nữa bị lên án.
Nếu thời điểm đó, xã hội cởi mở như bây giờ thì chắc chắn show diễn của tôi sẽ được công nhận. Vẫn là những vở Võ Tắc Thiên, Thanh xà Bạch xà... nhưng do diễn viên nam hoá trang thành nữ và diễn với yếu tố hài hước, vui nhộn nhưng người ta đã hiểu những show diễn đó thành điều bậy. Và một lần nữa, tôi bị đánh bật ra khỏi sân khấu".
Đúng lúc ấy, nghệ sĩ Ái Như, Thành Hội, Mỹ Uyên đã đưa anh về sân khấu kịch nói, diễn vở "Bàn tay của trời", "Người điên trong ngôi nhà cổ". Kế đến NSND Hồng Vân mời qua sân khấu Phú Nhuận diễn "Phận làm gái", đúp vai cho cố nghệ sĩ Anh Vũ vai thằng Câm vở "Làng nhảy"...
Từ từ, tài năng của Hữu Quốc trong diễn xuất cũng như đạo diễn được mọi người trong nghề nhìn thấy và công nhận. Họ mời anh làm các chương trình lễ hội, game show...
Hữu Quốc là một trong số ít nghệ sĩ cải lương vinh dự được sống trong không khí của sân khấu lớn trong khi rất nhiều ngôi sao khác buộc phải tồn tại ở các sự kiện nhỏ lẻ như tiệc cưới, sinh nhật.
Fan đòi tặng cả xe hơi, không cưới vợ chỉ vì bản thân muốn có con
Năm 1999, sau khi đoạt huy chương vàng tại giải thưởng Trần Hữu Trang, Hữu Quốc được khán giả chú ý. Dĩn nhiên, anh cũng có nhiều kỷ niệm đặc biệt liên quan tới fan.
Nhiều khán giả đi qua nước ngoài về tặng anh những món quà rất giá trị. Cái thời mà mọi người đều nghe băng cassette nhưng đã có người tặng Hữu Quốc máy nghe đĩa CD xách tay từ nước ngoài về. Thậm chí, họ còn đề nghị mua xe cho anh nhưng anh từ chối.
Một lần, anh cùng người đó ngồi ở quán cà phê, thấy người đó nói điện thoại rất lớn, tỏ vẻ là người có tiền nên Hữu Quốc bị sượng. Ngay đêm đó về, anh gửi trả lại máy nghe đĩa CD và không nhận bất cứ thứ gì nữa.
Với cuộc sống riêng, Hữu Quốc vẫn độc thân. Anh bảo, công việc của người nghệ sĩ thời gian rất thất thường nên sẽ không thể toàn tâm toàn ý lo cho gia đình được. Anh không muốn lấy vợ chỉ vì bản thân cần một đứa con. Anh không muốn ai làm khổ mình nên cũng sẽ không làm khổ người khác.
"Lấy vợ để làm gì? Làm khổ cuộc đời người ta sao? Chỉ vì tôi ích kỷ muốn có một đứa con, cho họ vài đêm hạnh phúc rồi bỏ mặc họ làm nhiệm vụ nuôi con mình ư? Tôi không làm được!
Mẹ tôi có đôi lúc muốn ép tôi cưới một cô gái nào đó, sinh con cho mẹ nuôi nhưng tôi nói với mẹ: Nếu người con dâu đó là con ruột của mẹ thì mẹ nghĩ sao? Mẹ có muốn cô ấy sống cuộc đời như vậy không... và mẹ tôi im lặng.
Quan trọng là tôi vẫn sống tốt, vẫn cống hiến, vẫn làm tròn trách nhiệm một người công dân, một diễn viên, những chuyện khác hãy để nó tự nhiên", nghệ sĩ Hữu Quốc nói (nguồn: Trí Thức Trẻ).
Hữu Quốc không chỉ nổi tiếng bên lĩnh vực cải lương, anh còn mát tay làm đạo diễn game show, các chương trình lễ hội, giám khảo... nhưng ở tuổi U50, anh vẫn chọn sống độc thân
Hiện tại, Hữu Quốc vẫn đang sống cùng mẹ. Dù bà có tới 10 người con nhưng Hữu Quốc là người con được mẹ dành nhiều tình cảm nhất.
Anh từng nói trong chương trình "Đi cùng con" rằng: "Mẹ đi đâu cũng dắt tôi theo cùng và đôi lúc tôi được ăn ngon hơn các anh chị ở nhà". Vì thế, Hữu Quốc luôn cố gắng làm mẹ vui và thương mẹ nhiều hơn.
Hữu Quốc cũng là một trong những nghệ sĩ tích cực làm thiện nguyện bằng chính tiền túi của mình cùng sự chung tay của một số đồng nghiệp thân thiết. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM, mỗi ngày, anh cùng các bạn nấu 1.600 suất ăn gửi tới các y bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến cũng như những người nghèo trong khu vực bị phong tỏa.